'Bóng đá Việt Nam chạy gạo từng nồi'

07/05/2015 18:56 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - Cách đây vài năm, một cuộc “chuyển giao quyền lực” ở Đồng Tâm Long An (ĐTLA) đã diễn ra khi Chủ tịch Võ Quốc Thắng bổ nhiệm người em ruột mình là Võ Thành Nhiệm (khi ấy đang là Giám đốc Công ty TNHH Thể thao Đồng Tâm – PV) làm chủ tịch CLB. Đây đơn thuần là công việc gia đình hay cũng có thể hiểu như một cách hợp thức hoá, để ông Thắng, không còn liên đới tới ĐTLA, khi còn đương chức Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF).

“Do công việc kinh doanh của anh Thắng khi ấy rất bận rộn, đồng thời anh ấy nhận thấy mình còn có thể đóng góp nhiều hơn cho bóng đá nước nhà, nên mới bổ nhiệm tôi. Nói chung, anh Thắng nghĩ nhiều hơn cho xã hội, trước khi nghĩ cho mình”, ông Võ Thành Nhiệm (Út Nhiệm) bắt đầu câu chuyện với Thể thao & Văn hoá cuối tuần.

“Tôi không phải cánh tay nối dài của ai cả”

* Võ Thành Nhiệm, người có thể nói là ít am tường về bóng đá, nhưng vẻ như đang rất mát tay. Tất nhiên, trước đó, ông và bản thân ĐTLA đã phải trải qua giai đoạn khó khăn?

- Nếu nói rằng tôi ít am tường về bóng đá thì chưa đúng nhé bạn! Tôi đam mê bóng đá từ thuở bé kia. Thậm chí còn biết rất nhiều các CLB và đội tuyển quốc gia của nhiều nước trên thế giới nữa. Trước đây, tôi làm Giám đốc Cty TNHH Thể thao Đồng Tâm và giao cho anh Phạm Phú Hoà điều hành đội bóng. Nhưng, sau khi ĐTLA rớt hạng, anh Hòa rút lui, nên tôi phải kiêm cả việc của Công ty lẫn CLB. Bận một tí, áp lực một tí, nhưng thoả chí tang bồng nhà báo ạ!

Giai đoạn khó khăn nhất với tôi, là thời điểm đội bóng phải xuôi về giải hạng Nhất (2011). Việc để cho một thương hiệu cỡ bự như ĐTLA mất giá là rất tai hại. Tôi hiểu, anh Thắng (ông Võ Quốc Thắng) cũng rất buồn phiền. Nhưng bằng sự quyết tâm, nỗ lực của cả một tập thể hàng trăm con người, chúng tôi đã giành chức vô địch giải hạng Nhất để trở lại.



Ông Nhiệm khẳng định mình không phải "cánh tay nối dài" của ông Võ Quốc Thắng mà đủ sức điều hành CLB ĐTLA

* Nhìn phong thái và cách Võ Thành Nhiệm giải quyết vấn đề, khác xa so với anh ruột mình: Ông Võ Quốc Thắng, cũng chẳng giống bất cứ một ông chủ đội bóng nào cả. Người ta nói, ông là “cánh tay nối dài” của anh ruột mình, và việc “Út” Nhiệm luôn thân mật và gần gũi, hài hước nữa, xin được hỏi thẳng là có phải... "giả ngô"?

- Thực tế là, tôi và anh Thắng trước đây cũng có nhiều điểm giống nhau. Máu mủ ruột già mà! Tôi thường xem 1 VĐV hay 1 người công nhân như là những người bạn của mình, gần gũi họ và cố gắng làm sao để họ nghĩ rằng, đội bóng cũng như gia đình của mình, gắn bó mật thiết với mình. Môi hở thì răng lạnh. Nếu đội bóng chơi tốt, họ sẽ có một chỗ làm tốt, bởi sự nghiệp cầu thủ có đôi khi ngắn lắm.

Đến một lúc nào đó, họ rồi giải nghệ, để chuyển qua công tác huấn luyện hoặc làm công việc hành chính trong Công ty. Tôi bản chất đã là người thích hài hước và dù đôi khi, chỉ để xả stress. Gia đình và công việc là 2 chuyện tách bạch. Tôi là tôi, chứ không là cánh tay nối dài của ai cả.

* Ông có thể khái quát một vài dòng về công việc hiện tại không? Tôi được biết là ngoài chuyện quản lý, điều hành đội bóng, ông còn rất bận  bịu việc Công ty?

- Ngoài công việc của đội bóng ra, tôi còn điều hành 1 Cty Xây dựng. Thường thì buổi sáng tôi giải quyết công việc ở Công ty xây dựng, buổi chiều giải quyết công việc ở CLB. Tôi không bao giờ có thời gian nghỉ vào cuối tuần, khi các trận đấu diễn ra. Như đã nói, dù bận cỡ mấy thì tôi vẫn cảm thấy vui. Nó không đơn thuần là công việc, mà còn là đam mê, là cuộc sống của tôi nữa.

Nhân tiên, tôi cũng chia sẻ với anh. Điều hành một đội bóng, không đơn giản chỉ là quản lý mấy chục con người, mà bạn cần phải nghĩ cách tìm nguồn thu, duy trì và phát triển CLB nữa. Đây là một hạng mục công việc khó và không phải ai cũng sẵn sàng lao vào, với đầy đủ nhiệt huyết. Cho đến thời điểm này, tôi thấy mình cũng không quá tệ. Việc tìm kiếm các nhà tài trợ đồng hành, các Mạnh Thường Quân đang tiến triển rất khả quan. Tất nhiên, nếu ĐTLA tiếp tục thi đấu tốt và có một vị trí cao tương đối trên bảng xếp hạng về cuối mùa, thì công việc sẽ trở nên thuận lợi hơn nhiều.

Chưa từng có ý định trả đội bóng lại cho tỉnh

* Một giai đoạn, ĐTLA đã phải lao đao, xuôi về giải hạng Nhất, chuyện gì đã xảy ra vào khoảng thời gian đó? Tôi được nghe nói là, Công ty Đồng Tâm đã hơn một lần có ý định giao lại đội bóng cho tỉnh vì khó khăn tài chính, nhưng phút cuối bị thuyết phục tiếp tục gắn bó?

- Ngay từ khi bắt tay vào làm bóng đá, chúng tôi đã xác định gắn bó về lâu dài, chứ không phải để xin dự án như người người, nhà nhà vẫn làm và vẫn nghĩ thế. Lịch sử đội bóng, từ thời Henrique Calisto đến bây giờ, chúng tôi chưa bao giờ chạy đua với với thị trường chuyển nhượng, nhưng chúng tôi luôn có những cầu thủ tốt nhất, hợp với cách đội bóng vận hành nhất.

Thời thời điểm đội bóng rớt hạng, nhiều CLB khác đã nhảy vào “xâu xé” chúng tôi, bằng cách phá giá thị trường, đẩy giá cầu thủ ảo, không đúng với thực tế. Trước đó, do sai lầm khi chưa đánh giá hết tầm quan trọng của khâu đào tạo trẻ, nên chúng tôi bị thiếu hụt lực lượng kế thừa. Nói chung, cay đắng chưa từng sao biết ngọt?!

Vào thời điểm khó khăn, nhiều người đã hiểu sai ý chúng tôi. Chúng tôi chưa từng có ý định trả lại đội bóng cho Long An, mà chỉ muốn lấy tên đội là CLB Long An, để dễ vận động tài trợ, tìm thêm nguồn kinh phí từ các Mạnh Thường Quân trong tỉnh, duy trì hoạt động của đội bóng, như cái cách mà SLNA hay Thanh Hoá đã và đang làm  mà thôi. Từ lâu, CLB đã là một phần cơ thể của Đồng Tâm group rồi.

* Đội bóng đã điều chỉnh lương, thưởng như thế nào, để vượt qua khó khăn. Ông nghĩ sao khi có ý cho rằng, dưới thời “Út” Nhiệm, đồng tiền được sử dụng khôn ngoan hơn, bởi lọt sàng thì xuống nia, không bao giờ thất thoát ra ngoài?

- Vấn đề lương, thưởng thì từ xưa giờ, chúng tôi đã xây dựng theo tiêu chí của riêng mình, tùy theo mức độ dóng góp và cống hiến của từng thành viên CLB. Đội bóng gần như không tăng lương, thưởng khi thị trường nóng và cũng không bao giờ giảm khi CLB khó khăn. Chúng tôi xác định, quyền lợi hợp pháp của người làm thuê là bất khả xâm phạm, vì họ còn phải lo cho gia đình nữa.

Lòng người mà bất an, thì tâm trí đâu mà thi đấu, mà cống hiến?! Riêng tiền thưởng, chúng tôi đã xây dựng bộ khung từ trước mỗi mùa giải. Anh em cũng đã được đả thông tư tưởng, nên không có vấn đề gì cả.

Cho đến lúc này, tôi cảm nhận một cách rõ nhất là sự giúp sức, kề vai sát cánh của các cộng sự có tâm và có tầm. Họ đề xuất tuyển chọn những cầu thủ tốt nhất và cũng rất biết cách tiết kiệm chi tiêu. Đó gần như là thuộc tính của ĐTLA rồi.

* Trong một đôi lần chia sẻ, Võ Thành Nhiệm cho rằng, ĐTLA của ông phải là hình mẫu để cho các đội bóng khác học theo, về phương thức kiếm tiền và kêu gọi nhà tài trợ đồng hành. Đến thời điểm này nó có còn khả quan không?

- Có lẽ tôi đã nói rằng, việc học hỏi trao đổi kinh nghiệm giữa ĐTLA và các CLB khác cần duy trì tính liên tục, trong việc kiếm TIỀN, cũng như kêu gọi sự ủng hộ. Thực tế là ĐTLA đã phải học hỏi và rút tỉa những kinh nghiêm từ các CLB trong nước, thậm chí cả nước ngoài. Như đã nhắc, tôi cảm thấy hài lòng với những gì đang diễn ra. Chúng tôi đang có ít nhất 3 đối tác lớn sẵn sàng hợp tác với đội bóng vào năm sau.

Chuyên nghiệp là TIỀN, nhưng…

* Sau thế hệ của những Tài Em, Minh Phương, Thanh Giang, Hoàng Thương…, một thời gian đủ dài, ĐTLA không còn cung ứng nhân sự cho các ĐTQG nữa, sau hệ luỵ tuyến đào tạo trẻ bị xem nhẹ. Nhưng vẻ như thời thế đã khác nhiều rồi nhỉ, khi các đợt tập trung tuyển vừa rồi, quân Long An trên tuyển khá đông?

- Sau thế hệ vàng, người ra đi tìm bến đỗ mới, người giải nghệ do tuổi tác, khiến đội bóng có chút chuếnh choáng, vì ngân sách chuyển nhượng eo hẹp. Song, nó lại giúp chúng tôi nhận ra rằng, công tác dào tạo trẻ cực kì quan trọng. Nó liên quan đến tính sống còn của đội bóng trong tương lai. Những năm gần đây, chúng tôi mạnh dạn đôn các em thi đấu và đã thành công. 



Có anh ruột là Chủ tịch VPF theo ông Nhiệm càng khiến mình khó ăn, khó nói

Như thời gian vừa qua, chúng tôi cũng đã tuyển được vài em và cử sang Nhật học tập. Lứa cầu thủ trẻ hiện nay cũng nhiều triển vọng khi lọt vào vòng bán kết giải U19 QG 2015. Một hai năm nữa, tôi tin rằng họ đủ sức cáng đáng trọng trách của các đàn anh lớn tuổi để lại, trong màu áo CLB, cũng như những đóng góp cho các ĐTQG.

* Khó thể theo kịp B.Bình Dương, nhưng so với các cựu vương khác như HAGL và thậm chí cả SHB.Đà Nẵng, vị thế của ĐTLA lúc này không phải quá khiêm tốn, thưa ông?

- Đơn giản, bởi chúng tôi luôn nhìn về một hướng. Ở tầm vĩ mô, đội bóng đã và đang nhận được sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Tỉnh, cũng như các ban ngành.

* Ông thường rất hay có những phát biểu hài hước, nhưng đúng, về V-League và về bóng đá Việt Nam. Theo ông, giải đấu cao nhất Việt Nam có cơ hội chuyên nghiệp thực sự không, hay vẫn cứ nửa nạc, nửa mỡ như hiện tại?

- Theo tôi, chúng ta vẫn còn vừa làm vừa học hỏi và rút kinh nghiệm. Cái khó nhất khi làm bóng đá chuyên nghiệp ở Việt Nam là chữ TIỀN, điều mà ngay thời điểm này, hầu hết, tôi chỉ nói là hầu hết chứ không phải tất cả, các đội đếu gặp khó, kể cả VPF và VFF. Ở chiều ngược lại, có TIỀN nhiều cũng chưa chắc đã có một sản phẩm bóng đá chất lượng. Nói chung, chúng ta chưa vạch ra được một kế hoạch hành động rõ ràng, khi gần như đội bóng nào cũng “chạy gạo từng nồi”, khiến công tác đào tạo trẻ cũng trở nên lỏng lẻo.

Ở các nước có nền bóng đá phát triển, với những giải đấu hàng đầu, người ta hoạch tính sẵn ngân sách chi tiêu trước mỗi mùa giải, thậm chí có thể còn chuẩn bị sẵn nhiều năm, còn mình thì nhiều đội làm ngược lại?! Thế nên, việc đứt gánh giữa đường xảy ra như cơm bữa, rất nhiều ông chủ đã bỏ của chạy lấy người, những bể dâu, li tán diễn ra liên miên từ độ 5 năm qua.

* Một câu hỏi riêng tư, phải chăng việc điều hành đội bóng khi có anh ruột mình ngồi ghế chủ tịch Công ty tổ chức các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia (VPF) “chống lưng”, trở nên dễ dàng hơn nhiều?

- Tôi thấy tác dụng ngược thì đúng hơn. Trước đây, tôi có thể trả lời và phát biểu những khó khăn và bức xúc trước diễn đàn, trên báo giới, về bóng đá Việt Nam, cũng như các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia, nhưng sau này thì không lẽ đi làm khó anh mình?! Xưa nay, anh Thắng làm việc rất rõ ràng, rất công tâm, phân minh. Tôi biết rõ anh mình bận nhiều công việc, nhưng anh ấy vẫn làm, vì lòng đam mê và ý nghĩ muốn đòng góp một phần công sức cho bóng đá Việt Nam. Chuyện “chống lưng” ĐTLA như anh nói, hoàn toàn không.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Võ Thành Nhiệm sinh năm 1971, tại TP.HCM, nhưng là người gốc Long An. Ông là con trai út trong gia đình có đến 10 anh em. Người nổi tiếng nhất trong gia đình họ Võ ở Long An chắc chắn là chủ tịch HĐQT Đồng Tâm group, chủ tịch HĐQT Ngân hàng Kiên Long, chủ tịch HĐQT VPF... Võ Thành Nhiệm bắt đầu bén duyên với bóng đá từ năm 2006, thời điểm ĐTLA dưới thời Henrique Calisto còn xưng hùm xưng bá tại V-League và triều đại “gia đình trị” của nhà họ Võ, với nhưng đóng góp to lớn cho bóng đá Long An nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung, vẫn chưa dừng lại.

Trước khi để thua Than Quảng Ninh với cách biệt tối thiểu ở vòng 10, ĐTLA là đội bóng duy nhất bất bại, sau 9 lượt trận đầu tiên V-League 2015. Họ đã thắng 4 trận, hoà 5, đứng trong tốp 6 đội dẫn đầu, đúng với chỉ tiêu đề ra hồi đầu mùa. Lịch sử hơn 10 năm lên chuyên và từng có 2 chức vô địch V-League (2005 – 2006), 8 năm liên tiếp (2002 – 2010) đứng trong tốp có huy chương, chưa bao giờ “Gạch” tạo được xuất phát điểm tốt như thế như dưới thời HLV Ngô Quang Sang, người có thể nói là thừa hưởng toàn bộ di sản của Henrique Calisto, đặc biệt về cách dụng binh.


Tùy Phong (thực hiện)
Thể thao Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm