Thủ môn Bùi Tấn Trường: “Hương phù sa” ở Tuyển

24/02/2009 12:11 GMT+7 | Các ĐTQG

(TT&VH) - Ở đội bóng đá Đồng Tháp bây giờ, Trường là số 1. SEA Games 25 cuối năm nay, gần như khó có ai xô được vị trí số 1 của cầu thủ này. 22 tuổi, thời của chàng trai sinh ra ở vùng đất Lai Vung, nằm giữa con sông Tiền và sông Hậu, đang cuộn chảy.

Trường đi giữa phố, cậu nổi bật như một dị nhân. 1,88m, chiều cao quá khổ. Hai tay thõng xuống chấm đầu gối.

Cái chiều cao đó là lợi thế rất lớn với Trường trong việc chiễm lĩnh không gian. Nhưng, cũng gây bất lợi cho chàng “sếu”, đấy là nó làm giảm tốc độ đổ người trước những đường bóng sệt. 22 tuổi, thể trạng của Trường đang độ sung mãn, càng chắp cánh cho tài năng. Nhưng 19 tuổi trở về trước, cầu thủ này quá gầy do thể lực phát triển không tỉ lệ thuận với chiều cao. “Đụng cái là té à. Do đó, dù có năng khiếu nhưng quanh năm suốt tháng làm phận dự bị. Thủ môn va chạm nhưng đụng đâu té đó là đội chết chắc”. Trường bảo.

Trong màu áo U17, U21 Đồng Tháp, Trường dự bị tằng tằng. Lên U18, U20 QG, cũng dự bị nốt. SEA Games 24, Trường là thủ môn thứ 3 sau Tô Vĩnh Lợi, Trần Đức Cường. Trường hiểu cuộc chiến tìm chỗ đứng ở Tuyển không đơn giản. “Nó phụ thuộc vào quan điểm và tính tình của thầy. Em lúc đấy chỉ thua Cường và Lợi về kinh nghiệm, còn bản lĩnh và khả năng thì không. Nhưng với thầy A.Riedl, em thừa hiểu người như mình khó được trao cơ hội, dù Cường đã có những sai lầm chết người trong trận Singapore. Lợi thì trước đó bản lĩnh thi đấu chưa bao giờ được đánh giá cao hơn em”. 
 
 Thủ môn Tấn Trường sẽ là tương lai của BĐVN tại SEA Games 25 và sau này
Lúc đó, Bùi Tấn Trường đã có gần trọn một mùa giải bắt chính trong màu áo Đồng Tháp dự V-League. Một đội bóng sau đó xuống hạng, nhưng anh thủ môn được chấm cũng là điều khá đặc biệt.

Chỉ 2 năm làm nhân vật chính trước khung thành Đồng Tháp mà Trường đã trưởng thành vượt bậc.

Trường bật mí một điều tưởng như nghịch lý: “Nhờ được bắt cho Đồng Tháp, một đội yếu nên khung thành luôn bị các chân sút đối phương làm chao đảo. Trận nào em cũng phải hết hơi bay lộn, đủ loại tiền đạo nó sút cho tối tăm mặt mũi. Thế là tự nhiên nhanh lên tay thôi”.

Nghe cũng có lý, dù không phải cứ là thủ môn của đội bóng yếu bao giờ cũng có tài. Cái lý nằm ở chỗ gian nan rèn luyện thành công. Chẳng thế, nghe kể lên tuyển, Trường rất chịu khó đứng trong khung thành cho các anh tập sút khi đã hết giờ.

Trường bảo mình thích đi theo lối riêng, thích chinh phục bằng được những mục tiêu lớn lao. Dù là bà con với Phan Thanh Bình, nhưng Trường vẫn nói thẳng: “Bình nổi sớm, cơ hội rất nhiều nhưng vẫn chưa tận dụng tối đa để làm được việc thật to tát cho sự nghiệp. Em chỉ thực sự thấy một lần Bình vui nhất, đấy là khi U22 đoạt chức vô địch Mederka Cup”.

Tôi biết Trường muốn nói đến những giấc mơ kỳ vĩ hơn mà cậu cùng rất nhiều trang lứa đang đeo đuổi. Trường đưa ra các giai đoạn phấn đấu rõ ràng. Năm nay, phải là thủ môn số 1 của U22 VN. Sau đó, quyết tâm là nhân vật chính trước khung thành ĐTQG bởi vì “các anh Dương Hồng Sơn, Thế Anh hay Quang Huy cũng đã lớn tuổi rồi”. Trường tin mình cùng các đồng đội ở U22 QG sẽ làm được những điều phi thường.
 
“Thế hệ tụi em dù không mạnh bằng các lứa dự SEA Games trước, nhưng anh xem tụi em toàn trẻ trung, ai cũng muốn thể hiện mình. Nhưng em vẫn tin nhất khi có HLV giỏi như thầy Calisto dẫn dắt, U22 Việt nam sẽ vô địch. Bóng đá trong khu vực bây giờ, Thái Lan cũng như mình thôi”. Đấy là sự tự tin, Trường không ngại nói ra. Thế mới biết, ngôi quán quân Mederka Cup và AFF Suzuki Cup đã tác động rất lớn đến nhận thức của các cầu thủ trẻ chúng ta. Họ cũng tự tin hơn về việc sẽ lập những chiến tích mà đàn anh đi trước bó tay.

Trong nước, Trường rất khâm phục Dương Hồng Sơn, chính xác hơn là phục phản xạ nhanh nhẹn và bản lĩnh của đàn anh. “Thủ môn kỹ năng giỏi ở chúng ta không thiếu, nhưng bản lĩnh thì quá hiếm”. Theo Trường, đấy là sự khác biệt làm nên một thủ thành giỏi.

Ngoài tài năng đã thể hiện, Trường còn được đánh giá là rất lỳ đòn trong những pha vào bóng. Cậu cũng thừa nhận cái mặt hầm hố, cái miệng thường xuyên “gào thét, quát tháo” cũng góp phần làm cho các tiền đạo đối phương có phần chờn khi đối đầu. “Thủ môn là phải thế. Ngoài đời, em rất hiền nhưng khi vào sân thì không thế đâu. Thích va chạm kiểu nào em cũng chiều!”

Nhìn vai vế ở ĐTQG hiện nay, Tấn Trường vẫn cần rất nhiều thời gian để chiếm lĩnh vị trí số 1, nhất là kinh nghiệm. Nhưng, ở U22 QG thì dường như Khoa Điển, Lê Văn Hưng không thể sánh bằng “người nhện” Đồng Tháp. Bây giờ, Trường chỉ cầu mong cho đừng chấn thương, để những khát khao không vụt bay, ở thời điểm tài năng đang nở rộ.

Bùi Tấn Trường đúng là một trường hợp khá đặc biệt, không chỉ vóc dáng. Cậu đã ít nhiều mang đến cho U22 và ĐTQG chút “hương phù sa” của đất Cửu Long, rõ nhất là chiếc Cúp Mederka, in đậm dấu tay của thủ môn 22 tuổi xứ Lai Vung.
 

Đáng ra, Tấn Trường cũng có được cái mác là nhà vô địch Đông Nam Á cùng với ĐTVN. Anh nằm trong số những người được HLV Calisto chấm đầu tiên, nhưng sau đó phải sang tăng cường cho U22 VN đá Merdeka Cup. Suất của Trường được trao cho Đức Cường, người sau đó trở thành thủ môn dự bị cho Hồng Sơn. Nhưng có sao, anh cũng là nhà vô địch Merdeka, một giải đấu mà Trường đã là nửa đội bóng, chứ không phải chỉ là thủ môn ngồi ngoài xem.

 
NGỌC HÒA

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm