28/02/2011 11:34 GMT+7 | Hành tinh bóng đá
(TT&VH) - Câu ngạn ngữ nổi tiếng: “Chỉ với một chữ nếu, người ta có thể bỏ Paris vào cái chai” càng có giá trị trong những ngày này. Giữa tuần qua, Inter Milan thua Bayern Munich 0-1 với bàn duy nhất của Mario Gomez, người mà họ cứ ngỡ là sẽ không thể góp mặt vì chấn thương. Barcelona mất tiếp tài năng trẻ Jon Toral của lò La Masia về tay Arsenal. Những điều ấy lẽ ra đã không có gì ầm ĩ nếu như… không có chữ nếu.
Chỉ với vài trăm nghìn euro gọi là phí đào tạo, Arsenal đã lôi kéo được Cesc Fabregas về với mình và nhờ đó, họ đang có trong tay một tiền vệ tài hoa. Sau vụ Fabregas, Barca nào đã biết rút kinh nghiệm. Trước khi mất Jon Toral, họ cũng đã mất Fran Merida về tay đội bóng London. Trong trường hợp này, Barca như một cô gái nhẹ dạ trong chốn tình trường, đã bị trai dụ một lần, lại cả tin bị dụ thêm…vài lần nữa. Sau khi bị dụ, cô gái chỉ biết chửi tên Sở khanh đê tiện. Barca cũng chửi, Chủ tịch Sandro Rosell nói: Arsenal là cái phường vô đạo đức!
![]() Ảnh Getty |
Chuyện đã không có gì nếu Barca không cố chèo kéo cho bằng được Fabregas của Arsenal. Rõ ràng họ không dùng cầu thủ này (nếu dùng thì họ đâu có để anh ra đi ở tuổi teen), để rồi thấy anh thành danh trong màu áo khác rồi sinh ganh tỵ. Gần như cả đội hình Barca, HLV Pep Guardiola và mấy vị trong Ban lãnh đạo đều ít nhất một lần lên tiếng kêu gọi Fabregas “lá rụng về cội”. Cũng chính họ từng chửi Real Madrid là phi đạo đức trong vụ mua Cristiano Ronaldo, rồi cũng chính họ tự vả vào mặt mình với việc lôi kéo cầu thủ của người khác. Barca đá hay bao nhiêu không biết, chứ vụ này họ đã lộ mặt ngụy quân tử thấy rõ.
Phía Barca bảo: Fabregas là cầu thủ do họ đào tạo, họ có quyền lôi kéo anh trở về. Nói vậy…ai nói chả được. Một năm học viện La Masia thu nhận bao nhiêu môn đồ, họ đâu có thể dùng hết chừng ấy con người. Và chuyện cầu thủ được đào tạo ở CLB này nhưng không chiếm được vị trí và phải tha hương qua nơi khác kiếm sống là chuyện bình thường. Barca giống như bà…mẹ ghẻ trong truyện cổ tích, không nhận con nhưng thấy nó thành công thì muốn kéo về bên mình.
Real Madrid cũng từng rơi vào tình huống còn éo le hơn. Họ mua tài năng tuổi teen Samuel Eto’o, để rồi không dùng được phải mang cho Mallorca mượn và sau đó bán cho Barcelona. Đâu ngờ Eto’o là “hàng xịn”, sau này quay về ghi cả chục bàn vào lưới đội bóng áo trắng. Như Barca thôi, họ đâu có biết tương lai ra sao. Nếu Barca biết Fabergas thành ngôi sao, họ đã chả bán. Nếu Real biết Eto’o sau này giỏi vậy, họ cũng đâu để anh ra đi. Người ta hay khỏa lấp cho sự tiếc nuối (và bất lực, chán chường) bằng chữ nếu như vậy. Ví dụ: nếu anh biết sau này em giàu vậy, anh cưới quách cho rồi!
Tương tự thế, nếu Inter mà biết anh Mario Gomez đá, họ đã sắp một chiến thuật hợp lý hơn để ngăn chặn anh. Nếu M.U biết Marseille chơi dựng xe bus kiểu đó, họ đã tung vào sân một lúc…4 tiền đạo. Nếu Việt Nam biết tụi Đông Nam Á chơi “hèn” tung cầu thủ ngoại, họ đã kêu Kesley Huỳnh, Đinh Hoàng La, Đinh Hoàng Max, Rogerio Nguyễn vô làm thành cái đội Liên hiệp quốc Việt ngữ vô địch Đông Nam Á cho rồi.
Nếu, nếu và nếu. Cái từ này hay ho thiệt. Vì khi nói chữ nếu, nghĩa là người ta đã không thể đảo ngược quá khứ. Tui mới lẫn thẩn: nếu mà nhà nước tăng giá xăng sớm hơn một chút, chắc chị vợ mê bài và mê trai kia đã chẳng đốt chồng mình (xăng tăng hơn 10% mà, cũng tiếc của chứ) và ông già mê đá gà kia đã chẳng mua xăng vì đốt vợ con chỉ vì vợ lấy con gà đi mua sữa cho con.
TUI THẤY Nếu Barca đăng ký bản quyền tiqui-taca Thời đại này, đi đâu cũng nghe nhắc đến hai chữ "bản quyền". Không hiểu bóng đá sẽ như thế nào nếu có luật bản quyền liên quan đến chuyên môn. Anh David Beckham điển trai sẽ kiện anh David Bentley vì "ăn cắp" quả tạt bóng. Ai muốn thực hiện quả ném biên xa đến 40m cũng phải trả tiền cho anh Rory Delap của Stoke City. Barca có lẽ sẽ không thua Arsenal ở Emirates nếu họ đăng ký bản quyền lối chơi do mình nghĩ ra và thực hiện đầu tiên, mang tên tiqui-taca. Lối chơi của Arsenal rõ ràng có nét giống Barca. Nhiều cầu thủ của Arsenal cũng thừa nhận điều này. Hơi giống cũng là... vi phạm bản quyền rồi.
TUI NGHE "Gà cùng một mẹ" còn không giống nhau Lượt đi vòng 1/8 Champions League vừa qua, Chelsea thắng dễ dàng Copenhagen 2-0 ở sân khách. Có lẽ 100 người thì có đến 99 người như tui đều tin chắc rằng Chelsea đã giành vé vào vòng tứ kết. Nhưng HLV Ancelotti của họ thì không. Trong cuộc họp báo, ông nói nửa đùa nửa thật: "Trước đây, Milan của tui từng dẫn trước 3-0 mà còn không ăn thua chứ đừng nói 2-0". Trận đấu mà Ancelotti nhắc đến là trận chung kết Champions League năm 2005. Milan dẫn Liverpool 3-0 trong hiệp nhưng sau đó bị gỡ 3-3 trong hiệp 2, kết thúc bằng thất bại trên chấm 11m.
Ancelotti và Leonardo là cựu cầu thủ, cựu HLV của Milan. Nhưng họ vẫn khác nhau quá trời. Mà thực ra, trên đời này làm gì có chuyện giống nhau hoàn toàn. Bởi vậy, tui thấy rất bình thường khi vị lãnh đạo của VFF kết luận "Chuyên nghiệp ở Việt Nam khác với các nước khác" để giải thích về chuyện ở bóng đá Việt Nam tồn tại tình trạng "một ông chủ, hai đội bóng" (Tui thấy "một đội bóng, hai ông chủ" như Liverpool trước đây còn đáng lo hơn). Nói thế thì không thể sai được. Nhưng tôi nghĩ, cần phải sửa đổi câu ấy thành "Chuyên nghiệp ở Việt Nam còn lâu mới được... chuyên nghiệp". Mình đi sau, xuất phát điểm thấp, kém hơn các nước khác thì quá rõ, ai mà chẳng nhìn thấy. Nhìn thẳng vào sự thật để mà còn thay đổi, phấn đấu, nỗ lực. Chứ nói là "khác" thì vô cùng quá. |
BLV Đình 8
* Chuyên mục "Blog bóng đá" mang tính trào phúng, do BLV Đình 8 thực hiện, xuất hiện vào thứ Hai hàng tuần.Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất