Khiếp chưa, CĐV quá khích Hải Phòng?

06/08/2009 13:39 GMT+7 | V-League

(TT&VH) - Cuối tuần nay, lần đầu tiên  một bộ phận khán giả quá khích “ kinh niên” Hải Phòng sẽ không có điều kiện để quậy trên sân nhà. Dự toán, BTC sân Lạch Tray sẽ mất một khoản thu xấp xỉ 3 tỷ.

1. Còn nhớ sau khi kết thúc lượt đi mùa giải năm ngoái, nguyên Trưởng giải Dương Nghiệp Khôi đã phát biểu một câu đáng nhớ: “Ở VN, lạ một điều là cứ phải có sự cố thì các sân mới sợ”.

Những lời ông Khôi lúc ấy chủ yếu nhắm vào sự cố sân Vinh vừa xảy ra cảnh đánh nhau tưng bừng giữa CĐV Thể Công và Sông Lam ở vòng 13 và máu đã chảy.

Nhưng ở góc độ khác, cũng có thể hiểu là một số sân ở ta luôn được đặt trong tình trạng không đảm bảo an ninh do căn bệnh chủ quan và sự phối hợp với các ban ngành kém. Thực tế từ đó đến nay đã quá đủ để chứng minh, xảy ra sự cố đau lòng ở các sân chỉ là vấn đề thời gian. Chỉ khi một trận đấu cụ thể kết thúc an toàn, BTC mới dám thở phào nhẹ nhõm đã yên chuyện.

Còn nhớ, từ cảm thán của ông Khôi đến việc ẩu đả dẫn đến chết người, lại là trên sân Vinh ( trận XM.HP- SLNA), cách nhau chỉ 8 vòng. Để rồi, cái ghế ông Khôi gãy vì “ sự cố” đó.

2. Ở đây, hãy gác qua chuyện BTC một số sân ở ta vẫn chỉ sợ khi có chuyện, để bàn về vai trò của BTC giải, ban kỷ luật đã có phương thức nào hữu hiệu để hạn chế tối đa những “ sự cố” hay chưa.


Giá như sân Lạch Tray làm nghiêm, làm hết sức thì cuối
tuần này họ sẽ không bị đóng cửa với khán giả!


Thực tế cho thấy công tác thẩm định độ an toàn trận đấu của các giám sát  cũng như các báo cáo về thực trạng an ninh các sân địa phương chưa chuẩn xác. Thái độ vo tròn của “những cánh tay nối dài” là phổ biến, bất chấp tiên liệu trận đấu A hay B sẽ bất ổn. Trong cuộc tập huấn giám sát, trọng tài lượt đi năm ngoái, ngồi nghe mà ngã ngửa khi Chủ tịch Nguyễn Trọng Hỷ kể chuyện: nghe chuyện sân Vinh đang xảy ra cảnh CĐV Sông Lam và Thể Công đánh nhau, ông Hỷ nóng ruột điện ra Vinh cho ông Khôi lúc ấy có mặt trực tiếp trên sân. Nghe Trưởng giải bảo rằng yên tâm, không có vấn đề gì ghê gớm. “Thế mà sáng mai đọc báo thấy tá hỏa”.

Mặt khác, những biện pháp chế tài của BTC và ban kỷ luật với các sân xảy ra “ sự cố”  còn thể hiện thái độ “ 3 không”: không thuyết phục, không công bằng, không nghiêm để khiến đương sự sợ hãi! Chính sân Lạch Tray năm ngoái cũng được Ban kỷ luật “đánh bùn” từ phạt V-League sang giải Cúp.

3. Sân Lạch Tray cả chục lần bị xử lý kỉ luật vì xảy ra sự cố rồi, đến mức hết thuốc chữa rồi, vậy mà chỉ bị cấm 1 trận do tình tình tiết giảm nhẹ là mấy “ bịch nước”.  Lạ thật, không thấy ai là người của BTC sân và phụ trách an ninh bị kỷ luật như sân Vinh năm ngoái.

Xâu chuỗi những sự cố trên các sân cỏ nội  địa, có thể thấy việc để xảy ra bệnh “ lờn thuốc” có phần trách nhiệm của  BTC giải và Ban kỷ luật. Bắt đầu từ sự cố sân Long An năm 2006: trợ lý Châu Đức Thành bị  ném đá vỡ đầu, lẽ ra BTC có quyền dừng trận đấu và ĐTLA bị xử thua 0-3, phạt nặng. Thế mà, ông Thành đã được động viên  bắt để cứu giải. Hình ảnh ông trọng tài quấn băng trắng toát trớ trêu lại được BTC giải cho là điển hình của lòng dũng cảm. Cuối năm bầu bán được ưu tiên. BTC sân Long An chỉ bị phạt 20 triệu, cấm một trận không có khán giả. Nếu lần ấy, VFF xử cục gạch ném vào đầu ông Châu Đức Thành nghiêm hơn, thì chắc chắn ngoài sự răn đe, sẽ có tính giáo dục cao hơn trong nhận thức CĐV. Ông trợ lý Quốc Việt mới đây phải trao cờ cho TT bàn trên sân Lạch Tray, suy cho cùng chẳng trách được ông nhát. Vì nếu bị ném vỡ đầu, ông Việt mới là người lãnh đủ.

Cuối tuần này, bóng đá dưới Hải Phòng sẽ nóng hay lạnh? Nếu ai nghĩ là lạnh thì cần thận trọng vì tuy CĐV quá khích không được vào sân, nhưng xung quanh chảo lửa này vẫn có thể rất nóng và nguy hiểm.

Đội khách ĐT.LA có lẽ sẽ cẩn thận bên ngoài sân lắm lắm!

NGỌC HÒA

Sổ tay: Đã có thuốc sâu?

Hẳn là trong quá trình gõ cửa VFF, xin xóa án đóng cửa với khán giả 1 trận, sân Lạch Tray phải trình bày nhiều phương án đảm bảo an ninh, trật tự lắm. Chắc chắn như thế, vì phải có những giải pháp tin tưởng và thuyết phục mới mong thành công. Sân Lạch Tray chỉ bị khước từ vì VFF không dám và không thể xé bản án mà họ vừa mới ký hãy còn chưa ráo mực. 

Có một điều rất đáng suy nghĩ ở đây, nếu BTC đã đưa ra được các phương án đảm bảo “trăm phần trăm” là trận đấu ở vòng 24 tới nếu mở cửa cho khán giả mà sẽ an toàn, sẽ không có cảnh ném vô tội vạ đủ các đồ vật xuống sân, đe dọa tới cầu thủ, trọng tài và cả nhân viên khiêng cáng cứu thương, thì tại sao các phương án đó lại không được áp dụng từ những vòng đấu trước đó? 

Phải chăng sân Lạch Tray xảy ra sự cố liên tục trong mùa giải này và cả ở mùa giải trước là do những người có trách nhiệm đã chưa làm hết trách nhiệm trong khả năng cho phép và nghĩa vụ quy định? Ai cũng có quyền nghi ngờ như thế.

Khi các sân xảy ra sự cố, khi một số khán giả trở thành hooligan, người ta luôn nói, rằng đó chỉ là những con sâu làm rầu nồi canh. Đúng, rất đúng! Vì có phải tất cả các khán giả ở mọi nơi đều là hooligan đâu. 

Nhưng có phải vì khi nào còn nồi canh thì khi đó tất sẽ còn những con sâu? Chưa chắc! Vì đã có sâu là có thuốc trừ sâu. Những phương án hứa hẹn sẽ đảm bảo trận đấu bình an mà các nhà tổ chức đưa ra cũng chính là 1 trong những loại thuốc trừ sâu đấy!  

Phạm Tấn


Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm