01/04/2022 10:11 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Với 4 điểm nhờ 1 chiến thắng và 1 trận hòa, Việt Nam là đội bóng Đông Nam Á có thành tích tốt nhất tại vòng loại cuối cùng của World Cup. Dù đó là những chiến tích lẫy lừng, nhưng chừng đó vẫn chưa đủ để chúng ta có đủ tự tin vào cơ hội đoạt vé dự World Cup.
Bước qua giới hạn
3 năm trước, đội tuyển của HLV Park Hang Seo vào đến tứ kết Asian Cup 2019 và chỉ chịu dừng bước trước Nhật Bản với một thất bại tối thiểu 0-1. Chỉ có 4 cầu thủ từng đá chính trong trận đấu ngày đó xuất hiện ở đội hình ra sân ở trận cầu cuối cùng của vòng loại World Cup 2022 trên sân Saitama, đó là Quế Ngọc Hải, Đỗ Hùng Dũng, Công Phượng và Quang Hải.
Đây không phải là đội hình mạnh nhất mà HLV Park Hang Seo có thể có, và đội tuyển Việt Nam cũng đã phải có một thế trận phòng ngự hoàn toàn suốt 90 phút, nhưng chúng ta đã có một trận đấu kiên cường. Ghi bàn mở tỷ số và lần đầu tiên có điểm trước Nhật Bản trong một trận cầu chính thức.
Nếu chỉ nhìn vào các con số, Việt Nam là đội có thành tích kém nhất trong số 12 đội bóng dự vòng loại cuối cùng. Đó không phải là điều được kỳ vọng, nhưng cũng chẳng có gì thất vọng. Thái Lan, ở thời kỳ mạnh nhất của mình cách đây 5 năm, cũng chỉ có 2 điểm sau 10 trận đấu.
Với một đội tuyển chỉ mới lần đầu dự vòng loại cuối cùng như Việt Nam, 4 điểm là một con số rất đáng khích lệ nhất là khi chúng ta thua đến 7 trận liên tiếp trước khi có chiến thắng đầu tiên ở lượt đấu thứ 8.
Hãy nhìn vào số bàn thắng của Việt Nam. Với 8 lần chọc thủng lưới những đội tuyển như Saudi Arabia, Nhật Bản, Trung Quốc, Oman, thành tích ghi bàn của Việt Nam tốt hơn 3 đội bóng khác và chỉ kém Syria, Trung Quốc 1 bàn.
Chúng ta từng hình dung các trận đấu tại vòng loại cuối cùng sẽ “vùi dập” thầy trò HLV Park Hang Seo do sự non nớt về kinh nghiệm cũng như đẳng cấp thua kém. Tuy nhiên, Việt Nam chỉ nhận 19 bàn thua, trung bình chưa đến 2 bàn/trận và vẫn có thể ghi bàn ở một tỷ lệ không tồi.
Các con số này cho thấy, dù là đội bóng bị đánh giá thấp nhất nhưng thầy trò ông Park Hang Seo không có một thái độ cam chịu. Họ đã cố gắng để giảm số bàn thua và sẳn sàng mạo hiểm để tìm chiến thắng khi có cơ hội.
Cuộc hành trình vòng loại World Cup có thể xem như những trải nghiệm khốc liệt nhất để bóng đá Việt Nam tìm ra các giới hạn của mình và đã bước qua nó một cách đường hoàng. Chúng ta có cảm giác chiến thắng, có được sự tự tin về việc đủ sức chặn đứng sức mạnh của những đội bóng mạnh nhất châu lục.
Vấn đề còn lại, đó là từ những thành công bước đầu ấy, chúng ta sẽ có thể đi xa được đến đâu?
Bước chân ngắn trên con đường còn quá dài
Có một điều cần phải tỉnh táo: Chúng ta có một vòng loại thành công, nhưng con đường để đến được với World Cup còn rất dài. Tại bảng A, đội đứng hạng 4 là Iraq có 9 điểm, còn ở bảng B, Oman có đến 14 điểm.
Khi World Cup bắt đầu nâng số lượng đội tham gia kể từ năm 2026, châu Á sẽ có từ 8 suất và vị trí thứ 4 đó sẽ có suất dự World Cup. Tính trung bình, một đội tuyển châu Á cần có tối thiểu 2 trận thắng và 4 trận hòa thì mới đạt điểm số tối thiểu cho vé đi World Cup.
Đấy chính là vấn đề của bóng đá Việt Nam. Trong cái ngày mà đội tuyển có được chiến tích quan trọng trước Nhật Bản thì đội U23 đã kết thúc giải giao hữu Dubai Cup với thành tích thua 2, hòa 1 và không ghi nổi bàn thắng nào.
Về lý thuyết, đây chính là lực lượng nòng cốt của Việt Nam dự vòng loại World Cup 2026 sau 3 năm nữa. Thế nhưng, thật khó lạc quan ở đội ngủ kế thừa này sẽ duy trì được năng lực thi đấu hiện tại của các đàn anh, chưa nói đến việc họ sẽ làm tốt hơn. Những người lạc quan nhất cũng chỉ hi vọng, lứa cầu thủ hiện tại trong tay HLV Park Hang Seo vẫn sẽ chơi tốt trong 2-3 năm nữa, khi phần lớn trong số họ sẽ ở tuổi 28-30. Tất nhiên, điều đó không đơn giản, nhưng đáng tiếc lại là lựa chọn duy nhất nếu nhìn vào thực trạng hiện nay.
Chúng ta đã mất đến 5 năm, từ sau kỳ tích U23 châu Á 2018 tại Thường Châu – Trung Quốc để có được vị thế hiện nay. Nhưng trong 5 năm qua, chỉ xuất hiện thêm Nguyễn Hoàng Đức và phần nào đó là Nguyễn Tiến Linh để tạm xem là tạo ra được sự kết nối cho tương lai. Nhưng cả 2 cầu thủ này, cũng là nhân tố vốn được phát hiện trước đó tại U20 World Cup 2017, tức là cũng không mới.
Không thể kỳ vọng, sau 5-7 năm sẽ có ngay một thế hệ cầu thủ có cùng chất lượng với những tinh hoa tốt nhất mà bóng đá Việt Nam đang có được như hiện nay. Tuy nhiên, cái khoảng cách khá lớn giữa 2 lứa cầu thủ rất đáng để lo ngại.
Cơ hội lên đội tuyển quốc gia của cầu thủ U23 Việt Nam rất thấp, trong khi 5 năm trước, đội tuyển quốc gia đã có đến 1/3 đội hình chỉ mới 20-22 tuổi. Cho dù HLV Park Hang Seo có muốn trẻ hóa đội tuyển, thì ông cũng khó tìm ra nhân tố tin cậy. Ví dụ như vị trí tiền đạo, luôn khiến HLV Park Hang Seo đau đầu nhưng ở đội U23, thì Võ Nguyên Hoàng chỉ là một cầu thủ đang chơi bóng ở hạng Nhất.
Ngoài Nguyên Hoàng, trong danh sách đội U23 Việt Nam dự Dubai Cup, có 7 cầu thủ hạng Nhất và 8 cầu thủ khác hiện không có vị trí chính thức tại các đội V-League. Tầm tuổi này mà vẫn chưa thể chơi bóng đỉnh cao ở cấp CLB thì liệu 2-3 năm tới, có bao nhiêu cầu thủ U23 đủ sức cạnh tranh với những tuyển thủ hiện nay ở đội tuyển quốc gia?
Vị thuyền trưởng của những kỳ tích Park Hang Seo thì đang ở năm cuối cùng của hợp đồng và ông cũng sẽ không còn làm việc tại đội U23 sau SEA Games. Đội tuyển hiện nay, dù đã để lại những cảm xúc khó tin tại vòng loại World Cup, nhưng họ cũng đã có dấu hiệu của sự già nua về phong độ và khao khát chơi bóng.
Triển vọng giữ được đẳng cấp tại vòng loại World Cup kế tiếp đang dần mơ hồ …
Long Khang
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất