Tại sao bóng đá trẻ lại được giới cá độ ưa thích?

23/03/2020 11:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Liên tiếp các vụ nghi án bán độ, dàn xếp tỉ số của bóng đá trẻ Việt Nam được đưa ra ánh sáng gần đây cho thấy những giải đấu như vậy đang là con mồi ưa thích của giới cá độ.

'Bóng ma tiêu cực' ám ảnh bóng đá Việt Nam

'Bóng ma tiêu cực' ám ảnh bóng đá Việt Nam

Cựu đội trưởng đội tuyển Việt Nam Phan Văn Tài Em từng là người trong cuộc chứng kiến vụ tiêu cực chấn động bóng đá nước nhà năm 2005 vừa tiết lộ trên giới truyền thông về chuyện không lạ khi nhiều giải đấu có tình trạng mua bán độ.

Đầu tiên là vụ việc ở vòng loại giải U19 quốc gia 2020, và mới nhất là sự việc ở vòng loại giải U21 quốc gia 2019 và giải hạng Nhì quốc gia 2019.

Điều này cho thấy những giải bóng đá trẻ đang là mục tiêu nhắm đến của giới cá độ, dù rằng trong hơn 10 năm qua, bóng đá Việt Nam đã chứng kiến rất nhiều bản án hình sự nghiêm khắc được tuyên dành cho các cá nhân và tập thể dính líu tới bóng ma tiêu cực.

Tuy nhiên, không dễ để các cầu thủ trẻ tránh xa được những cám dỗ vô hình này. Theo tìm hiểu, hiện tại đa số các cầu thủ trẻ đều không có lương cứng mà chỉ nhận được phụ cấp ở mức tượng trưng khoảng 700.000 đồng/tháng. Chỉ khi nào có thành tích thì họ mới nhận được thưởng thêm từ phía Trung tâm hoặc CLB chủ quản.

Khi cần tiền để mua sắm theo nhu cầu cá nhân thì nhiều cầu thủ trẻ sẽ phải đi vay mượn, đi thi đấu phong trào hoặc xin tiền từ gia đình. Việc phải xoay sở khá chật vật về vấn đề tài chính như vậy và lại đang trong giai đoạn thay đổi về tâm sinh lý nên cầu thủ trẻ luôn là con mồi ưa thích của giới “làm độ”.

Bên cạnh đó, những giải đấu trẻ mà các cầu thủ còn trong độ tuổi U tham dự vốn còn nhiều lỗ hổng và chưa có hệ thống giám sát chặt chẽ như các giải chuyên nghiệp.

Chú thích ảnh
Đội hình xuất phát của Đồng Tháp trong trận đấu với Vĩnh Long ở vòng loại giải U21 QG 2019 - Ảnh: Dương Thu/TT

Theo chuyên gia Nguyễn Thành Vinh, nhận thức yếu kém của một số cầu thủ trẻ là một trong những nguyên nhân khiến các em dễ sa ngã vào những vấn đề tiêu cực: "Ở tuổi 17, 18, một số em chưa có được sự nhận thức đầy đủ về tác hại khi tham gia hoặc liên quan tới việc tiêu cực bóng đá. Nhiều em nghĩ có thể ở giải đấu trẻ như U19 sẽ không có nhiều người theo dõi, quan tâm nên việc tiêu cực khó bị phát hiện.

Ngoài ra, việc thiếu hiểu biết khiến các em dễ bị lôi kéo, dụ dỗ vào những hành vi sai lầm. Bên cạnh đó, sự quản lý giáo dục của các CLB, các gia đình cũng là điều đáng bàn".

HLV Nguyễn Thành Vinh ủng hộ việc VFF mời cơ quan an ninh điều tra để tìm cho ra gốc rễ vấn đề tiêu cực. Theo ông Vinh, VFF và các cơ quan chức năng cần mạnh tay, kiên quyết xử lý tiêu cực để bóng đá Việt Nam không phải chứng kiến thêm những sự việc đau lòng.

Ông Vinh nói: "Việc điều tra của cơ quan an ninh là rất cần thiết. Tiêu cực trong thể thao cũng cần những biện pháp răn đe và trừng phạt mạnh tay của các cơ quan pháp luật.

Dù bóng đá nước nhà có thể mất đi những cầu thủ tiềm năng nhưng không vì thế chúng ta khoan nhượng với bóng ma tiêu cực. Chỉ có kiên quyết xử lý sai phạm mới có thể giúp các thế hệ cầu thủ trẻ khác thấy được hậu quả nếu dính dáng tới tiêu cực mà không dám làm liều.

Bên cạnh đó, tôi nghĩ về phía CLB, những người làm công tác đào tạo trẻ cũng cần có những giải pháp cần thiết để giúp các em tránh xa tiêu cực. Các em ở độ tuổi trẻ, lại thường xuyên xa gia đình nên rất cần sự quản lý, giáo dục một cách tận tậm, thấu tình đạt lý.

Với các em không chỉ là ăn tập bóng đá mà đó còn là các vấn đề khác cũng cần phải quan tâm như đời sống vật chất, tinh thần rồi chế độ đãi ngộ với các cầu thủ trẻ...".

Hoài Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm