V-League và những cặp đấu tiền tỷ

09/08/2015 11:43 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Đây là một vòng đấu đáng xem nhất của V-League ở cả hai thái cực. Chừng nào V-League mỗi vòng có ít nhất 4 cặp đấu “tiền tỉ”, chừng đó mới hy vọng vén dần bức màn màu xám của cái gọi là "bóng đá chuyên nghiệp".

B.Bình Dương đang là nhà đương kim vô địch, nhưng hình bóng quân vương đã mai một nhiều, khi HLV Lê Thuỵ Hải nói lời chia tay. Nếu phải tìm ra một đội bóng có lối chơi giàu cá tính nhất trong lịch sử V-League 15 năm lên chuyên, thì đó phải là ĐTLA.

1. Sau trận hoà 1-1 ở vòng 17, V-League 2007, trên SVĐ Long An, HLV Lê Thuỵ Hải từng đá đểu đồng nghiệp và là đối trọng số 1 của mình, Henrique Calisto, rằng ĐTLA không xứng đáng hình hài quán quân. “Nhà vô địch phải là đội bóng cầm được trận đấu, cầm được cuộc chơi, chứ không phải rình rập”, ông Hải “lơ” nói.

Cho đến bây giờ, HLV Lê Thuỵ Hải dù đã hưu, nhưng vẫn bảo lưu quan điểm, đội bóng mạnh hơn phải là đội chơi áp đặt. Trước đó, trận lượt đi, B.Bình Dương của ông Hải “lơ” cũng đã hạ ĐTLA tỷ số 4-3, trong một trận đấu mà Amaobi đã ghi cả hat-trick vào lưới Fabio Santos (lúc bấy giờ còn chưa nhập tịch, chưa mang tên Phan Văn Santos).

Việc B.Bình Dương nắm thế thượng phong trong các cuộc đối đầu trực tiếp trước nhà vô địch 2 năm liền là ĐTLA, khiến ông Hải “lơ” hả hê lắm lắm. Năm 2008, dù ĐTLA từng thắng 3-0 ở Thủ Dầu Một, thì vẫn không thể đảo ngược được tình thế, khi B.Bình Dương thắng lại 4-2 ở trận lượt về, bảo vệ thành công ngôi vương.

Đồng Tâm. Long An (trái) đang xây dựng lối chơi có bản sắc rõ ràng trong năm 2015. Ảnh Dương Thu.

Phù thuỷ Calisto và ông Hải “lơ”, tuy mỗi người một vẻ, nhưng lại là tri ân của nhau. Kể từ khi HLV Calisto rời Long An, ông Hải “lơ” cô đơn lắm. Nói không quá, V-League chẳng còn ai có thể làm đối trọng của ông Hải và của B.Bình Dương nữa, hỏi có buồn không. Có thể vì lý do đó mà ông Hải “lơ” quyết định về hưu chăng?

2. Bằng với thời gian, giải đấu cao nhất xứ sở xuất hiện thêm những XMXT.Sài Gòn, SHB.Đà Nẵng, rồi Hà Nội T&T…, nhưng để tìm lại những trận đấu derby một thời kiểu như “Gạch” – “Gỗ” hay “Gạch” – Gốm” (biệt hiệu của B.Bình Dương), thực sự rất khó. Từ 5-6 năm qua, cuộc chơi gần như chuyện riêng của B.Bình Dương và bầu Hiển.

Cách đấy đôi ba vòng đấu, nhà tổ chức đã phải cảm ơn SLNA, rồi HAGL và thậm chí cả S.Khánh Hoà BVN trong việc duy trì tính cạnh tranh ở tốp đầu bảng xếp hạng, cũng bởi họ đã cầm chân được B.Bình Dương. Thiên chức ấy giờ trao lại cho ĐTLA, cho Tài Em, Quang Thanh, Diabate và các đồng đội. Đấy là chuyện nên làm.

Sự thất thế của SHB.Đà Nẵng và cả Hà Nội T&T ở mùa giải năm nay, mở ra cơ hội để FLC Thanh Hoá hay Hải Phòng chen chân vào. Nhưng, nếu phải tìm đối trọng thực sự để ngáng chân B.Bình Dương, giải đấu có khi lại phải kỳ vọng vào ĐTLA. "Cọp chết cũng để lại da", huống hồ một đội bóng thừa hưởng nhiều di sản như “Gạch”.

Sau bài học xuống hạng cách đây mấy mùa, ĐTLA đã rút ra nhiều kinh nghiệm. Biết tiềm lực tài chính có hạn, “Gạch” không thể đấu với thiên hạ trên thị trường chuyển nhượng. Cậy vào số cựu binh, cận thần như Tài Em, Thanh Giang, Quang Thanh, Chí Công, Quốc Cường…, ĐTLA cấy vào đó những nhân tố trẻ do chính mình đào tạo và đang thành công.

3. Tính kế thừa và sự ổn định là những yếu tố tiên quyết quyết định sự thành bại của một đội bóng lớn. HAGL vì thiếu thức thời và tự phụ, dẫn đến sự lụn bại của một thế hệ cầu thủ trẻ tài năng. Xét về điều này, ngoài Hà Nội T&T, ở V-League chỉ còn lại mỗi ĐTLA. “Gạch” nhiều thời điểm khốn khó về tài chính, lương thảo, nhưng ý chí quân sĩ rất cao.

Nếu ĐTLA lại ngáng chân được B.Bình Dương như từng làm được trong trận lượt đi, V-League 2015 sẽ duy trì được sức hút từ cuộc đua đến chức vô địch. Bằng không, B.Bình Dương sẽ "cô đơn lắm luôn", bởi như đã phân tích, FLC Thanh Hoá hay Hải Phòng, thực sự chưa mang dáng dấp của nhà vô địch. Còn Hà Nội T&T lại đang kém đến 8 điểm.

Nguyệt Bàn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm