Bóng đá Việt Nam: Khi chân đế mong manh

01/09/2017 10:42 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Một giải vô địch quốc gia kém chất lượng. Các cầu thủ ít được trui rèn khi còn trẻ. Chất lượng quân xanh cực kỳ kém. Rất nhiều nguyên nhân được chỉ ra cho thất bại của U22 Việt Nam tại SEA Games 29. Đáng báo động, tất cả đó là chân đế cốt lõi để dựng nên một đội tuyển vững mạnh.

1. Ở trận thua 0-3 trước U22 Thái Lan khiến U22 Việt Nam dừng bước ở vòng bảng SEA Games 29, sai lầm sơ đẳng của thủ môn Phí Minh Long dẫn đến kết quả trên. Đó là hệ quả tất yếu cho cả quá trình xây dựng từ các lứa trẻ đến khi trưởng thành.

Cựu tuyển thủ quốc gia Lê Quốc Vượng chỉ ra rằng: “Các cầu thủ trẻ thường bị vấn đề tâm lý dẫn đến những sai lầm sơ đẳng ở trận cầu then chốt. Đó là do các em có quá ít cơ hội để cọ xát. Một năm chẳng đá được bao nhiêu dẫn đến bị cóng. Kể ra thì những cầu thủ mắc sai lầm như Phí Minh Long hay pha bỏ lỡ đáng tiếc của Hồ Tuấn Tài, một năm họ đá được bao nhiêu trận đâu. Hơn thế, ở độ tuổi 14, 15 các em cũng không được cọ xát nhiều nên chưa quen với những áp lực”.

Không thể phủ nhận, bóng đá Việt Nam đang gặt hái những thành tựu nhất định từ các tuyến trẻ. Bên cạnh đó, nhiều trung tâm đào tạo trẻ mở ra và đóng góp đáng kể cho bóng đá nước nhà. Tuy nhiên, thành tựu chỉ đến trong vài năm trở lại đây.

Muốn thành công và tạo nên nền tảng vững chắc, không chỉ riêng ở khâu đào tạo trẻ mà đó là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Dẫu vậy, còn khá nhiều bất cập trong quá trình chuẩn bị mang tầm vĩ mô lẫn vi mô.

Chất lượng V-League không thể so bằng Thai-League. Chưa có một thống kê hay cơ sở dữ liệu chính xác nào để khẳng định điều đó nhưng nhìn vào trực quan về số lượng đội tham dự, chất lượng các trận đấu, chất lượng cầu thủ, số lượng khán giả thì những đánh giá đó không hề ngụy biện.

2. Giải quốc nội mới chính là “chân đế” để các cầu thủ có thể trui rèn bản lĩnh, đúc rút kinh nghiệm và đặc biệt là được cọ xát thường xuyên. Một môi trường giải vô địch quốc gia vẩn đục lại kém chất lượng sẽ khiến mức độ phát triển của các cầu thủ không đi theo quỹ đạo đúng hướng.

U22 Việt Nam: 'Tính già, hóa non'

U22 Việt Nam: 'Tính già, hóa non'

Đặt kỳ vọng lớn lao vào các cầu thủ trẻ, những người có thể làm nên chuyện cho tương lai bóng đá Việt Nam nhưng sau một thất bại, tất cả đều bẽ bàng. Thậm chí mọi thứ có thể sẽ dở dang khi chúng ta đang kề cận cơ hội nhìn ra châu lục.

Trong khi đó, vai trò của VFF lại khá mờ nhạt trong công tác tìm kiếm “quân xanh” cho các đội tuyển quốc gia. Vẫn bài toán kinh phí và câu chuyện cả nể, hợp tác với Liên đoàn các nước bạn nên chất lượng “quân xanh” khá hạn chế. Đó là những đội bóng cực yếu, không thể so sánh với trình độ của các cầu thủ hoặc những đội bóng có tên tuổi nhưng lại thi đấu với tinh thần hữu nghị đúng nghĩa và dĩ nhiên là hời hợt.

Nhìn sang Thái Lan. Bóng đá xứ Chùa Vàng liên tiếp theo dự các sân chơi mang tầm quy mô. Họ mời những CLB lớn sang đá giao hữu hằng năm. Chất lượng khách mời của Thái Lan thuộc dạng có tên tuổi trên thế giới. Nói đâu xa, giải King’Cup quy tụ những cái tên nổi bật như Belarus, Montenegro hay Nhật Bản. Tất cả đều thi đấu với tâm thế cạnh tranh sòng phẳng chứ không hề có chuyện "hữu nghị". Việc được cọ xát với các đội bóng mạnh giúp tâm lý của các cầu thủ luôn ổn định mỗi khi bước vào những trận cầu then chốt.

Thất bại của U22 Việt Nam trước người Thái và là thất bại chung ở cả giải đấu chỉ gói gọn trong hai chữ - ĐẲNG CẤP. Không phải ngẫu nhiên mà người Thái 16 lần vô địch SEA Games, trong đó có 3 kỳ liên tiếp giành danh hiệu này. Bởi vì, chân đế của họ quá vững chắc. Nhìn lại bóng đá nước nhà, đó là sự lỏng lẻo ở mọi cấp độ.

Diễm Quỳnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm