21/11/2017 06:19 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Truyền thống hiếu học của người Việt luôn là một hằng số, được truyền từ đời này sang đời khác. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”, câu thành ngữ đó đã chứa đựng cả một quan niệm sâu sắc của dân gian về sự học, về đạo thầy trò.
Bóng đá cũng có đạo thầy trò. Thật trùng hợp, hôm qua, đúng ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức khánh thành Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF với sự có mặt của 2 “người thầy đặc biệt”, 2 huyền thoại bóng đá đến từ CLB bóng đá Manchester United lẫy lừng: Ryan Giggs và Paul Scholes. Trong buổi lễ này, PVF đã chính thức bổ nhiệm Ryan Giggs vào vị trí Giám đốc bóng đá, còn Paul Scholes cũng sẽ nhận vai trò cố vấn tại đây.
Quỹ đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam (PVF) đã xuất hiện khoảng gần 10 năm trước tại TP.HCM. Nhiều lứa cầu thủ trẻ do PVF đào tạo đã có những thành tích tốt như U15 PVF vừa đoạt chức vô địch giải U15 quốc gia hồi tháng 8/2017, sau 3 lần trước đó chỉ đoạt ngôi á quân.
Bóng đá Việt cũng có nhiều “lò” đào tạo cầu thủ trẻ, mà nếu nói tới thì Học viện bóng đá HAGL-JMG, từng phối hợp với CLB Arsenal, phải được nhắc đến đầu tiên. Những cái tên đang “hot” như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh, Văn Toàn trong màu áo Tuyển quốc gia vừa giành 1 suất vào VCK Asian Cup 2019 từng được đào tạo tại đây. Tất nhiên, không chỉ có họ, mà góp vào công chung này còn có nhiều cầu thủ khác đến từ Trung tâm bóng đá Viettel, PVF và những lứa trẻ của các CLB… Nên nhớ là sau 10 năm, khi Việt Nam đồng đăng cai Asian Cup 2007, thì bóng đá Việt mới có 1 suất chính thức thi đấu tại giải bóng đá cấp châu lục này.
Cũng nên nhắc nhớ một chút về vị trí “ông thầy” tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF: Huyền thoại bóng đá Ryan Giggs và Paul Scholes. Có lẽ không ai mê bóng đá Anh và Manchester United mà lại không biết họ. Cùng những gương mặt như David Beckham, Nicky But, anh em ruột Phil và Gary Neville, họ có mặt trong nhóm có tên “Class of 1992” và dưới bàn tay phù thủy của ngài Alex Ferguson, Man United liên tiếp giành ngôi quán quân tại giải Ngoại hạng Anh và các Cúp châu Âu. Trò giỏi mà gặp thầy giỏi thì đúng là như “hổ mọc thêm cánh”. Năm 2013, một bộ phim tư liệu điện ảnh dài 90 phút có tên “Class of ‘92” đã được làm để nói về họ cơ mà. Đời cầu thủ mấy ai được như thế.
về người thầy thì cũng phải nhắc tới Arsenal - một đội bóng nổi tiếng với ông thầy có biệt danh “Giáo sư” Arsene Wenger. Đến London năm 1986, ông thầy người Pháp đã thay đổi toàn bộ lối đá và thổi vào đội bóng một lối đá nhanh và đẹp mắt. Không ngoa ngôn thì cả giải Ngoại hạng Anh phải nhớ ơn ông vì trước đó chỉ biết “kick and rush”- Chạy và sút.
Nhắc lại để xác tín một điều, nếu muốn bóng đá Việt Nam muốn lột xác trong tương lai, dứt khoát cần phải có nhiều hơn nữa số cầu thủ được đào tạo, học hành một cách bài bản. Và tất nhiên, muốn có trò giỏi thì thầy phải giỏi.
Nhìn chung sau khởi xướng của HAGL với công nghệ đào tạo châu Âu, trong đó việc yêu cầu cầu thủ phải học văn hóa, ngoại ngữ, đã thổi một luồng cảm hứng đến nhiều lò đào tạo trẻ khác. Từ đó, xuất hiện một thế hệ U19, U20, U22 rất khác biệt. Mặt khác, càng chứng minh công tác đào tạo trẻ không thể dễ dãi trong việc chọn thầy, theo chủ nghĩa kinh nghiệm, cầu thủ có tiếng tăm một chút giải nghệ là dễ dàng được chọn làm công việc “gõ đầu trẻ”.
Có thầy giỏi mới sản sinh trò hay, dứt khoát là thế.
Đỗ Hải Âu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất