Tuyển Việt Nam, 30 năm vẫn chưa hiểu người

16/10/2018 07:01 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - “Ngoài Malaysia, có thể nói chúng tôi không có nhiều thông tin về các đối thủ còn lại tại bảng A như Campuchia, Lào và Myanmar. Mặc dù vậy, mục tiêu của đội tuyển Việt Nam là giành ngôi đầu bảng”, HLV Park Hang Seo trả lời phỏng vấn báo chí trong buổi sáng ngày hôm qua. Bên cạnh đó, ông Park cũng điểm qua vài khó khăn trong khâu chuẩn bị.

Binh pháp chỉ ra rằng, biết người biết ta trăm trận không thua. Vậy nhưng trước mỗi giải đấu cấp khu vực, chúng ta thậm chí không nắm được thông tin về đối thủ một cách tường tận. Đây cũng là điều lạ.

Thường xuyên tại các giải vô địch Đông Nam Á từ hơn 20 năm qua (tính từ giải đầu tiên được tổ chức là Tiger Cup 96), luôn chỉ có 8-10 quốc gia Đông Nam Á tham dự từ vòng đấu bảng. Lịch sử cho thấy, ngoài Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Singapore và Việt Nam, số còn lại bị đánh giá là “chiếu dưới”, không đáng lo, ngay cả Philippines được cho là đã có những tiến bộ đáng kể.

Để thu hẹp được khoảng cách ấy, không phải ngày một, ngày hai. Phải mất đến hơn 2 thập kỷ, để Campuchia hay Lào, từ chỗ thua đậm Việt Nam đến gần chục quả, giờ chỉ thua cách biệt tối thiểu, thậm chí ở một số giải đấu còn “cứu cả giấc mơ” cho Việt Nam, muốn thắng họ cũng toát mồ hôi hột. Điều đó chứng minh, bóng đá khu vực Đông Nam Á đã xích lại gần nhau hơn. Tất nhiên, Thái Lan vẫn ở cửa trên phần còn lại.

Lịch thi đấu tại bảng A có vẻ thuận lợi với đội tuyển Việt Nam, khi được chơi trên sân nhà Mỹ Đình với đối thủ được đánh giá là khó nhằn nhất Malaysia. Chuyến làm khách khó nhất là lần đi Myanmar, song về cơ bản, mục tiêu giành ngôi nhất bảng của HLV Park Hang Seo là có cơ sở. Vấn đề là khâu chuẩn bị, với thông tin về đối thủ cũng nằm ở khâu quan trọng này, hòng đưa ra những đối sách.

Giành ngôi nhất bảng A nhiều khả năng giúp thầy trò HLV Park Hang Seo né được Thái Lan ở bán kết. Đây là một chiến thuật an toàn, cần được tính toán kỹ, bởi không ai dại đối đầu với đội bóng mạnh nhất giải trước trận chung kết. Bởi khi ấy, một sai sót có thể không có cơ hội sửa chữa. Thai Lan là đương kim vô địch, thậm chí đã 5 lần lên ngôi trong 10 lần giải đấu được tổ chức.

Thế nên, chúng ta (ở đây là VFF) không chỉ có nghĩa giúp BHL tìm hiểu thông tin (bằng băng hình tư liệu) về các đối thủ tại bảng A, mà phải có sự chuẩn bị sớm hơn với tư liệu về tất cả các đội bóng có khả năng chạm trán Việt Nam từ vòng knock-out nữa. Từ đó, giáo án tập luyện và chiến thuật chuẩn bị sẽ được điều chỉnh. Đừng để nước đến chân mới nhảy, hay đặt mình vào thế bị động.

Nền bóng đá đã trải qua đủ các bài học xương máu, từ SEA Games đến AFF Cup, khi mới chỉ hiểu mình mà chưa hiểu người. Chúng ta ham hố lao vào các trận thắng đậm, trước đối thủ yếu, để rồi khi cần nhấn ở các nút thắt quan trọng, trước đối thủ trực tiếp, thì bất lực. Hai lần gần nhất, bóng đá Việt Nam không thể thắng Indonesia; trước đó, Malaysia như hiện thân của sự thảm bại với chúng ta.

HLV Park chống đẩy mẫu 'ép' học trò làm theo

HLV Park chống đẩy mẫu 'ép' học trò làm theo

Chứng kiến các tuyển thủ Việt Nam chống đẩy không đúng động tác, HLV Park Hang Seo đã quyết định chống đẩy mẫu và yêu cầu các học trò làm theo.

HLV Park Hang Seo là một ông thầy chỉn chu và khôn ngoan trong tính toán, chọn điểm rơi. Nếu nền bóng đá đã trải qua gần 30 năm, kể từ sau ngày hội nhập trở lại (SEA Games 1991 tại Manila, Philippines) vẫn chưa thể hiểu được những người láng giềng, thì ông Park vẫn có thể “tương kế tựu kế”, như tại AFC U23 Championship hay ASIAD 18. Vấn đề là, tại sao khi có thể chủ động, thì chúng ta lại bị động?!

Khi đội bóng thành công, là thành công của tất cả, ai cũng nhận phần. Song, bóng đá không tồn tại khái niệm bất chiến mà thành. Đội bóng không ngồi đó rồi tự nhiên vô địch. Hơn ai hết, HLV Park Hang Seo cần được chia sẻ nhiều hơn.

Tùy Phong

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm