Kí sự: Thăm Argentina và nghĩ về Messi

10/07/2015 09:55 GMT+7 | Barcelona

(Thethaovanhoa.vn) - Trong những ngày diễn ra Copa America (Cúp châu Mỹ) tại Chile thì người viết bài này đang có mặt tại Argentina, quê hương của Maradona và Messi, nên cũng hiểu thêm phần nào lý do vì sao cầu thủ xuất sắc nhất thế giới hiện nay lại không thể toả sáng trong  ĐTQG của mình, như khi khoác áo FC Barcelona.

Điều bất ngờ đầu tiên khi đặt chân đến thủ đô Buenos Aires (theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa Không khí Trong lành), và sau này cả ở tỉnh Iguazu nơi có con thác rộng và cao nhất thế giới năm trên biên  giới Brazil-Argentina, cũng như ở thành phố Mar del Plata, một trong những trung tâm du lịch nổi tiếng của Argentina, là hầu như không thấy một bức ảnh hay áp phích lớn nào về người đội trưởng của đội tuyển xứ tango. Chỉ đến khi đi thăm khu phố nghệ thuật La Boca ở Buenos  Aires, hay vào các cửa hàng bán đồ thể thao lớn ở các đô thị nói trên, tôi mới thấy ảnh của Messi, nhưng cũng không nhiều bằng Maradona hay Tevez.


Tác giải bài viết (áo vàng) ở Argentina

Trao đổi với Trưởng cơ quan đại diện TTXVN tại Argentina, Đào Diệu Hương, một  nữ phóng viên năng động có nhiệm kỳ thứ hai tại đất nước có diện tích lớn gần 9 lần Việt Nam nhưng dân số chỉ có 40 triệu người này thì được giải thích có thể do vấn đề bản quyền hình ảnh quảng cáo.  Nhưng khi vào gần chục hiệu sách dọc theo đại lộ Cabildo  để lùng cuốn “Messi, el chico que siempre llegaba tarde” (Messi, cậu bé luôn luôn đến muộn” thì thấy sách về chủ nhân bốn Quả bóng Vàng cũng được bày bán bình thường như mọi cuốn sách khác, có chỗ người bán hàng còn phải vào máy tính xem sách được xếp ở đâu, thậm chí bị xếp đằng sau cả các cuốn sách khác.

Trên đường thăm thác Iguazu, nằm cách Buenos Aires khoảng 1000 km, tôi đi cùng một đôi vợ chồng người Argentina, anh Juan và chị Mariana. Anh Juan là một kỹ sư thú y, có quen một người bạn Việt Nam khi cùng nghiên cứu ở Hà Lan. Khi được hỏi Maradona và Messi thì anh tâm sự: cả hai đều giỏi, đều xuất sắc. Maradona thậm chí có cuộc sống “hỗn độn” và nhiều “tật” hơn Messi, nhưng tôi vẫn thấy gắn bó và than thiết  với El Pibe de Oro (Cậu bé Vàng). Phải giải thích thế nào nhỉ ? Có lẽ bởi vì hơn Maradona máu lửa hơn, đậm chất Mỹ Latinh hơn, giống chúng tôi hơn. Còn Messi thì…


Messi không được hâm mộ nhiều ở Argentina

Nghe câu “Maradona giống chúng tôi hơn” và lời buông lửng của anh Juan, người viết bài này hơi hẫng hụt: phải chăng  người Argentina vẫn thấy Messi có phần xa lạ với mình. Rồi trước và sau đó, khi nói chuyện với một số người bạn Argentina khác trong các chuyến đi, tôi đều có cảm giác: ai cũng thừa nhận Messi giỏi, thậm chí hoàn hảo hơn cả Maradona, nhưng ở thế giới bóng đá của xứ này không thể có hai Vua, và vị Vua duy nhất đó là Maradona. Còn như chàng trai Julio, một sinh viên đại học ngành y mà tôi có dịp nói chuyện trước cổng Metro gần Phủ Tổng thống có cái tên rất đẹp: Casa Rosada (Ngôi nhà Màu hồng), thì nói thẳng thừng: Tại sao chúng tôi yêu Maradona hơn Messi ư ? Đơn giản vì Maradona giúp Argentina giành được Cúp Thế giới, còn Messi thì chưa làm được điều đó. Cũng có người, như ông Francesco, một cái tên có vẻ mang nguồn gốc Italy, thì cho rằng: Vì Messi đang  đang còn trẻ, còn thi đấu nên chưa được “phong Thánh”, chứ khi giải nghệ như Maradona thì chắc chắn trong lòng người dân Argentina sẽ có một vị Vua bóng đá nữa và người đó không ai khác sẽ là Messi.

Cần công bằng hơn với Messi

Có một thực tế không thể chối cãi là Messi thành công hơn trong màu áo của FC Barcelona so với khi thi đấu cho đội tuyển quốc gia. Chiến công giành cú ăn ba của “Gã khổng lồ xứ Catalunya” khi vô địch Cúp Nhà vua, Liga và Champions League ở mùa bóng vừa kết thúc, và thất bại của đội tuyển “Albiceleste” tại World Cup Brazil và Copa America (xảy ra trong một thời gian khá gần nhau) càng làm cho một bộ phận dư luận, trong đó có giới truyền thông, tức giận và người hứng chịu cơn thịnh nộ đó tất nhiên là đội trưởng, Leo Messi. Thất vọng tràn trề vì bị thua đội bóng láng giềng Chile tại Cúp châu Mỹ, một đội bóng luôn bị xếp chiếu dưới, những người không ưa thích La Pulga được dịp trút lên đầu số 10 mọi tội lỗi, cứ như anh là nguyên nhân của mọi thất bại, bất chấp anh vẫn là cầu thủ xuất sắc nhất giải.


Messi bị chỉ trích rất nhiều sau trận Chung kết Copa America 2015

Thậm chí nhà báo Leo Farinella, Chủ nhiệm của tờ “Ole” còn khẳng định “Messi chơi thiếu nhiệt huyết, vật vờ trên sân, không xứng đáng đeo băng đội trưởng”. Có thể hiểu nỗi thất vọng của người Argentina, nhưng đổ mọi tội lỗi nên đầu Messi là một sự không công bằng. Không phải ngẫu nhiên mà sau khi cháu mình bị chỉ trích dữ dội, ông nội của Messi đã nổi khùng nói với báo chí: “Người ta có đưa bóng cho nó đâu. Chẳng ai để ý đến nó cả”. Theo dõi Copa America trên đất Argentina, người viết bài báo này thực sự thấy thương cho Messi.

Chẳng có lý do nào để nói Messi có “pecho frio” (cái ngực lạnh) khi thi đấu cho ĐTQG. Hơn ai hết, La Pulga cần một chức vô địch lớn với Argentina. Lý do rất đơn giản: chỉ có như vậy anh mới ngay lập tức được bước vào ngôi đền thờ hai Vua: Pele và Maradona của làng bóng đá thế giới, chứ không phải chờ đến ngày giải nghệ hay mất đi. Vì thế không thể nói Messi thiếu động lực, thiếu khát khao chiến thắng.


HLV Martino buộc Messi phải đóng vai làm bóng là chính, phục vụ các đồng đội trên hàng công

Nhưng ĐTQG đã làm gì để Messi có thể thực hiện ước mơ của mình. Phải nói thẳng, cả Sabella trước đây và Martino hiện nay lúc nào cũng chăm chắm khai thác tài năng của Messi là chính mà quên đi một điều cơ bản: những cầu thủ khác phải làm gì để Messi toả sáng và đóng góp nhiều nhất cho đội tuyển. Bắt chước Luis Enrique, Martino buộc Messi phải đóng vai làm bóng là chính, phục vụ các đồng đội trên hàng công. Và Messi đã làm tốt nhiệm vụ của mình. Bằng chứng là trong 6 bàn thắng của Argentina trong trận gặp Paraguay ở bán kết,  Messi góp phần vào 5 bàn. Ngay trong trận chung kết trước Chile, Messi đã tạo một đường chuyền không thể đẹp hơn để Lavezzi dứt điểm, nhưng cầu thủ này lại đưa bóng quá tầm với của Higuain, khiến Argentina bỏ lỡ một cơ hội ghi bàn mười  mươi. Hàng công cùn đâu phải lỗi của Messi.

Còn Messi tự ghi bàn ư ? Anh đâu có Neymar hay Suarez bên cạnh. Nếu quan sát kỹ các trận đấu, khán giả sẽ dễ dàng nhận thấy tính “ích kỷ và cá nhân” của một số ngôi sao Argentina. Mỗi khi nhận được bóng từ Messi là cả Aguero, Pastore, Di Maria chỉ chăm chắm lao vào vòng cấm địa để ghi bàn, thiếu hẳn sự quan sát ai đang ở vị trí tốt nhất. Khi tôi nói thẳng điều này trong hai bữa cơm với một số bạn cánh tả Argentina thì họ cũng công nhận “các cầu thủ của chúng tôi có phần cá nhân chủ nghĩa”. Lỗi này hẳn thuộc về HLV.

Hãy nhớ về thời kỳ Pep Guardioda ở Barca ra chính sách “tập trung bóng cho Messi dứt điểm”. Lúc đó, nhờ có Xavi và Iniesta đang ở phong độ đỉnh cao, cả đội bóng hoạt động như một cỗ máy hoàn chỉnh và Messi, với vai trò sát thủ, đã thực hiện hoàn hảo nhiệm vụ được giao: 50 bàn thắng một mùa bóng ư ? Chuyện nhỏ. Các kỷ lục liên tục bị phá vỡ. Có năm Messi ghi tới 73 bàn thắng. Bốn Quả bóng Vàng liên tiếp là một bằng chứng biết nói.


Nhờ có Xavi và Iniesta đang ở phong độ đỉnh cao, Messi đã thực hiện hoàn hảo nhiệm vụ ghi bàn

Đến thời Luis Enrique, do một số trụ cột như Puyol và Xavi đã ra đi trong khi Iniesta đã qua thời đỉnh cao, cộng với việc Barca có thêm hai pháo thủ hạng nặng là “Hoàng tử Bóng đá Brazil” Neymar và sát thủ Luis Suarez, HLV Enrique đã chuyển giao nhiệm vụ cầm chịch trận đấu, tổ chức tấn công và làm bóng cho Messi và La Pulga đã hoàn thành xuất sắc vai trò mới, trong khi vẫn là pichichi của đội bóng. Người đóng góp quan trọng nhất vào cú ăn ba lịch sử lần thứ hai của Barca, không ai khác lại là Leo Messi.

Tôi muốn nhắc lại một lần nữa: cả Sabella và Martino đã sai khi chỉ chăm chắm khai thác tài năng của Messi mà quên hẳn việc các cầu thủ khác “phục vụ” Messi như thế nào. Đó là một sự sai lầm và lãng phí lớn.

Còn những người nghĩ Messi có “bầu ngực lạnh” và “đá vật vờ trên sân” và “thiếu sự máu lửa”, hãy nhìn xem Argentina “đối xử” với La Pulga như thế nào. Khi Messi mắc bệnh thiếu hóc môn tăng trưởng ở tuổi 13-14, dù tài năng đã rõ, nhưng do thân thể còm cõi và chi phí chữa bệnh tốn kém, có đội bóng lớn của “đất mẹ” nào, từ River đến Boca, đã nhận Messi về, hay tất cả đều chối bỏ. Messi buộc phải rời xa quê hương để đến với Barcelona, nơi anh được chữa bệnh, rèn rũa tài năng để trở thành cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.  Pekerman, HLV của ĐTQG Argentina là người có công nhìn thấy tài năng của Messi và đưa anh về với “Albiceleste”. Còn sau đó, khi Messi đã chiếm được sự tin yêu của các đồng đội và khán giả, thì các HLV của đội tuyển, như trên đã nói, đều không chặn được “cái tôi” của một số ngôi sao Argentina, khiến đội tuyển thiếu hẳn sự gắn kết ở cả khu trung tuyến và hàng công.

Hãy công bằng hơn Messi và đừng trút mọi tội lỗi lên đầu Messi nữa.

Lưu Vạn Kha

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm