Ngoại hạng Anh: Nỗi ác mộng mang tên “du đấu”

13/07/2022 19:45 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Những chuyến du đấu trước mùa giải thường là cơ hội lý tưởng cho các CLB Premier League chuẩn bị cho mùa giải mới. Nhưng đằng sau sự hào nhoáng của những trận đấu như thế lại là cơn ác mộng với nhiều điều khó có thể nói ra.

Man City: Haaland là biểu tượng mới của Premier League?

Man City: Haaland là biểu tượng mới của Premier League?

Sức hút của Premier League nằm ở sự hiện diện của các ngôi sao từ khắp nơi trên thế giới. Không phải Cristiano Ronaldo ở MU, biểu tượng của Premier League mùa này sẽ nằm ở nửa kia thành Manchester, nơi Erling Haaland vừa trình làng đội bóng mới.

Sau hai năm các tour du đấu phải hủy bỏ vì tình hình đại dịch Covid-19, năm nay là cơ hội lý tưởng để các CLB nối lại những chuyến du đấu dài ngày ở khắp nơi từ châu Âu, châu Á đến châu Mỹ.

Những chuyến đi hành xác của các cầu thủ

Đó là cơ hội lớn để nhiều CĐV khắp thế giới có cơ hội chứng kiến những ngôi sao bằng xương bằng thịt ngay trước tầm mắt mình, thứ có thể chỉ đến một lần trong đời. Ngược lại, không ít cầu thủ cảm thấy những chuyến du đấu thế này mang đến cơn ác mộng nhiều hơn niềm vui vốn có cho giai đoạn chuẩn bị trước mùa giải. Những buổi tập và các trận giao hữu diễn ra dưới cái nắng và độ ẩm cao, kiểu khí hậu đặc trưng diễn ra ở châu Á, nơi nhiều CLB Premier League tiến hành chuyến tập huấn trước mùa giải. Cộng thêm việc nhiều cầu thủ chưa hoàn hồn với trạng thái jet lag (hội chứng rối loạn giấc ngủ sau một chuyến bay dài), không ít trong số họ còn phải thực hiện những hoạt động bên ngoài sân cỏ với tâm trạng miễn cưỡng hơn là sự phấn khích.

Một cựu giám đốc điều hành MU chia sẻ câu chuyện: “Những chuyến du đấu thế này là một sự tra tấn không hơn không kém. Các cầu thủ không có quá nhiều thời gian nghỉ ngơi. Họ phải tập luyện, ra sân, rồi sau đó quãng thời gian rảnh rỗi chừng một giờ đồng hồ lại bị lấp đi bằng cuộc gặp gỡ với các nhà tài trợ, ký tặng cho các CĐV VIP hay yêu cầu tham gia vào hoạt động thương mại cho một đối tác nào đó của CLB”.

Không nói đâu xa, chuyến du đấu của MU ở Mỹ cách đây 8 năm là một minh chứng cho cơn ác mộng của việc chuẩn bị trước mùa giải ở một châu lục xa lạ. Một cựu cầu thủ MU chia sẻ về sự mệt mỏi của chuyến du đấu với 5 trận đấu năm 2014: “Chúng tôi bắt đầu tập luyện lúc 8h30 sáng (giờ địa phương), rồi sau đó về khách sạn nghỉ ngơi chừng vài giờ đồng hồ, tập luyện sau giờ ăn trưa, rồi tiến hành thảo luận về chiến thuật và xem băng hình. Đến tối, chúng tôi quay về phòng, chuẩn bị dùng bữa tối và kết thúc bằng việc đi ngủ lúc 10 giờ tối. Hai tuần du đấu đã lặp đi lặp lại như thế ngoại trừ việc có thể thêm vào đó các hoạt động thương mại. Chúng tôi trở về Anh với những đôi chân mệt mỏi và hệ quả là MU thua ngay ở trận mở màn mùa giải 2014-15”. HLV Louis van Gaal, người dẫn dắt MU khi ấy, còn phải yêu cầu đội bóng thuê một khách sạn nhỏ gần sân tập ở Los Angeles để các cầu thủ ngủ luôn giữa các buổi tập thay vì phải di chuyển quãng đường khá xa về khách sạn Beverly Wilshere.

Chú thích ảnh
Những chuyến du đấu trước mùa giải đem đến thử thách cho các cầu thủ cả về sức lực lẫn tinh thần

Không có quyền lựa chọn nào khác

Liệu các cầu thủ hay HLV ở những đội bóng hàng đầu Premier League có quyền đưa ra thay đổi về một chuyến tập huấn ngay tại châu Âu? Không dễ chút nào, khi những chuyến du đấu ấy ngoài khía cạnh chuyên môn còn là công cụ quan trọng để các CLB kiếm tiền. Cách đây 10 năm, MU đã phải bay đến 16 giờ đồng hồ từ Cape Town (Nam Phi) sang Thượng Hải chỉ để chơi một trận đấu tại Trung Quốc với CLB Thân Hoa Thượng Hải nhằm mục đích tạo ra mối làm ăn với General Motors (GM), đối tác sau đó đã ký hợp đồng tài trợ áo đấu cho đội chủ sân Old Trafford, đồng nghĩa thương hiệu Chevrolet hiện diện trên áo đấu của các cầu thủ MU. Con số 63 triệu bảng/mùa GM đưa ra rõ ràng có sức hút hơn hẳn những gì nhà tài trợ trước đó là Aon đưa ra (chỉ 20 triệu bảng/mùa). Liverpool có thể hỉ hả khi giữ chân Mohamed Salah bằng một bản hợp đồng mới với mức lương 350.000 bảng/tuần, nhưng tiền đạo người Ai Cập cần phải hiểu rằng cái giá để có được bản hợp đồng hậu hĩnh ấy là nguồn tiền đổ về từ các nhà tài trợ lớn và họ vì thế có quyền yêu cầu đội bóng phải làm một điều gì đó phục vụ lợi ích của mình.

Trở lại với câu chuyện của những chuyến du đấu năm nay. Dễ dàng nhận ra hai xu hướng dịch chuyển của các ông lớn. MU, Liverpool, Tottenham hướng về châu Á, cho những chuyến du đấu tới các địa điểm như Thái Lan, Singapore hay Hàn Quốc. Ở một góc khác, Mỹ trở thành điểm đến của những Man City, Arsenal hay Chelsea. Bất luận du đấu ở đâu, các cầu thủ sẽ phải trải qua vòng tròn của hội chứng jet lag, luyện tập, ra sân, tham gia các hoạt động thương mại.

Diệp Hạnh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm