Bóng đá Việt Nam xây nhà từ móng

31/05/2017 05:53 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Đã có ý dè bỉu, khi nói U20 Argentina hay U20 Đức cũng thua “chỏng vó” ở vòng bảng FIFA U20 World Cup 2017 - một giải bóng đá trẻ, huống hồ chi Việt Nam. Bóng đá trẻ là chân rết, là nền móng, nhưng, sự thật là, thành tích ở giải bóng đá trẻ dường như không liên quan lắm đến tầm vóc của những nền bóng đá không vị danh hiệu ở khởi điểm...

 Anh, vẫn được xem là quê hương của bóng đá, nhưng lần đầu tiên và duy nhất họ vô địch thế giới cách đây đã hơn 50 năm. Ở châu Âu, Ý hay Đức vẫn là những nền bóng đá hàng đầu. Bóng đá là thành tích, tuy nhiên, biểu đồ thành tích của bóng đá trẻ thường không ổn định. Hệ thống đào tạo trẻ tốt, chỉ là điều kiện cần. Yếu tố quyết định phải là môi trường phát triển.

Xây nhà từ móng, đấy là chuyện đương nhiên. Vì ngược đời mà cách đây ngót 20 năm, cựu HLV trưởng đội tuyển Việt Nam - Alfred Riedl, đã nói rằng, bóng đá xứ mình xây nhà từ nóc. Ông thầy người Áo thật không có ý đi ngược lại chân lý, nhưng ông muốn chỉ trích giới lãnh đạo nền bóng đá, chỉ quan tâm đến thành tích đầu ra, thay vì đầu tư cho đầu vào - hệ thống đào tạo trẻ, rồi thành quả sẽ tự nhiên tới. Tất nhiên, như đã nói ở trên, môi trường phấn đấu - phát triển, giữ vai trò quan trọng không kém.

Cầu thủ Việt Nam, với V-League đã là sàn diễn đỉnh cao bậc nhất, là niềm mơ ước của phần lớn, dù so với khu vực, giải đấu cao nhất ở dải đất hình chữ S chưa là gì cả. Vào thời điểm hiện tại, V-League xếp sau Thai Premier League, giải Malaysia, Indonesia và cả Singapore, về thu hút nguồn lực, cũng như sự hội tụ của ngôi sao. Giải đấu hàng đầu Việt Nam từng có “số má”, nhưng lúc này, khó thể so với chúng bạn. Làm bóng đá như người bơi ngược dòng nước, không tiến ắt tự nhiên sẽ lùi. Chúng ta thậm chí còn tự làm khó mình bằng những quy định gàn dở, như hạn chế suất đăng ký Tây (cầu thủ ngoại).

Sau FIFA U20 World Cup 2017, HLV trưởng đội tuyển U20 Việt Nam - Hoàng Anh Tuấn, đã khẳng định, đây sẽ là nòng cốt của U22 Việt Nam dự SEA Games 2019. Ông Tuấn thừa tự tin, đặc biệt là sau những gì ông đã làm cho nền bóng đá cấp ĐTQG lẫn CLB, nhưng vẻ như ông hơi vội. U20 và U22, về lý thuyết, chỉ cách nhau 2 tuổi, nhưng cầu thủ 22 tuổi đá V-League, khác với 19-20 đá giải trẻ, hạng Nhất hay thậm chí ngồi dự bị ở đâu đó. Chọn lọc tự nhiên là điều tất- lẽ- dĩ- ngẫu, kích thích sự phát triển. Bóng đá không nằm ngoài quy luật này.

'HLV Hữu Thắng có thêm nhiều lựa chọn từ U20 Việt Nam'

'HLV Hữu Thắng có thêm nhiều lựa chọn từ U20 Việt Nam'

Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, ông Trần Quốc Tuấn khẳng định HLV Hữu Thắng có toàn quyền trong việc việc lựa chọn và sử dụng cầu thủ U20 Việt Nam cho đội tuyển U22 Việt Nam tại vòng loại U23 châu Á và SEA Games 29.

Để nâng cấp năng lực chinh phục của nền bóng đá, đào tạo trẻ chỉ là khâu đầu tiên quan trọng, chứ không mang tính quyết định. Môi trường phát triển, mà gần nhất và dễ thấy nhất là các giải đấu quốc nội được nâng cấp, giữ vai trò chủ đạo, khi bóng đá Việt Nam chưa đủ năng lực xuất khẩu cầu thủ. Lứa U20 Việt Nam vừa trở về từ World Cup 2017, chỉ là một mắt xích, chưa phải là tất cả. SEA Games 2019, nếu có dành cho họ, đấy vẫn đơn thuần là một giải bóng đá trẻ khu vực. Nên, vội mà làm gì?!

Sau tất cả, dĩ nhiên, hệ thống đào tạo trẻ tốt là rất có lợi. Không phải tranh luận nữa, cảm ơn HAGL, PVF, Viettel, Hà Nội và trước đó là SLNA... Họ đã đóng góp rất nhiều cho nền bóng đá.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm