Ngẫm từ cuộc 'giải cứu' Bến Tre

09/05/2019 08:17 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đúng vào phút đấu bù giờ cuối cùng, Bến Tre đã được giải cứu và sẽ tiếp tục tham dự giải bóng đá hạng Nhì quốc gia - Cúp Asanzo 2019, với sự kiên nhẫn của BTC giải (VFF). Trước đó, câu chuyện tưởng như đã đi vào ngõ cụt khi lãnh đạo địa phương, ở đây là Sở VH, TT&DL tỉnh Bến Tre, Liên đoàn bóng đá tỉnh Bến Tre và công ty - đơn vị tài trợ đội bóng, không tìm được tiếng nói chung liên quan đến vấn đề sắp xếp nhân sự.

Bến Tre 'hồi sinh' từ lệnh giải tán

Bến Tre 'hồi sinh' từ lệnh giải tán

VFF đã tạo điều kiện để dự sân chơi hạng Nhì quốc gia 2019 sau khi CLB này gửi công văn xin tham dự giải muộn hơn hạn chót đăng ký 6/5.

Theo người trong cuộc, chủ ý của lãnh đạo Liên đoàn bóng đá tỉnh Bến Tre muốn người của họ có chân trong Ban lãnh đạo và Ban huấn luyện CLB, sau khi chuyển giao. Nhưng, điều này không có trong chủ trương của công ty tài trợ mới, bởi họ cho rằng, để có định hướng - phát triển bóng đá tỉnh Bến Tre theo hướng đi mới, thì không thể thỏa hiệp với cơ chế cũ.

Cần phải nhắc lại rằng, sau 1 năm thành lập, hồi trung tuần tháng 4/2019, Liên đoàn bóng đá tỉnh Bến Tre (với 26 thành viên, một bộ máy khủng không thua gì VFF) đã bị đề xuất giải thể. Theo báo chí thì lý do là: "Không tuân thủ theo điều lệ, nội bộ bộc lộ nhiều khiếm khuyết, không lập chứng từ tài sản - tài chính...".

"Mất đoàn kết nội bộ dẫn đến nhiều mâu thuẫn, không báo cáo quyết toán tài chính theo quy định, việc tiếp nhận - sử dụng nguồn tài trợ cá nhân, tổ chức thiếu minh bạch…", là những cụm từ được nhắc đến nhiều nhất trong tờ trình của Sở VH, TT&DL tỉnh Bến Tre với UBND tỉnh này. Ông Nguyễn Thiện Chí, Phó Giám đốc Sở VH, TT&DL tỉnh Bến Tre, là người chịu trách nhiệm trình bày với UBND tỉnh về việc ngưng hoạt động với Liên đoàn bóng đá tỉnh.

Bến Tre là một tỉnh nghèo, với thể thao nói chung và bóng đá nói riêng không có gì nổi bật. Việc xã hội hóa thể thao cũng đã được phát động từ lâu, với hy vọng rất lớn vào nguồn lực của xã hội, nhưng với cơ chế - cách quản lý kiểu cũ, thiếu minh bạch, không ít nhà tài trợ đã bỏ của chạy lấy người. Từ chính những mâu thuẫn khó "ngồi lại với nhau", dẫn đến việc Liên đoàn bóng đá tỉnh Bến Tre chủ động gửi đơn ra VFF xin rút trước thềm giải hạng Nhì quốc gia 2019.

Bến Tre, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, thậm chí cả Cần Thơ… dường như đã bị cái "vòng kim cô" này xiết cho không ngóc đầu lên được, ít nhất ở địa hạt bóng đá. Các địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long không thể theo kịp cơ chế lên chuyên, không hẳn là do vấn đề kinh tài, mà cái cách tiếp cận và sử dụng nguồn lực xã hội đổ vào bóng đá có vấn đề ngay từ đầu.

Rộng ra trong làng bóng đá Việt Nam, có thể thấy những đội bóng còn nặng tính bao cấp như Nam Định, Nghệ An, Quảng Nam, Khánh Hòa…, cũng có chiều hướng thụt lại, so với các đội bóng doanh nghiệp.

Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Long An là cái tên cuối cùng chiếm lĩnh được vinh quang (V-League 2006), nhưng vào thời điểm đó, bóng đá Long An cũng đã kết hợp với Gạch Đồng Tâm được nửa thập niên rồi. Bây giờ thì sao?

Không ai mong mỏi điều tồi tệ cả, ngược lại, chúng ta đều muốn mọi thứ tốt đẹp hơn lên. Song vấn đề là, chỉ khi nào người ta không bắt đầu làm bóng đá với tư tưởng vụ lợi, làm giàu, thì khi ấy bóng đá mới được hưởng lợi cao nhất. Bến Tre chỉ là một điển hình, với đại diện giải hạng Nhì quốc gia - một trong những nấc thang đầu tiên để tiến lên chuyên nghiệp, mà đã đầy những tồn tại, hỏi sao không có những đấu đá ở thượng tầng khi bóng đá trở thành một miếng bánh!?

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm