Công sản & tư doanh trong bóng đá Việt

28/06/2013 19:58 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Chuyến du đấu tới Việt Nam của câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Arsenal là đề tài mang đến cảm hứng trò chuyện của buổi Cà phê thể thao lần này với nhà báo Hồng Ngọc.

* Cà phê thể thao: Chào Hồng Ngọc! Arsenal tới Việt Nam thi đấu là một sự kiện quan trọng của bóng đá xứ ta?

- Hồng Ngọc: Sự kiện đó là quan trọng không thể phủ nhận được. Đó là câu lạc bộ hàng đầu và giàu truyền thống của giải Ngoại hạng Anh, giải đấu được hâm mộ nhất ở Việt Nam gần hai thập kỷ nay. Những người có ý định mời một đội bóng như vậy tới Việt Nam đã từ rất lâu rồi, và nay điều đó mới xảy ra.

* Nhưng đó là sự kiện mang màu sắc thương mại hơn là thể thao?

- Đó là điều không thể phủ nhận được. Chỉ có thể coi là một sự kiện thể thao khi trận đấu diễn ra giữa hai đội tuyển hoặc hai câu lạc bộ mà không bên nào phải trả phí ra sân cho bên kia. Còn đây là một trận đấu giữa hai đội bóng thuộc hai thành phần khác nhau, và đội bóng có khuynh hướng làm thương mại được trả tiền để ra sân.



Chuyến du đấu của CLB Arsenal tại Việt Nam là sự kiện được người hâm mộ Việt Nam chờ đợi

Nhưng tại sao trong thập kỷ qua, chúng ta nhìn những câu lạc bộ hàng đầu của giải Ngoại hạng Anh sang Thái Lan, Malaysia du đấu với ánh mắt thèm thuồng còn nay thì thành hiện thực? Có hai điều để các nhà tổ chức dám làm và đối tác thì sẵn sàng đến: chúng ta có nhiều tiền hơn để trả theo mức đối tác mong muốn, và thị trường kinh doanh bóng đá của Việt Nam đã lớn hơn hoặc có tiềm năng rõ ràng hơn. Thị trường được đánh giá bao gồm tình yêu với bóng đá và sức mua của người yêu bóng đá. Họ tới Việt Nam không chỉ vì khoản phí ra sân được trả, chừng 1.5 triệu USD, mà vì tăng sức hút của hình ảnh của họ với thị trường của chúng ta, sẽ đóng góp vào việc kinh doanh hình ảnh của họ tại đây như bán áo đấu, quảng cáo… Với những lý do đó, chúng ta có thể coi như thị trường bóng đá Việt Nam đã đạt một bước tiến, ít nhất là trong con mắt đối tác.

* Nếu đã là sự kiện thương mại, thì những nhà tổ chức phải thực hiện chế độ lời ăn lỗ chịu, không thể phong danh cho nó là một sự kiện “có nhiệm vụ chính trị” hay “phục vụ nhân dân”?

- À, chuyện “nhiệm vụ chính trị” hay “phục vụ nhân dân” vẫn là lý do để lý giải cho mọi điều mà giới chức ta đã hết lẽ để lý giải. Trong chừng mực nào đó nó đúng, vì liên quan đến hình ảnh một đất nước. Và khi người ta cung ứng một sản phẩm mà công chúng có nhu cầu, thì đó cũng là phục vụ công chúng. Có điều là những cụm từ này nó làm chúng ta ám ảnh về một thời chính trị là thống soái, hay mượn danh nghĩa vì nhân dân phục vụ để mưu lợi riêng hay lợi ích nhóm. Còn bây giờ là kinh tế thị trường, mọi nhu cầu được đáp ứng đều phải thanh toán. Nhưng không phải nhu cầu nào mà công chúng sẵn sàng thanh toán cũng được đáp ứng, nếu không có nhà cung cấp sản phẩm hay dịch vụ đó mang đến nơi. Tôi ủng hộ mọi doanh nghiệp mang những sản phẩm có ý nghĩa đến với người tiêu dùng.

* Nhưng trong khi sử dụng danh nghĩa đó để ép ban tổ chức sân Mỹ Đình giảm giá cho thuê sân thì ban tổ chức lại “chặt chém” với người hâm mộ khi đưa giá vé cao nhất lên tới 1,5 triệu đồng?

- Ai cũng muốn sản phẩm của mình bán giá cao, không chỉ vì thu được nhiều lợi nhuận mà còn muốn định vị sản phẩm của mình ở phân khúc cao, nhưng cũng lại sợ không có người mua vì giá cao. Đó là bài toán nan giải của người kinh doanh. Vấn đề là người tiêu dùng định giá sản phẩm của anh như thế nào, có đáng mua với ngần ấy tiền hay không, nhất là trong thời điểm kinh tế khó khăn như hiện nay. Thế giới vẫn ca ngợi các sản phẩm của Apple ngay cả khi hãng này bán sản phẩm của mình cao hơn nhiều so với giá thành, đến nỗi một mình Apple chiếm quá nửa lợi nhuận của thị trường điện thoại thông minh. Trong khi đó, chẳng ai khá giả lại đi xài điện thoại thông minh của một hãng Trung Quốc.

Cá nhân tôi cho rằng ngay cả khi ban tổ chức bán hết số vé với giá niêm yết (400.000-1.500.000 đồng) thì họ vẫn cầm chắc lỗ trong tình hình kinh tế hiện nay, vì sẽ rất khó kiếm được quảng cáo cho một sự kiện thời vụ như thế này, trong khi còn rất nhiều chi phí khác phải trang trải. Thế nên, tôi tôn trọng những người tổ chức sự kiện này, và nếu không phải là có ý thức phục vụ thì cũng là dám bỏ tiền làm thương hiệu trong thời điểm mà doanh nghiệp nào cũng lo cắt giảm chi phí.

* Anh không định nói là anh ủng hộ việc lấy danh nghĩa “nhiệm vụ chính trị” và “phục vụ nhân dân” để đòi ban tổ chức sân Mỹ Đình giảm giá đấy chứ? Họ đã được giao quyền tự chủ kinh doanh.

- Tôi không ủng hộ danh nghĩa đó, nhưng tôi ủng hộ việc đòi ban quản lý sân Mỹ Đình giảm giá. Chúng ta phải phân biệt tài sản công và tài sản tư. Tài sản tư thì tư nhân được toàn quyền sử dụng hoặc kinh doanh theo ý mình, miễn là tuân thủ pháp luật. Tài sản công là từ tiền đóng thuế của dân, ngay cả khi được giao cho một đơn vị nào đó tự chủ, thì họ vẫn phải chấp nhận những ràng buộc về cách thức và mục đích trong việc sử dụng hay kinh doanh dựa vào tài sản đó. Đó là quy chế sử dụng đối với tài sản công. Sân bóng đó không phải là tài sản của ban quản lý sân, để muốn định giá cho thuê thế nào cũng được. Nó phải có khung giá để tránh bị lạm dụng. Rốt cục thì giá đó sẽ trở thành chi phí tổ chức, và ban tổ chức sự kiện sẽ phải tìm cách thu để bù vào, qua giá vé hay tiền quảng cáo. Mà thu cao thì cũng không thuộc về ngân sách nhà nước (vì đã khoán rồi), mà thuộc ban quản lý. Đó là lý do thứ nhất.

Lý do thứ hai là tư tưởng “chặt chém” kiểu thời vụ vì món lợi trước mắt trong kinh doanh ở Việt Nam cần phải bị phê phán. Thấy người ta ở vào tình thế buộc phải trả tiền cho mình thì ép giá, kiểu như du lịch Sầm Sơn hay du lịch theo mùa ở miền Bắc. Rốt cục là cùng kéo nhau chìm xuống, khách hàng bị chặt lần này còn người kinh doanh thì khỏi đón khách quay trở lại.

Để môi trường kinh doanh tốt hơn, xã hội tốt hơn, mỗi người, mỗi bên cần phải có trách nhiệm chung để tạo nên nó. Bằng cách tiếp cận cùng có lợi, và kinh doanh lâu bền chứ không phải theo kiểu mượn dịp để chặt chém.

* Xin cảm ơn nhà báo Hồng Ngọc


Tài sản công là từ tiền đóng thuế của dân, ngay cả khi được giao cho một đơn vị nào đó tự chủ, vẫn phải chấp nhận những ràng buộc về cách thức và mục đích trong việc sử dụng hay kinh doanh dựa vào tài sản đó.


Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm