Ngoại binh tại V League: Bao giờ cho đến ngày xưa?

19/03/2020 10:59 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Hôm qua (18/3) là hạn cuối để các đội bóng có sự thay thế, bổ sung ngoại binh cho LS V-League 2020. Tất cả những cầu thủ được ghi tên vào ngày “chốt sổ” đều phải đáp ứng đầy đủ điều kiện về giấy chuyển nhượng quốc tế (ITC) cũng như các tiêu chuẩn khác trong việc đăng ký thi đấu đối với các cầu thủ nước ngoài.

V League 2020: 'Quyền lực bầu Hiển' bị thử thách

V League 2020: 'Quyền lực bầu Hiển' bị thử thách

Việc hai đại diện của bóng đá thành phố Hồ Chí Minh là TP.HCM và Sài Gòn FC đang đứng trên đỉnh bảng tổng sắp sau 2 vòng đấu dù chưa nói lên nhiều điều nhưng chắc chắn là lời thách thức nặng ký cho Hà Nội FC.

Nhìn chung, không có quá nhiều xáo trộn về tình hình cầu thủ ngoại đã được các CLB sử dụng ở 2 vòng đấu trước đó, cho dù không phải đội bóng nào cũng xoa tay hài lòng về chất lượng ngoại binh.

Thắng thế tâm lý “yếu trâu còn hơn khỏe bò”

Theo quy chế đã được ban hành, các đội bóng tại LS V-League 2020 được phép sử dụng 3 ngoại binh và 1 cầu thủ nhập tịch. Nhìn qua danh sách đăng ký, tất cả CLB đều đã đều tận dụng tối đa quyền dùng ngoại binh.

Bên cạnh đó, yếu tố “Tây” cũng xuất hiện ở 5 đội bóng dùng các cầu thủ nhập tịch. Mổ xẻ kỹ hơn nữa sẽ thấy, tất cả 14 đội đang đá LS V-League 2020 đều dùng ít nhất 1 tiền đạo ngoại binh trong đội hình. Đặc biệt hơn là Hải Phòng, khi họ dùng cả 3 suất ngoại binh cho hàng tấn công.

Chưa biết trình độ của ngoại binh hay dở đến đâu nhưng có thể thấy cơ hội ra sân cho nội binh không phải quá nhiều. Con số thống kê sau 2 vòng đấu qua, cho ra đáp án 20/36 bàn thắng được ghi do công của ngoại binh. Nhìn thoáng qua, sẽ thấy vai trò, ảnh hưởng của các tiền đạo ngoại ở các đội bóng LS V-League 2020 vẫn còn mang tính quyết định.

Hay nói cách khác, việc đi tìm chỗ đứng của các chân sút nội vẫn là câu chuyện dài kỳ. Khi nhìn vào thực tế đội bóng nào cũng dùng hàng ngoại (nhất là vị trí tiền đạo), sẽ có câu hỏi được đặt ra, có phải đẳng cấp của họ quá vượt trội, hay dùng ngoại binh ở vào thời điểm này cũng chỉ để giải quyết bài toán “có còn hơn không”, người ta dùng thì mình cũng dùng, cho dù đáp án luôn không bao giờ như ý.

Chất lượng ngoại binh khó được như ý

Điều không như ý đó, đầu tiên phải kể đến câu chuyện “tiền nào của nấy” trong việc mua sắm ngoại binh. Có thể hiểu rằng được đơn giản rằng, môi trường V-League bây giờ, không phải đội bóng nào cũng có “của ăn của để” dư dả cho việc đem về những món hàng chất lượng.

Hẳn nhiên, không phải ngoại binh nào có mặt ở V-League lúc này cũng tốt hơn tiền đạo nội. Không chỉ HLV lắc đầu ngao ngán, ngay cả người xem cũng đủ thẩm định được chất lượng chơi bóng của những ngoại binh như thế này.

Có một tiêu chí vượt trội hơn hết ở những ngoại binh, đấy là thể hình và sức vóc. Cho nên, dù trình độ chưa hẳn ăn được nội binh nhưng họ vẫn được tin dùng, nhất là trên hàng công.

Thể hình lực lưỡng, ít nhất đã ăn điểm khi đó dường như giải quyết được tâm lý vốn luôn có sẵn là “lấy thịt đè người” hay cứ đá khoán lên trên cho ngoại binh xử lý. Thực tế cũng đã có nhiều đội bóng trong những thời điểm nào đó thành công nhất định với cách đá “nhanh-mạnh-khỏe” như thế này.

Chú thích ảnh
Bruno là ngoại binh hiếm hoi giành danh hiệu Vua phá lưới ngay mùa V-League đầu tiên và anh cũng là ngoại binh duy nhất của mùa giải 2019 được Viettel tái ký hợp đồng.
Ảnh: Hoàng Linh

Chúng ta thấy rằng trình độ chơi bóng của ngoại binh ở V-League thời gian gần đây không thật sự cao, nếu không muốn nói ngày càng đi xuống. Đặt vấn đề ngược lại, tại sao trình độ như thế mà họ vẫn được tin dùng và coi như bài tẩy để giải quyết khó khăn?

Ở đây, sẽ thấy một thực tế khác, đó là chính các cầu thủ nội cũng chưa phải quá nổi trội để dễ dàng lấy ngay suất đá chính. Hoặc giả, họ cũng chưa để lại ấn tượng quá nhiều, chưa khẳng định hay chứng tỏ mình khi được trao cơ hội.

Bóng đá cần thành tích và thành tích sẽ ảnh hưởng, chi phối đến nhiều câu chuyện khác bao quanh đội bóng. Chính suy luận này đã là gốc gác cho việc các HLV buộc lòng phải đặt niềm tin vào việc dùng ngoại binh để có thể hy vọng có ngay sự hiệu quả, thay vì tìm tòi, lắp ghép hay thử nghiệm nhiều phương án khác.

Suy cho cùng, bóng đá cũng cần phải chú trọng đến kết quả và các HLV đương nhiên sẽ tính đến hiệu quả trong các trận đấu trước khi nghĩ đến việc thử nghiệm hay sử dụng các phương án nhân sự khác. Mà làm như thế, rõ ràng sẽ mất thời gian khi mà tâm lý “ăn xổi ở thì” vẫn tồn tại ở nhiều đội bóng.

Vì sao V-League không còn là mảnh đất “màu mỡ” với ngoại binh?

Trong một trao đổi gần đây, BLV Vũ Quang Huy đã thẳng thắn khi nói về chất lượng hiện nay của cầu thủ ngoại khi chơi bóng ở Việt Nam: “Nói thật rằng nếu các cầu thủ ngoại kém đến mức như thế, tôi nghĩ rằng các đội bóng có thể đừng dùng nữa.

Khi ngoại binh không có đẳng cấp thì rất khó cho việc kèm cặp, dẫn dắt cầu thủ chơi bên cạnh mình. Chúng ta nên tạo cơ hội cho những em trẻ được ra sân nhiều, thể hiện mình nhiều hơn.

Quan sát V-League vài mùa gần đây, tôi khẳng định rằng chất lượng ngoại binh càng ngày càng kém, điển hình nhất là mùa giải 2019 vừa rồi. Mùa bóng 2020 này chắc cũng không khá hơn là mấy”.

“Cái này cũng có nhiều lý do, dễ nhận ra nhất là chúng ta khó tìm ra cầu thủ chất lượng vì chuyện kinh phí của các đội bóng không phải ai cũng đáp ứng được hết cả. Bên cạnh đó, V-League hiện tại bị cạnh tranh quyết liệt từ Thai League, Liga 1 (Indonesia) hay Super League (Malaysia), thậm chí cả giải Myanmar.

Những giải đấu này chất lượng đang được nâng dần lên, đãi ngộ cho cầu thủ cũng rất tốt nên sẽ hút ngoại binh giỏi. Bên cạnh đó, điều kiện thẩm định ngoại binh của chúng ta vẫn còn nhiều vướng mắc.

Gần như tất cả ngoại binh đều từ các nhà môi giới chào hàng chứ các CLB không thể trực tiếp để đi nước ngoài tìm nguồn cầu thủ được”, BLV Vũ Quang Huy nêu lên căn nguyên.

Chúng ta không phủ nhận tầm ảnh hưởng hay đóng góp vào bức tranh toàn cảnh bóng đá nước nhà trong nhiều năm qua của cầu thủ ngoại sang đây chơi bóng. Họ đã để lại nhiều dấu ấn, nhiều tấm gương và nhiều hình mẫu. Nhưng đó là chuyện đã qua, còn nhìn vào chất lượng ngoại binh hôm nay, thật sự sẽ tiếc nuối nếu soi vào quá khứ.

Mùa giải 2020 đã có nhiều sự đổi mới trong cách tuyển chọn cầu thủ ngoại của các đội bóng tham dự V-League. Rất nhiều đội bóng đã mang về cầu thủ mới toanh hơn là sử dụng các nhân tố ngoại binh đã từng chơi bóng ở V-League. Chỉ có vài trường hợp ngoại binh mùa trước đã ở CLB này bây giờ chuyển sang đội bóng khác.

Viettel tiếp tục đem về những cầu thủ mới như trung vệ Luizao (cầu thủ từng ra sân ở giải Serie A Brazil) hay Caique (ngoại binh từng đá Thai League 1). HAGL bên cạnh việc chiêu mộ thành công Damir Memovic từ SLNA cũng có được chữ ký của Kelly Kester, cầu thủ từng được gọi vào đội tuyển trẻ Nigeria và thi đấu nhiều năm ở châu Phi.

CLB TP.HCM sử dụng tiền đạo Amido Balde, cựu cầu thủ của Celtic, cũng từng là đồng đội cũ của Van Dijk. SHB Đà Nẵng đăng ký Jelic, trung vệ thi đấu nhiều năm ở AFC Champions League và tiền đạo Akinade mùa trước khoác áo CLB TP.HCM.

Trong khi đó, SLNA có được những tuyển thủ và cựu tuyển thủ Nigeria và Gambia là Peter Samuel và Alagie Sossen. Theo danh sách đăng ký mùa giải 2020, Hải Phòng có 3 ngoại binh “xịn” là Mpande Josep, Diego Silva và Claudecir Junior. Cùng với đó có 3 cầu thủ lớn lên ở nước ngoài nhưng có quốc tịch Việt Nam là Adriano Schmidt, Michal Nguyễn và Martin Lò.

Bên cạnh đó Hải Phòng còn có cầu thủ nhập tịch Hoàng Vissai. Trong một trận đấu cụ thể nào đó, có khi đội bóng đất Cảng sẽ đá đến 7 “Tây” như B.Bình Dương đã từng ra sân trước đây ở V-League.

Trần Tuấn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm