02/06/2017 21:03 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 2/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ. Nội dung này đã được các đại biểu Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 2.
Bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội
Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày, đã làm rõ một số vấn đề lớn của dự án Luật.
Về phạm vi điều chỉnh, một số ý kiến đề nghị Luật này chỉ điều chỉnh đối với vũ khí, công cụ hỗ trợ, không điều chỉnh vật liệu nổ và tiền chất thuốc nổ. Một số ý kiến khác đề nghị chỉ điều chỉnh đối với vũ khí, vật liệu nổ, không điều chỉnh công cụ hỗ trợ.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Võ Trọng Việt cho biết, mặc dù vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ có tính năng, tác dụng, mục đích sử dụng và được trang bị cho các đối tượng khác nhau nhưng chúng đều là nguồn nguy hiểm cao độ có nguy cơ trực tiếp xâm hại đến tính mạng, sức khỏe con người và an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội nên cần quản lý chặt chẽ trong hoạt động nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, vận chuyển, sử dụng nhằm bảo đảm an toàn, tránh thất thoát, hạn chế việc lợi dụng, sử dụng vào hoạt động phạm tội.
Việc quản lý vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ đều dựa trên những nguyên tắc chung thống nhất, đồng thời, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật đã kế thừa quy định của Pháp lệnh quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ số 16/2011/UBTVQH12 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Riêng tiền chất thuốc nổ là một thành phần quan trọng để chế tạo vật liệu nổ, trong đó có một số hóa chất là tiền chất thuốc nổ có tính nguy hiểm cao, có thể sử dụng để chế tạo vật liệu nổ với phương pháp đơn giản, dễ dàng nên cần quản lý chặt chẽ. Trong Luật này chỉ điều chỉnh một số loại hóa chất nguy hiểm là tiền chất thuốc nổ nằm trong danh mục của Chính phủ ban hành và không xung đột với quy định trong Luật hóa chất. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh như dự thảo Luật.
Theo đó, Luật này quy định về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ; nguyên tắc, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, tiền chất thuốc nổ, công cụ hỗ trợ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ quyền con người, quyền công dân và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều ý kiến khác nhau về tiếng nổ, tiếng súng trong sinh hoạt văn hóa
Về quy định sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ, đại biểu Giàng A Chu (Yên Bái) đặt vấn đề: Trong đời sống hiện nay, đặc biệt vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào thường dùng tiếng nổ, tiếng súng trong phong tục tập quán và sinh hoạt văn hoá.
Dẫn chứng trong đám hiếu của người có uy tín hay khi gia đình có việc lớn thì người dân miền núi thường sử dụng tiếng súng để báo hiệu, đại biểu Giàng A Chu cho rằng, nếu quy định như trong dự án Luật, nhiều gia đình sẽ vi phạm pháp luật. Đại biểu đề nghị Quốc hội cần xem xét, nghiên cứu quy định việc sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ của người dân với mục đích văn hoá.
“Nếu cho phép sử dụng thì cũng phải có quy định cụ thể trong dự thảo luật. Đối tượng được sử dụng phải là công an viên, dân quân tự vệ hay là người cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ. Khi sử dụng vũ khí thô sơ, vật liệu nổ vào mục đích văn hóa cũng phải chịu trách nhiệm về nội dung, sự an toàn tuyệt đối và sau khi thực hiện xong phải báo cơ quan có thẩm quyền”, đại biểu Giàng A Chu nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hoà Bình) cho biết, đồng bào dân tộc thiểu số băn khoăn về việc sử dụng vũ khí thô sơ trong hoạt động văn hoá bị coi là vi phạm pháp luật và đề nghị Quốc hội cân nhắc thêm về vấn đề này.
Tranh luận lại các ý kiến này, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương), Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội cho biết, trong quá trình thẩm tra dự án Luật, vấn đề này được tính toán, trao đổi kỹ. Theo đại biểu Nguyễn Thanh Hồng, trên cả nước có nhiều phong tục tập quán khác nhau, có phong tục tốt đẹp cần giữ gìn và phát triển nhưng cũng có tập tục cần thay đổi để phù hợp với điều kiện hiện nay.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng dẫn chứng việc cách đây hơn 20 năm, tiếng pháo được xem dấu hiệu đón năm mới, báo hiệu sự may mắn và là truyền thống dân tộc nhưng vì yêu cầu đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, Chính phủ đã có Chỉ thị 406/TTg về việc cấm sản xuất, buôn bán và đốt pháo; đến nay Chỉ thị này đã đi vào cuộc sống. “Vì thế, đề nghị Chính phủ, Quốc hội vận động bà con chấp nhận, thực hiện quy định mới của Luật đồng thời tạo ra những hoạt động, cách thức làm việc phù hợp với phong tục tập quán của đồng bào dân tộc”, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng nhấn mạnh.
Giao Bộ Quốc phòng, Bộ Công an nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí
Tại phiên thảo luận, quy định về nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí (điều 17) được nhiều đại biểu quan tâm và cho ý kiến. Theo đó, dự án Luật đưa ra 2 phương án: Phương án 1 quy định các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí. Phương án 2 quy định các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí. Việc nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí tại các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) tán thành với phương án 2 của dự án Luật. Theo đại biểu Vũ Xuân Hùng, thực tiễn hiện nay chưa có doanh nghiệp ngoài quân đội nghiên cứu chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa, xuất nhập khẩu vũ khí bởi đây là mặt hàng có tính đặc thù cao. Việc quản lý, sản xuất, kinh doanh vũ khí rất quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến nhiệm vụ quốc phòng, quân sự và an ninh quốc gia.
Do vậy, phạm vi sản xuất kinh doanh càng hẹp thì càng dễ kiểm soát và tính bảo mật càng cao. Bên cạnh đó, việc sản xuất, sửa chữa cần đầu tư nguồn lực rất lớn; công nghệ, thiết bị sản xuất phức tạp. “Các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng đang nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh như hiện nay khá hiệu quả.
Như vậy, Nhà nước sẽ tập trung được nguồn lực, tránh đầu tư dàn trải, hạn chế lãng phí trong đầu tư công, vừa tận dụng được cơ sở vật chất hiện có và phát huy công suất tối đa cho các tổ chức, doanh nghiệp quốc phòng đồng thời bảo đảm thuận lợi cho quản lý đầu ra, đầu vào của các cơ sở sản xuất kinh doanh để bảo đảm yếu tố bí mật quân sự và an ninh quốc gia”, đại biểu Vũ Xuân Hùng phân tích.
Đại biểu Vũ Xuân Hùng cũng đồng tình với việc các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất một số loại vũ khí có tính đặc thù, phù hợp với tính chất hoạt động của lực lượng công an, phù hợp với nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn xã hội. “Tuy nhiên, khi Chính phủ quy định việc sản xuất vũ khí của các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Công an cần quy định cụ thể điều kiện của các doanh nghiệp được phép sản xuất vũ khí để tương đồng với các điều kiện được quy định cụ thể đối với các doanh nghiệp quốc phòng”, đại biểu Vũ Xuân Hùng cho biết.
Trong khi đó, đại biểu Lê Tấn Tới (Bạc Liêu) lại lựa chọn phương án 1 là giao cho các tổ chức, doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an được nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, kinh doanh, sửa chữa vũ khí. Theo đại biểu Lê Tấn Tới, quy định như vậy sẽ phù hợp với Điều 68 Hiến pháp năm 2013 về xây dựng công nghiệp quốc phòng, an ninh; đúng theo tinh thần Nghị quyết của Đảng và sự quản lý của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã xác định nhiệm vụ đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng an ninh theo hướng lưỡng dụng, tăng cường nguồn lực, tạo điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện đại cho lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân. Quy định này cũng phù hợp với tính đặc thù trong công tác của lực lượng Công an nhân dân, đó là hoạt động bí mật cần có những loại vũ khí, vật liệu nổ chuyên dùng.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) cho rằng, quy định theo phương án 1 đảm bảo tính khả thi và điều kiện thực tế đồng thời đáp ứng yêu cầu quản lý chặt chẽ của Nhà nước với vũ khí. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, dự án Luật chưa làm rõ việc xuất nhập khẩu vũ khí phục vụ quốc phòng, an ninh quốc gia và xuất nhập khẩu vũ khí thông thường trong tập luyện, thi đấu, thể dục thể thao; việc mua sắm vũ khí trang bị quốc phòng quốc gia thực hiện như thế nào; doanh nghiệp nào được thực hiện, cấp nào quyết định; mua sắm có tuân thủ Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu tư công hay không? Đại biểu đề nghị dự án Luật cần bổ sung chặt chẽ các quy định về vấn đề này.
Phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra sẽ chỉnh lý theo hướng giao tổ chức chịu trách nhiệm thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thực hiện theo quy định của Chính phủ đồng thời có tính đến việc các doanh nghiệp dân sự tham gia khi có đủ điều kiện nhưng không được tham gia hoạt động kinh doanh xuất nhập khẩu vũ khí.
Theo TTXVN
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất