Ăn EURO mà lo ngay ngáy...

18/06/2016 05:52 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Cứ hè về, các CLB Việt Nam lại lo ngay ngáy. Năm chẵn có “virus” FIFA World Cup hoặc EURO, năm lẻ lại Copa America. Vấn đề muôn thuở, nhưng luôn nóng, đấy là sự chểnh mảng trong tập luyện của cầu thủ khi mải miết dõi theo trái bóng ở trời Âu, ở đất Mỹ. Và nguy ngại hơn, là nạn cờ bạc, bóng bánh, trong giới quần đùi áo số Việt Nam.

Không hẹn mà gặp, đồng loạt VCK Euro và Copa America 2016 cùng diễn ra trùng thời điểm bóng đá Việt Nam đang buổi nông nhàn.

Chiều ngã đã có đêm nâng

Dân bóng bánh, lô đề, đá gà…, gọi chung là giới đam mê đỏ đen, cờ bạc, gieo một câu rất vần: “Chiều ngã đã có đêm nâng”. Đại ý, chiều thua lô đề, vé số, tối có thể gỡ gạc bằng các kèo bóng trên mạng, vốn được phơi nhan nhản trên các trang cá cược bất hợp pháp. Số mệnh của con người, của gia đình, đôi khi chỉ được quyết bằng một cú nhắp chuột.

Tính từ miền Trung đổ vào Nam, ngoài các món kể trên, còn có xới gà, dành cho một bộ phận vui thú với chiến kê, gà chọi. Các xới gà bất hợp pháp hoạt động không tuân thủ giờ giấc, nhưng thường được tổ chức vào buổi sáng, hoặc chiều, chứ không đá ban đêm, giờ gà lên chuồng. Nhiều trận độ lớn, lên tới cả tỷ bạc. Ừ, thì “chiều ngã đã có đêm nâng”.

Trở lại với vấn đề nóng mà chúng ta đề cập ở đầu bài viết. Giới cầu thủ Việt kháo nhau rằng, cứ 10 cầu thủ chơi bóng chuyên nghiệp hoặc thậm chí là bán chuyên, thì có hơn phân nửa dính vào bóng bánh, bay lắc. Không phải tất cả, nhưng phần lớn trong số này lún sâu, dẫn đến tán gia bại sản, bao gồm cả các cầu thủ tầm sao số bậc nhất xứ sở.


EURO đến thường như một cơn bão, quét đi nhiều thứ của giới cầu thủ Việt Nam

Lãnh đạo và BHL các đội bóng, lo cũng vì lý do này. Ngoài việc cầu thủ có thể lao tâm khổ tứ, bào mòn sức lực, khiến chất lượng các buổi tập, cũng như các trận đấu khi trở lại giải, chịu ảnh hưởng, thì những thiệt hại về tài chính từ các trận đấu bóng đá ở châu Âu hay châu Mỹ xa xôi, có thể khiến họ làm bừa khi quay lại giải đấu quốc nội.

Lịch sử bóng đá Việt Nam không hề thiếu những nhân chứng lịch sử, cầu thủ tự làm tự ăn và phải xộ khám. Đấy là đại án SEA Games 2005, Bacolod, Philippines; rồi vụ nhóm trên dưới 10 cầu thủ V.Ninh Bình làm kèo ở đấu trường AFC Cup 2014, thêm tốp 6 – 7 cầu thủ của Đồng Nai nhúng chàm trong khuôn khổ các trận đấu V-League 2014…

Khác với mọi năm, khi các giải bóng đá quốc nội phải nghỉ để “né” Euro hay World Cup, năm nay, BTC V-League quyết định giải đấu sẽ vẫn diễn ra theo đúng lịch trình. Mặc dù vậy, nếu tính cả giai đoạn nghỉ để Đội tuyển QG tập trung (từ 23/5 – 19/6), V-League 2016 mới “lăn bánh” trở lại, cũng gần cả tháng, phân nửa quãng nghỉ rơi vào Euro và Copa.

Việc quản quân trong giai đoạn này là cực kỳ khó khăn với lãnh đạo, cũng như BHL các đội bóng. Theo thừa nhận của các HLV, họ không thể tiến hành tịch thu điện thoại hay laptop của VĐV được, bởi như thế là vi phạm quyền riêng tư; cũng khó thể quản lý giờ giấc sau lịch điểm danh, ai mà biết được ma ăn cỗ. Thôi thì hy vọng vào ý thức cầu thủ.

Nhưng, ý thức chuyên nghiệp với không chỉ các cầu thủ, mà với phần lớn các đội bóng Việt Nam, bao gồm cả ĐTQG…, là một khái niệm khá trừu tượng, ngay thời buổi bóng đá kim tiền và V-League đã vắt qua tuổi 16. Chỉ một số ít ỏi mới không rượu bia, chè chén hay bóng bánh, bay lắc. họ thậm chí tường tận múi giờ ở đủ các châu lục để lướt web “du lịch”.

Và ngẫm từ “đội tuyển mì gói”

Khen người Anh, Đức hay Âu châu làm bóng đá chuyên nghiệp, biến bóng đá chuyên nghiệp trở thành ngành công nghiệp không khói hái ra tiền, thì bằng thừa. Trong phạm vi bài báo này, chúng tôi chỉ đề cập đến công tác chuẩn bị mỗi giải đấu, mà Đội tuyển Đức – nhà vô địch thế giới, hẳn phải là tấm gương cho phần còn lại của thế giới túc cầu.

V-League với Euro: Niềm vui xen lẫn âu lo

V-League với Euro: Niềm vui xen lẫn âu lo

World Cup hay EURO là dịp rất tốt để những người làm nghề học hỏi kiến thức bóng đá mới mẻ, hiện đại. Tuy nhiên, đằng sau sự học đó cũng là những âu lo, trăn trở về sự len lỏi của “bóng ma” cá độ.


Năm 2014, hầu hết chúng ta đều được xem các phóng sự hoặc đọc các bài báo, về việc Đội tuyển Đức đã thuê và xây mới hẳn một khu tập luyện, ăn nghỉ chế độ 5 sao ở Brazil, với những trang thiết bị - sân bãi tối tân nhất, phục vụ đội bóng. Đại công trình này tất nhiên được để lại cho người chủ nhà Brazil, sau World Cup 2014, giải đấu mà Đức đã lên ngôi.

VCK Euro 2016 ở nước láng giềng Pháp lần này, người Đức còn chơi hoành tráng hơn, với khu tập luyện trị giá hàng trục triệu USD, mà họ đã đàm phán với người chủ nhà và chuẩn bị từ một năm trước. Cầu thủ có quyền đưa gia đình đến đại bản doanh của đội bóng, đồng thời không phải nghĩ đến bất cứ điều gì khác, kể cả đôi giầy đá bóng.

Tính chuyên nghiệp và cả nền khoa học thể thao Đức được liệt vào tốp đầu thế giới, ngang hoặc trên cơ Anh và Mỹ. Thế nên, có phần khiên cưỡng khi so sánh với các điều kiện ăn ở, tập luyện và di chuyển, công tác chuẩn bị…, của Đội tuyển Việt Nam, tại các giải đấu khu vực như AFF Cup hay SEA Games. Nhưng, không lẽ không thể ước ao?

Mới đây, trong một phóng sự của Kênh Bóng đá & Thể thao TV về hậu vệ Đình Hoàng, trong chuyến đến Myanmar đá giải tập huấn AYA Bank Cup 2016, anh lôi từ balo hành lý có cả nước mắm, thịt sấy khô (giăm bông), xúc xích và đương nhiên, không thể thiếu mấy gói mì. Đình Hoàng chắc không quảng cáo trá hình cho mì gói.

Câu hỏi là đến bao giờ thì chúng ta không còn là đội tuyển vô địch thế giới về tiêu thụ mì gói, và chúng thôi ngạc nhiên khi thấy những đội tuyển chuẩn bị cho EURO với những đoàn tùy tùng và được phục vụ như thể đoàn của một nguyên thủ nào đó đi công cán?

Không lẽ, EURO hay World Cup chỉ mãi là những bài toán làm sao để cầu thủ không “chiều ngã đêm nâng”, trong khi đáng ra nó có thể trở thành một trường nâng cao chiến thuật bóng đá từ xa khi những đỉnh cao trường phái bóng đá nảy sinh và phô diễn ở đấy!

 Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm