Bình luận: Đi tìm thời gian đã mất…

30/03/2018 06:35 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Không nói chuyện xưa, chỉ tính từ lúc giải vô địch quốc gia đầu tiên được tổ chức vào năm 1980, bóng đá Việt trải dài từ Bắc đến Trung, Nam, nơi đâu cũng có những tượng đài sừng sững trong lòng người hâm mộ. Tiếc là thời gian lẫn cơ chế và cả lòng người, những tượng đài ấy cứ lần lượt đổ, để đến ngày nay tìm được chỗ đứng thật khó, thật tốn kém!

Miền Bắc có Thể Công, Công an Hà Nội, Tổng cục Đường sắt, Nam Định, Nghệ Tĩnh... xuôi vào miền Trung có Huế, Quảng Nam - Đà Nẵng, Nghĩa Bình... tới Nam còn đông hơn khi sau Cảng Sài Gòn còn có Hải Quan, Sở Công nghiệp... xa hơn sau này còn có Đồng Tháp... thời bao cấp, có lẽ ngoại trừ trường hợp của Thể Công - đội bóng quốc dân, thì vùng miền nào trên cả nước cũng có một, thậm chí là vài tượng đài cho riêng mình.

Thực ra thì cũng không khó hiểu cho lắm, bởi vào cái lúc đời sống chung còn phải vật vã với miếng cơm, manh áo, được nghe bóng đá qua radio thôi cũng đã là thứ xa xỉ, nói gì tới chuyện đến sân xem những thần tượng của mình đá bóng. Vậy nên, cũng dễ hiểu khi mà đời sống từ vật chất đến tinh thần được nâng lên, bóng đá, kể cả thứ bóng đá nội đỉnh cao chẳng còn là thứ quan tâm lớn nữa của xã hội.

Nhưng không thể đổ hết lỗi cho người hâm mộ, bởi đằng sau cái nguyên nhân khách quan trên, những tượng đài của bóng đá Việt còn sụp đổ bởi chính mình. Bóng đá bao cấp xuống đến đáy nhất là vào năm 1995 không chỉ với cú phản kèo lịch sử trên sân Chi Lăng (Đà Nẵng) mà còn theo những thống kê từ giới thạo tin, tại giải các đội mạnh toàn quốc năm đó (tương tự như V-League bây giờ) có đến 12 trận combin (móc ngoặc), chiếm đến 14% tổng số trận toàn giải. Vậy nhưng chỉ có duy nhất 1 trận bị xử lý với hình thức trừ 2 điểm, phạt 2 triệu đồng và đình chỉ thi đấu... 2 cầu thủ!

Năm 2000 khoác lên mình chiếc áo chuyên nghiệp mà thực chất là nhờ các bản hợp đồng tài trợ "to tướng" trên áo đấu, nhưng lộ trình mới khiến các tượng đài vốn sống nhờ bao cấp dần lung lay dữ dội rồi lần lượt sụp đổ vì không theo (hoặc không muốn theo) nổi cơn mưa tiền của các doanh nghiệp đổ vào sân cỏ nội.

Tất nhiên, bóng đá cũng như cuộc sống chẳng bao giờ dừng lại. Bằng cách này hay cách khác, bóng vẫn lăn trên sân cỏ nội và những tượng đài dù chẳng còn thì chí ít cũng để lại hơi hướng thời bóng đá doanh nghiệp lên ngôi cùng cái tên V-League! Chỉ có điều, để xây dựng được thương hiệu thôi, chứ chưa nói đến tượng đài trong lòng người hâm mộ đã không còn là câu chuyện dễ.

Lúc này, không còn nhiều đội bóng nói đến chuyện bao cấp (dù không ít đội vẫn nhận được bao cấp từ địa phương, đơn vị, hay thực chất vẫn là do các ông bầu bao cấp), đã chuyên nghiệp hơn không chỉ trên sân cỏ, mà từ cái phòng thay đồ, xe bus, tới cảnh ông chủ CLB trực tiếp bán vé cho người xem... nhưng khán giả đến sân vẫn chẳng đông hơn, chứ nói gì đến chuyện thần tượng hay tượng đài.

Tuyển Việt Nam về nước, các tuyển thủ hối hả chuẩn bị đá V-League

Tuyển Việt Nam về nước, các tuyển thủ hối hả chuẩn bị đá V-League

Sau hành trình di chuyển vất vả, các thành viên đội tuyển Việt Nam đã đặt chân xuống sân bay Nội Bài vào sáng nay (29/3). Các tuyển thủ sẽ không có nhiều thời gian nghỉ ngơi bởi vòng 4 V-League sẽ diễn ra vào ngày Chủ nhật (1/4).

Vậy nhưng nghịch lý lại ở chỗ, tình yêu mà người hâm mộ dành cho bóng đá chẳng hề vơi. Kỳ tích của đội tuyển U23 với ngôi á quân châu lục bất ngờ khiến các khán đài V-League 2018 chật hơn mà chẳng cần đến những chiêu trò câu khách vốn được gắn cái mác kiểu "chuyên nghiệp".

Xã hội thay đổi và người xem bóng đá cũng thay đổi. Rất khó để tìm lại thứ thần tượng kiểu "tượng đài" cũ, cũng như lứa người xem đã cũ chỉ cần có bóng đá là đủ. Bóng đá bây giờ phải là ngày hội, là cuộc vui đầy đủ nhất về mặt tinh thần. Cũng chính vì vậy, khi mà cái sân Hàng Đẫy (Hà Nội) dự kiến sẽ được cải tạo thành một quần thể giải trí với bóng đá là trung tâm, thì đó mới là cách làm thực sự chuyên nghiệp.

Vũ Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm