Premier League có nên lo sợ 'tiền' của người Trung Quốc?

25/01/2017 05:56 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Giải VĐQG Trung Quốc liệu có thể đe dọa vị thế hàng đầu của bóng đá Châu Âu trong nay mai?


Người Trung Quốc đã và đang phô trương sức mạnh của mình bằng việc chi tiền để lôi kéo hàng loạt những siêu sao đến với giải đấu của họ. Đất nước này muốn chứng tỏ, họ không chỉ đứng đầu thế giới về kinh tế. Trung Quốc muốn chuyển hóa thế mạnh về nền kinh tế chuyển mình trở thành một cường quốc trong thể thao, cụ thể là ở bản đồ bóng đá thế giới tương lai.

Premier League, La Liga hay Bundesliga có cần phải lo lắng?

Trung Quốc sở hữu một số SVĐ tuyệt vời và một vài thành phố đẹp. Họ thu hút các siêu sao đến đây bằng những lời đề nghị sặc mùi tiền. Hoặc là đang ở những chặng cuối sự nghiệp, hoặc đơn giản lời đề nghị đó quá khó để cưỡng lại, các ngôi sao thời điểm hiện tại vẫn đang liên tục cập bến Chinese Super League.


Tevez là cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới sau khi chấp nhận tới Trung Quốc

Nhưng, sự thật là, bóng đá là một môn thể thao tập thể, sức mạnh của một đội bóng đến từ một tập thể gắn kết và đồng đều, hơn là một tập thể sở hữu 1 vài ngôi sao.

Đó là lý do vì sao Premier League hay La Liga không cần phải lo ngại đến sự đe dọa của Trung Quốc.

Thật khó để so sánh chất lượng nội binh ở Trung Quốc với những quốc gia như Anh, Đức hay Tây Ban Nha. Quá khập khiễng. Hãy thử tưởng tượng, Messi năm 19 tuổi, với một tương lai xán lạn phía trước trả lời phỏng vấn rằng: “Đó thực sự là giấc mơ của tôi. Tôi muốn đến Trung Quốc chơi bóng”.

Hoang đường.


Gerrard và Lampard chấp nhận tới MLS trong những năm tháng cuối sự nghiệp để "dưỡng già"

Nếu là bạn, bạn có bỏ tiền và thời gian để mua kênh sóng và theo dõi các trận đấu từ Chinese Super League, vì giải đấu này có Oscar, Tevez, Teixeira hay Ramires? Bằng mọi sự tôn trọng, tôi sẽ không bỏ thời gian để theo dõi giải đấu này chỉ bởi họ có Oscar hay Pelle. Ngay cả khi Steven Gerrard và Frank Lampard hay David Villa, Pirlo chơi bóng ở MLS, cũng chẳng mấy người thực sự quan tâm đến giải đấu, ngoài những công dân Mỹ. Sức hấp dẫn của cả một giải đấu lâu đời, đâu chỉ nhờ một vài cá nhân, trong một thời gian ngắn mà có được?

Hoặc, nếu Ronaldo hay Messi chấp nhận đến Trung Quốc trong nay mai, khi vừa giành Quả Bóng Vàng, mọi người sẽ dần thay đổi lối mòn này. Hoặc, Chinese Super League có thể cho phần đông CĐV thấy rằng: “Ồ, họ không chỉ mua cầu thủ bằng tiền. Chất lượng nội binh ở đây đang thực sự đi lên, nhờ đó chất lượng giải đấu cũng đang tăng tiến. Các tài năng trẻ tại đây cũng thật thú vị. Trung Quốc đang muốn làm bóng đá nghiêm túc, từ móng!”.

Oscar chưa phải là một ngôi sao lớn ở Premier League. Oscar là “hàng thải” cao cấp của Chelsea, được nhiều ông lớn trên toàn Châu lục thèm khát. Anh chấp nhận đến Trung Quốc, vì “tình yêu bóng đá”, hay vì điều gì? Có thể có hoặc không, Diego Costa, một ngôi sao hạng nặng hơn của Chelsea sẽ tiếp bước Oscar.

Chẳng rõ nữa.

Chấp nhận đến Trung Quốc, Costa sẽ trở thành cầu thủ hưởng lương cao nhất thế giới. Nhưng thực tình điều này chẳng quá ảnh hưởng đến Chelsea. Với khoảng 90 triệu bảng có được từ tiền bán Costa, họ sẽ ngay lập tức đem về một tiền đạo nặng ký khác, thậm chí là có sức hút hơn Costa rất nhiều, bởi đơn giản Premier League là một “miền đất hứa”, hơn nhiều lần Chinese Super League.


Costa sẽ tới Trung Quốc vì "tình yêu bóng đá"???

Vì vậy, câu trả lời ở trên dường như đã có lời giải. Trung Quốc chưa phải là nơi mà bóng đá Châu Âu cần bận tâm. Những gì các CLB tại Trung Quốc đang làm ở thời điểm này gây kích động nhẹ với các CLB tại Châu Âu, nhưng chưa đủ để làm họ lo lắng. Nhận một khoản tiền kếch xù, các cầu thủ tới Trung Quốc “kiếm thêm”, và quay trở lại Châu Âu khi cảm thấy thích hợp hoặc còn đủ trẻ. Có lẽ không nhiều người chấp nhận gắn bó cuộc đời còn lại với Trung Quốc.

Bắc Kinh và Thượng Hải là những thành phố đáng để sống, nhưng Quảng Châu nếu đặt cạnh Milan, Barca, London hay Seville thì rõ ràng không ổn chút nào.

Mỹ và Australia sở hữu nhiều thành phố đẹp. Đó cũng là lý do mà các cầu thủ “xế chiều” chấp nhận dành chút thời gian cuối sự nghiệp của mình để tận hưởng bầu không khí bóng đá và cuộc sống nơi đây.

Vậy, Trung Quốc, nói cho tôi nghe, các anh có gì, ngoài tiền?

Cái gì duy trì bằng tiền thì thường không bền vững.

Hoàng Long
Lược dịch

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm