Bóng đá Đồng Tháp: Vì sao “lò đào tạo” biến mất?

14/12/2008 21:30 GMT+7 | Bóng đá Việt

(TT&VH) - Khi hơn một nửa đội hình chính thức rũ áo ra đi, bóng đá Đồng Tháp mới “giật mình” với khoảng trống mà Phan Thanh Bình và các đồng đội bỏ lại…

1. Mỗi khi nhắc đến việc những vườn ươm tài năng trẻ, người ta thường nói đến các “lò” trứ danh như Sông Lam, Thể Công, Nam Định và không thể không nhắc đến Đồng Tháp. Mà cũng lạ lùng thay xứ Tháp Mười, dù quanh năm mặt đối mặt với những cơn lũ, cuộc sống vất vả theo con nước, ấy thế mà đất này rất “linh”, luôn sinh ra những “ngôi sao” bóng đá cho bóng đá Đồng Tháp và cả ĐTQG.

Người ta cần phải nói đến những cánh chim đầu đàn: Lại Hồng Vân, Trịnh Tấn Thành, Võ Thanh Hải, Lê Văn Phương, Trang Văn Thành…thế hệ đã mang về cho bóng đá vùng Tháp Mười chức VĐQG đầu tiên 1989. “Tre chưa kịp già mà “măng” đã mọc, cứ thế hệ vàng này nối tiếp thế hệ vàng khác.

7 năm sau một thế hệ nữa ra lò. Có người nói Đồng Tháp không có cầu thủ dự bị, dân mê bóng đá xứ này lại sống trong những ngày vui, năm 1996 thế hệ Công Lộc, Tấn Thành, Công Minh, Quốc Cường, Phạm Anh Tuấn một lần nữa nâng cao chiếc cúp VĐQG lần thứ 2. Tiếp sau đó sau đó là Quang Trãi, Trung Vĩnh, Duy Quang, Vĩnh Nghi, Thanh Tuấn, Minh Nghĩa… nổi đình nổi đám trong các giải trẻ và ở ĐTQG.

Thời của Phan Thanh Bình và các đồng đội như Việt Cường, Phong Hòa…tuy không giúp bóng đá Đồng Tháp cất cánh nhưng ở tầm quốc gia, họ là những hạt nhân không thể thiếu ở các giải U, tuyển Olympic và ĐTQG trong nhiều năm qua.
 
Kể từ sau thế hệ của Thanh Bình (áo vàng), bóng đá Đồng Tháo không còn sản sinh ra một lứa cầu thủ tài năng nào khác. Ảnh: Quang Nhựt

2. Và ngay cả khi thế hệ của Trãi, Vĩnh, Quang…tìm về với những nơi có tiền bạc và danh vọng thì những nhà làm bóng đá Đồng Tháp vẫn không xao động vì đã có lứa: Bình, Cường, Sửu, Hòa, Pho, Nghĩa…kế nghiệp. Kê cao gối ngủ, nhưng đấy cũng là thời điểm người ta rung lên hồi chuông báo động với chính sách đào tạo và giữ nhân tài của Đồng Tháp.

“Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Sau bao lần thương thảo, cuối cùng, Phan Thanh Bình và các đồng đội vẫn phải bỏ xứ ra đi. Lúc này họ mới thật sự “giật mình” với khoảng trống mênh mông đó. Bởi nếu nhìn lại 5-6 năm qua, “lò” Đồng Tháp gần như đã biến mất trong bản đồ bóng đá trẻ Việt Nam.

Thử nhìn lại, ở cấp độ các đội tuyển trẻ U11, U13, 15, 17, U19 và U21 được tổ chức hơn 5 năm qua,“lò” Đồng Tháp đều bị “rớt” từ “vòng gửi xe”. Nếu để “lò”Đà Nẵng, Sông Lam, Nam Định, Bình Định vượt mặt thì chẳng có gì đáng ngạc nhiên.

Nhưng những đội bóng khác từng vuốt mặt “ông kẹ” bóng đá trẻ Đồng Tháp đều là “em út” ở miền Tây Nam bộ như Cà Mau, Long An…Có thể thấy, giờ này có tìm mỏi mắt ở các đội tuyển U cũng chẳng thấy cầu thủ nào xuất thân từ “lò” Đồng Tháp.

3. Trong một lần trò chuyện về “lò” bóng đá Đồng Tháp với một HLV (xin giấu tên) có tiếng “mát tay” trong đào tạo cầu thủ trẻ của Đồng Tháp, ông đã cố nén một tiếng thở dài: “Đúng là Đồng Tháp đang lãng quên đào tạo trẻ. Có nhiều lý do nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trước đây, chúng tôi luôn làm tốt khâu đào tạo trẻ vì thứ nhất đất Đồng Tháp luôn có những cầu thủ có tố chất bẩm sinh. Chỉ phát hiện, bốc về và cộng với một khoản tiền đầu tư tập trung là có ngay một cầu thủ giỏi. Còn bây giờ, đã hiếm những em có tư chất bóng đá bẩm sinh, cộng thêm khoản đầu tư trồi sụt thì chuyện đào tạo cầu thủ trẻ bị xuống cấp cũng là việc dễ hiểu…”.

Lãng quên khâu kế cận và hệ lụy của nó với bóng đá Đồng Tháp hẳn đã rõ. Có lẽ, ngay cả khi có ông Chanvit thì bóng đá Đồng Tháp sẽ còn phải lận đận nhiều mùa bóng nữa.
 
ĐAM SAN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm