Nhiều đội ngại và sợ lên chuyên nghiệp

19/12/2012 08:36 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Nghe có vẻ nghịch lý, khi cái đích cuối cùng của thể thao, của bóng đá là sàn diễn đỉnh cao, là chiến thắng, nhưng trên thực tế, có không ít các đội bóng ngại, thậm chí là sợ lên chuyên.

Ở V-League 2012, người ta luôn thấy hình ảnh bầu Kiên, Chủ tịch CLB BĐ Hà Nội đồng thời cũng là
Phó Chủ tịch HĐQT VPF, thường xuyên xuất hiện ở khu kỹ thuật của CLB BĐ Hà Nội mỗi khi đội này đá trên sân nhà. Ảnh: VSI

Trận chung kết giải hạng 3 (giành vé lên hạng Nhì) giữa TOTO An Biên FC và Vĩnh Long trên sân Mỹ Tho cách đây không lâu, không ai nói là đại diện TP.HCM (TOTO) chủ thua, nhưng những diễn biến trận đấu và cả tâm lý chủ quan của người trong cuộc cho thấy, An Biên FC không sẵn sàng giành suất lên chơi hạng Nhì vào năm sau. Bất phân thắng bại sau giờ đấu chính, cuối cùng, Vĩnh Long đã giành chiến thắng sau loạt sút luân lưu.

Giải thích cho điều này, ông bầu Trần Ngọc Tâm của An Biên FC cho biết: “Chúng tôi vẫn chơi rất “fair-play”, đi đến trận cuối cùng và hoàn toàn không chủ thua. Nhưng, nếu có lên hạng Nhì vào năm sau, chưa chắc gì chúng tôi đã chơi? Dính vào bóng đá đỉnh cao thời điểm này tiền mất tật mang. Nói thẳng, không ít đội bóng đã gõ cửa An Biên (nhà phân phối các sản phẩm vệ sinh phòng tắm TOTO của Nhật Bản-PV) nhường suất, nhưng tôi từ chối”.

Quả thật, trước khi GĐĐH Trần Tiến Đại của SG.XT chủ động liên lạc với ông bầu người Hải Phòng Trần Ngọc Tâm và có ý muốn nhượng lại suất hạng Nhì vừa rút về từ Ninh Thuận, vì “là chỗ thân tình và chuyện tiền bạc không phải nghĩ” (lời ông Đại, theo kể lại của bầu Tâm), CLB TP.HCM từ hồi còn chơi giải hạng Nhất cũng từng có ý định này. Tuy nhiên, ông Tâm đã lắc đầu. An Biên FC sẵn sàng bỏ cả đống tiền chơi phòng trào chứ nhất định không lên chuyên.

Không chỉ có TOTO An Biên FC, trước đó nữa, trận chung kết hạng Nhì 2012 giữa Trẻ Khánh Hòa và Nam Định cũng lắm bi hài. Không phải đến bây giờ, khi đội bóng đã bị giải tán, người ta mới biết là Trẻ Khánh Hòa không có nhu cầu lên hạng Nhất, mà chẳng qua bởi Nam Định quá cao ngạo và không... biết điều, trong trận chung kết. Và đao kiếm vô tình, đội bóng thành Nam gục ngã trước cửa thiên đàng. Giờ nghĩ lại, HLV Nguyễn Ngọc Hảo sống mũi vẫn còn cay.

“Tiền mất tật mang” là lý do khiến những người trong cuộc (như TOTO An Biên FC hay Trẻ Khánh Hòa) từ chối cơ hội lên chơi sàn diễn đỉnh cao. Câu hỏi đặt ra là làm sao để ngưng lại tâm lý ấy, trong một bộ phận không nhỏ những doanh nghiệp làm bóng đá? VPF hay VFF phải trả lời được thắc mắc nói trên. Nhưng, có lẽ nó cũng khó hệt như thách đố rằng, bằng cách nào để sẽ không có thêm một ông chủ đội bóng nào nữa bỏ cuộc chơi V-League và hạng Nhất giữa chừng.

Bóng đá nói riêng hay thể thao nói chung, dù có vị thành tích đến mấy, nhưng cũng đơn thuần là cuộc chơi. Mà đã là cuộc chơi, thì vui vẻ, thoải mái mới chơi được, bằng không lại xôi hỏng bỏng không. Một bộ phận không nhỏ những doanh nghiệp gắn với bóng đá lúc này đều cho rằng, chơi phong trào vui và có ích hơn là đỉnh cao. Nó bắt đầu từ sự khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng vào những nhà điều hành nền bóng đá. Đó mới là điều đáng suy ngẫm!

CCKM
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm