Bóng đá là công cụ hòa giải sắc tộc ở Jordan

07/01/2016 14:43 GMT+7 | Các ĐTQG

(Thethaovanhoa.vn) - Đối thủ U23 Việt Nam ở trận đầu tiên VCK U23 châu Á là Jordan, nơi mà trái bóng thấm đẫm lịch sử, văn hóa, sắc tộc và tôn giáo.

Ở Jordan, bóng đá không chỉ là bóng đá. Bóng đá còn được khoác lên chiếc áo lòng tự hào dân tộc. Chỉ có trong sân bóng, người ta mới thôi mạt sát gốc gác của nhau. Chỉ có trên sân bóng, nơi đội tuyển quốc gia thi đấu, người ta mới gạt bỏ thù hằn.

Quá khứ, hiện tại và tương lai của Hoàng gia Jordan cùng nhìn xuống mặt cỏ SVĐ quốc tế Amman từ tất cả các góc độ. Bên dưới, có tấm chân dung cỡ lớn rực rỡ của nhà vua Abdullah II, cha của ông, nhà vua Hussein, và đứa con trai tuổi thiếu niên, người sẽ nối ngôi. Đấy là trận đấu sống còn của đội tuyển quốc gia Jordan: play-off tranh vé dự World Cup 2014 với nhà vô địch Nam Mỹ Uruguay.

“Đây là trận đấu lớn nhất trong lịch sử của chúng tôi, một trận đấu có thật”, Hoàng tử Ali bin al-Hussein, em trai của nhà vua và Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Jordan, hào hứng nói, chỉ xuống các cầu thủ đang khởi động dưới sân.


Hoàng tử Al-Hussein, ứng viên sáng giá thay Blatter

Đội tuyển quốc gia Jordan có biệt danh al Nashama (Những chiến binh can đảm) chưa từng được dự World Cup trong lịch sử. 2014 là lần họ tiến gần giấc mơ ấy nhất. Jordan bắt đầu vòng loại bằng chiến thắng 9-0 trước Nepal năm 2011, tiếp tục đánh bại các nhà vô địch châu Á là Nhật Bản, Trung Quốc, Australia và Iraq, trước khi vượt qua Uzbekistan 9-8 trên loạt luân lưu ở Tashkent.

Trận đấu trong mơ của đội tuyển quốc gia “có nguồn lực rất hạn chế, và không thi đấu bằng sức mạnh đồng tiền” như Hoàng tử Ali nói, kết thúc với tỉ số thua 0-5 trên sân nhà, và hòa 0-0 trên sân khách. Giấc mơ rơi khỏi kẽ tay, nhưng nó chứng tỏ tiềm năng khổng lồ của bóng đá xứ này.

Bóng đá Jordan biểu hiện cho sự chia rẽ dân tộc. Các cuộc chiến với Israel đẩy hàng triệu người Palestine di cư tới Jordan. Bây giờ, chính người Palestine chiếm phần lớn dân số ở Jordan. Người Jordan ở Bờ Đông chỉ chiếm phần thiểu số.

“Chính quyền Jordan coi mọi sự chia rẽ giữa Palestine với người Jordan ở Bờ Đông là mối đe dọa tới an ninh quốc gia”, Giáo sư Yasir Suleiman của Đại học Cambridge nói với tờ The New York Times. “Người Jordan ở Bờ Đông coi mình quan trọng hơn người Palestine. Họ cho rằng mình là người bản xứ, và Jordan thuộc về họ chứ không phải người Palestine”.

Vấn đề này hiếm khi được đề cập trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng bóng đá dường như là một địa hạt khác. Hai CLB lớn nhất Jordan là Al Wihdat và Al Faisaly lần lượt thuộc về người Palestine và Jordan. “Dưới sức nóng của trận đấu, đám đông dường như phô bày hết những ức chế thường ngày. Chính quyền biết điều này, nhưng nếu mâu thuẫn không vượt quá giới hạn, họ có xu hướng tha thứ cho những đặc điểm chính trị lây lan”, Suleiman nói.

Trong cuộc đối đầu năm 2009, một trận đấu giữa hai đội kinh động đến cả vấn đề ngoại giao. Trang Wikileaks đăng tải thông tin về trận đấu bị hủy bỏ, khi đám đông lăng mạ Nhà Vua Abdullah và người vợ Palestine của ngài, Hoàng hậu Rania. “Ở Jordan, người ta biết có mâu thuẫn giữa Bờ Đông với Palestine vì chênh lệch mức sống. Chính quyền lấp liếm điều này vì sợ bất ổn chính trị”, tài liệu của Wikileaks viết.

Đội tuyển quốc gia Jordan được xây dựng bằng lực lượng từ Wihdat và Faisaly, nên thành tựu ở vòng loại World Cup 2014 càng đáng chú ý. “Họ là đối thủ của nhau, nhưng tôi nghĩ chính mối thâm thù ấy giúp chúng tôi có sức mạnh cảm xúc”, Hoàng tử Ali nói.

Tại VCK U23 châu Á, U23 Việt Nam ở 'cửa dưới'

Tại VCK U23 châu Á, U23 Việt Nam ở 'cửa dưới'

Đánh giá về cơ hội của U23 Việt Nam ở VCK U23 châu Á tại Qatar sắp tới, HLV Đặng Trần Chỉnh cho rằng thầy trò HLV Miura khó tiến sâu. Ở sân chơi châu lục, bóng đá Việt Nam chưa thể nói chuyện sòng phẳng với nhiều quốc gia khác.


Bóng đá trở thành biểu tượng cho đoàn kết dân tộc, chuyện không có gì kì lạ. Hàng xóm của Jordan, đội tuyển Iraq vô địch Asian Cup 2007 với đội hình gồm người Sunni, Shia và Kurd trong những ngày đen tối nhất của đất nước, khi triều đại Saddam Hussein sụp đổ. Đội tuyển Palestine là cây cầu bắc giữa Bờ Tây với dải Gaza. Cuộc nội chiến Libya đẩy không ít cầu thủ tới phiến quân chống lại Muammar el Gaddafi, và ở trận đấu vòng loại cúp châu Phi tại Zambia, chính quyền mới cho phép sử dụng lá quốc kì mới, hát bài quốc ca mới.

Cựu HLV đội tuyển Jordan, người đưa đội bóng tới trước cánh cửa World Cup, ông Hossam Hassan, từng chơi cho hai đội kình địch nhất Cairo, Ahly và Zamalek, những đối thủ mà ông Hassan bảo rằng “như Barcelona với Real Madrid tại TBN”. Đội tuyển Ai Cập của ông Hassan sau đó hợp lại một khối để rồi vô địch CAN 2006.

Bên ngoài SVĐ trước ngày diễn ra trận play-off lượt đi với Uruguay, vài trăm CĐV Jordan bắt đầu ca hát về sự cao quý của dòng dõi Hoàng gia. Hoàng tử Ali giơ tay chào thủ lĩnh của đám CĐV, người đang đứng trên hàng rào kim loại, giơ tay bắt nhịp cho tất cả hát những bài ca yêu nước…

U23 Jordan có cầu thủ từng thi đấu cho Ajax

Ngôi sao của U23 Jordan là Baha Faisal, tiền đạo sinh năm 1995 gốc Palestine, hiện đá cho CLB Al Wahdat. Anh là Vua phá lưới ở vòng loại U23 châu Á của Jordan, với 4 bàn. Ngoài ra, U23 Jordan còn có Khalid Al-Abd, cầu thủ sinh năm 1993, lớn lên tại Hà Lan và từng thử việc ở CLB Ajax. HLV của đội U23 Jordan hiện là Jamal Abu-Abed (53 tuổi) cựu tiền vệ từng chơi 5 vòng loại World Cup cho đội tuyển quốc gia, từ năm 1986 tới 2002.

Trước VCK U23 châu Á, ông Jamal Abu-Abed tự tin nói, đội U23 Jordan đã được chuẩn bị kĩ càng trong hơn 3 tháng, tập và thi đấu giao hữu tại nhiều giải đấu. Ngày 31/12/2015, đội U23 Jordan thắng U23 Bắc Triều Tiên 2-1 trong trận giao hữu thứ hai với đội này ở chuyến tập huấn tại UAE. Ở trận đầu tiên diễn ra ngày 29/12, U23 Jordan cũng thắng Bắc Triều Tiên với tỉ số 1-0. Lẽ ra sau trận đầu với Bắc Triều Tiên, U23 Jordan sẽ đá giao hữu với U23 Syria, nhưng trận này bị hủy bỏ. Ngày 6/1, U23 Jordan đá với U23 Uzbekistan để kết thúc chuyến tập huấn tại UAE. Họ tới Qatar vào ngày 10/1/2016 để sẵn sàng gặp U23 Việt Nam tại trận đầu tiên bảng D VCK U23 châu Á. Mục tiêu của U23 Jordan là giành quyền dự Olymipic 2016.

Đội bóng cũ của cựu HLV tuyển… Việt Nam

Từ năm 1986-87, đội tuyển Jordan nằm dưới quyền chỉ đạo của ông Edson Tavares, cựu HLV tuyển Việt Nam. Ông Tavares là HLV trưởng thứ 11 trong lịch sử bóng đá Jordan và là HLV ngoại thứ 6 dẫn dắt tuyển quốc gia nước này.

Bóng đá Jordan sẽ thành VIP, nếu… …

Hoàng tử Jordan Ali Bin Al-Hussein đắc cử Chủ tịch FIFA vào tháng 2/2016. Ông hiện là Chủ tịch LĐBĐ Jordan và cũng là người sáng lập ra LĐBĐ Jordan, hiện giữ chức Chủ tịch LĐBĐ Tây Á. Hoàng tử Ali sinh ngày 23/12/1975, là con thứ hai của nhà vua Hussein với bà vợ thứ ba, Hoàng hậu Alia. Ông Ali là người quyền lực.

Ông từng tranh cử vào Hội đồng điều hành đại diện cho châu Á tại FIFA vào tháng 10/2010. Khẩu hiệu tập trung vào sự thay đổi, phát triển các ý tưởng mới, đoàn kết và phát triển bóng đá châu Á của Hoàng tử Ali giúp ông chiến thắng Chung Mong-joon. Năm 2015, ông Ali tranh cử Chủ tịch FIFA với Sepp Blatter và thất bại. Tuy nhiên, sau khi ông Blatter dính nghi án đưa hối lộ (đã bị cấm tham gia vào bóng đá trong 8 năm), Hoàng tử Ali tuyên bố sẽ tranh cử chức Chủ tịch FIFA vào năm 2016.


Đỗ Hiếu
Thể thao & Văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm