Bộ trưởng TTTT Nguyễn Mạnh Hùng: Quản lý, phát triển báo chí trong thời 4.0 không dễ

28/11/2018 12:31 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Xã hội càng phát triển, báo chí càng có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống của mỗi quốc gia, dân tộc. Đó vừa là niềm vinh dự lớn nhưng cũng đặt ra yêu cầu, trách nhiệm nặng nề đối với những người làm báo cũng như nhà quản lý, hoạch định chính sách phát triển báo chí.

'Hà Nội luôn cần sự đồng hành từ báo chí truyền thông'

'Hà Nội luôn cần sự đồng hành từ báo chí truyền thông'

Sáng 22/11, Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản đã tổ chức hội thảo khoa học "Vai trò của truyền thông đối với thành phố Hà Nội trong bối cảnh xã hội thông tin"

Thể hiện dòng chảy chính của xã hội

Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh tại lớp “Bồi dưỡng nâng cao kiến thức quản lý nhà nước về báo chí” mới được tổ chức, rằng: Báo chí phải thể hiện dòng chảy chính của xã hội, tạo sự đồng thuận, tạo niềm tin xã hội và tạo nên khát vọng về một Việt Nam hùng cường.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Dòng chảy chính của Việt Nam đang là tốt, Việt Nam là một trong những nước đang phát triển được không ít quốc gia ngưỡng mộ, học tập về nhiều mặt. Nếu nói cái xấu nhiều trên báo để nhân dân cảm nhận nó như dòng chảy chính thì là làm mất lòng tin của nhân dân vào đất nước, vào chế độ, vô hình chung chúng ta làm mất đi sức mạnh dân tộc mình, gián tiếp giúp cho kẻ thù mạnh lên.

Chú thích ảnh
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông bật mí, Bộ đang xây dựng Trung tâm lưu chiểu Quốc gia về truyền thông số, gồm: Báo chí, phát thanh truyền hình, xuất bản. Nhờ đó có thể phân tích, đánh giá, nhìn thấy xu thế, kể cả số liệu thống kê về bài viết tích cực, tiêu cực; có thể nhìn thấy dòng chảy chính của báo chí đang là gì; cũng sẽ biết được phóng viên nào, báo nào viết nhiều viết ít, chủ đề, chất lượng, ảnh hưởng bài viết.

Xây dựng thương hiệu báo chí

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Báo chí tạo niềm tin xã hội, thì phóng viên phải là người được tin cậy nhất trong xã hội. Nhưng theo một điều tra xã hội gần đây, họ lại nhận được niềm tin thấp trong xã hội. “Chúng ta chắc đã đến lúc phải suy nghĩ nghiêm túc, có chương trình hành động về vấn đề này, để tăng niềm tin của xã hội vào những người làm nghề báo, lấy lại thương hiệu cho những người làm báo” – người đứng đầu Bộ Thông tin và Truyền thông trăn trở.

Để làm được điều đó, người làm báo phải sống được bằng nghề. Không sống được bằng nghề thì khó làm tốt được nhiệm vụ. Bây giờ báo nhiều, thị trường quảng cáo đã nhỏ, lại đang bị mạng xã hội lấy mất đến gần 40%, nên báo chí rất khó khăn. Để người làm báo sống được, báo chí nên quy hoạch lại để tinh hơn.

Bên cạnh đó, báo chí nên có bộ phận làm thêm các dịch vụ cho doanh nghiệp, như tư vấn truyền thông, tổ chức sự kiện, đánh giá dư luận xã hội về doanh nghiệp, về sản phẩm của doanh nghiệp. Báo chí cũng phải có thu nhập ổn định để chuyên tâm làm nghề. Cơ quan báo chí cũng phải tích luỹ tài sản để đỡ cho thế hệ sau phải bươn trải. Đảng và Nhà nước cần tăng cường ngân sách để đặt hàng báo chí, vừa là định hướng vừa là giúp người làm báo có thu nhập ổn định.

Báo chí muốn sống tốt thì phải là một thương hiệu trong xã hội. Không còn thương hiệu thì sẽ mất hết, không sống được. Hội nhà báo các cấp, mỗi đơn vị báo chí, mỗi nhà báo đều phải giữ gìn thương hiệu, không để con sâu làm rầu nồi canh.

Cơ hội và thách thức

Vừa qua, công tác quản lý chưa theo kịp sự phát triển của báo chí, công nghệ báo chí, nên xảy ra một số tai nạn đáng tiếc, cũng có cả sự lạm dụng để chống phá Đảng và Nhà nước. Với tinh thần tăng cường quản lý, kỷ cương để báo chí phát triển tốt hơn, đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của đất nước, cần đổi mới cách quản lý, theo kịp sự phát triển của xã hội, công nghệ cũng như các quan điểm mới của Đảng, Nhà nước về quản lý báo chí. Các cơ quan báo chí, người làm báo cần chủ động là đơn vị, người đầu tiên đưa thông tin ra mạng; phân biệt rõ tai nạn nghề nghiệp và sự chống phá Đảng và Nhà nước để kịp thời xử lý.

Về Quy hoạch Báo chí, theo ông Hùng: Quy hoạch Báo chí đã được thông qua. Việc làm này không phải siết báo chí, mà là làm cho báo chí phát triển lành mạnh, bền vững, vì mục tiêu phụng sự Tổ quốc phát triển. “Việc quy hoạch cũng không thể làm một cách quá hành chính. Trung ương cũng đã cho chúng ta làm có lộ trình. Khi làm cũng phải xem xét đến từng báo, từng người. Định hướng đã có, từng cơ quan chủ quản, từng báo phải tự làm. Khó ở đâu thì Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ sát cánh tháo gỡ. Phải làm ráo riết từ hôm nay, vì lộ trình mấy năm sẽ qua đi rất nhanh”- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng hào hứng.

Với suy nghĩ báo chí về cơ bản là tự chủ về tài chính, mô hình quản trị doanh nghiệp là phù hợp để quản lý tài chính, Bộ trưởng cho rằng các cơ quan báo chí nên có một người trong ban lãnh đạo có tri thức và kinh nghiệm về quản trị doanh nghiệp.

Ông phân tích: Với hàng ngàn tờ báo, tạp chí, trang tin thì không một tờ báo nào có thể phủ hết cả thị trường. Mỗi tờ báo phải chọn một phân đoạn thị trường cho mình và khai thác sâu thị trường đó. Sự khác biệt của mỗi tờ báo sẽ là yếu tố quan trọng nhất để tồn tại, có chỗ đứng trong lòng độc giả.

Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng báo chí khó có thể nhanh hơn mạng xã hội. Bởi vậy, báo chí không nên chạy đua với mạng xã hội về việc đưa tin nhanh nhất mà hãy đưa tin có kiểm chứng. Mạng xã hội đang mất uy tín vì Fake News, vì vậy đang tạo ra một nhu cầu ngày càng lớn hơn về tin chính xác, tin có kiểm chứng. Và đây chính là mảnh đất của báo chí. Mạng xã hội không chỉ cạnh tranh với báo chí mà còn giúp xã hội nhìn rõ hơn giá trị của báo chí. Báo chí phải thấy rõ giá trị của mình để phát huy, thay vì bắt chước, hãy giữ giá trị cốt lõi của mình.

Nhưng báo chí cũng phải dùng công nghệ nhiều hơn. Cái mà chúng ta phải học mạng xã hội chính là công nghệ. Công nghệ mới cũng tạo ra những giá trị mới hơn cho báo và cho độc giả. Chỉ ra vai trò của công nghệ trong báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: Công nghệ sẽ giải phóng chúng ta khỏi những việc lặp lại, cho chúng ta nhiều thời gian hơn để sáng tạo. Nhưng công nghệ cũng sẽ lấy mất công việc của những người trung bình, bắt buộc mỗi chúng ta phải đào tạo lại để thích ứng.

Cùng với công nghệ, vấn đề bản quyền cũng khiến không ít đơn vị báo chí đau đầu. Ông Hùng cho biết: Tình hình hiện nay là nhiều tin của báo chí được đưa lên mạng xã hội mà không trả bản quyền, nhưng lại thu đến 40% tổng thị trường quảng cáo. Liên minh châu Âu đã bắt đầu ra các quy định để các mạng xã hội lớn phải có cơ chế trả bản quyền nếu dùng tin của báo chí. Tại Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông, cụ thể là Cục Báo chí cần phải điều chỉnh các quy định hiện hành về bản quyền báo chí.

Báo chí đang đứng trước các thách thức lớn chưa từng có, nhưng thách thức cũng chính là cơ hội, cơ hội để đổi mới chính mình. Người đứng đầu ngành ông tin và Truyền thông khẳng định: Việt Nam muốn sánh vai cường quốc năm châu, muốn hùng cường để không kẻ thù nào dám đến xâm lược, để hòa bình mãi hiện hữu thì phải khai phóng được nguồn tài nguyên vô hạn của đất nước, đó là năng lượng, trí tuệ trong não mỗi người Việt Nam. Chỉ có báo chí mới làm được, đó là tạo lên niềm tin và khát vọng dân tộc. Sứ mạng vĩ đại ấy đặt lên vai hơn 20.000 người làm báo chúng ta. Với sứ mạng thiêng liêng ấy trong tim, trong trí óc, các nhà báo sẽ nghĩ khác và làm khác.

TTXVN/PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm