Bình Minh: Tôi được như hôm nay là nhờ nghề người mẫu (Bài Kết)

24/11/2010 07:51 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH Cuối tuần) - Bình Minh không thuộc lứa người mẫu nam đầu tiên của Việt Nam nhưng xuất hiện và trưởng thành vào đúng thời kỳ huy hoàng nhất của giới này. Với chiều cao, thân hình và cả gương mặt “không chê vào đâu được”, đến giờ, nếu nhắc đến giới người mẫu nam, không ai qua được Bình Minh.

Một thời kỳ, hình ảnh Bình Minh tràn ngập các tạp chí, thậm chí có năm, tất cả các nhà áo cưới đều mời anh làm mẫu khiến cho cả một cuốn cẩm nang cưới toàn hình Bình Minh. Đến nay, khi mới ở tuổi 30, tuy chưa giải nghệ nhưng Bình Minh rất hiếm khi xuất hiện trên catwalk, người ta thấy anh ở nhiều sân chơi khác, từ phim ảnh, kịch nói đến dẫn chương trình, tuy nhiên, so với các đồng nghiệp cùng thời hiện đã giải nghệ, tuổi nghề của Bình Minh khá dài.

* Điều gì đưa anh đến với nghề người mẫu từ khi ở Việt Nam, nó còn chưa là một nghề?

- Tôi tham gia sinh hoạt ở CLB người mẫu của cung Văn hóa Việt Tiệp (Hải Phòng) khi còn đang học trong trường ĐH Hàng Hải, năm 2002, chỉ đơn giản vì tôi thích được lên sân khấu, thích ánh đèn.

* Nhưng vào lúc đó, ở Hải Phòng, catwalk chỉ nằm trong các quán bar, vũ trường và hoạt động biểu diễn thời trang thực chất chỉ là một trong những chương trình giải trí cho khách ở đó tiêu khiển…

- Chị nói đúng nhưng tôi vẫn say mê, đó là những viên gạch đầu tiên tôi đặt cho cuộc đời người mẫu của mình. Lúc đó, tôi đi diễn ở hầu hết các quán bar, vũ trường lớn ở Hải Phòng với mức cát – sê 100.000 đồng/ suất diễn vào cuối tuần, còn nếu diễn ngày giữa tuần chỉ 70.000 đồng. Mà một tuần tối đa cũng chỉ có 2 show thôi. Số tiền đó chỉ đủ để tôi đi ăn tối lúc làm việc xong và ăn sáng vào hôm sau để đi học, nhưng tôi vẫn vui lắm. Cứ được diễn, được lên sân khấu là tôi vui. Có khi tôi còn đi diễn không cát-sê ở các hội chợ nữa đấy. Diễn ở hội chợ thích lắm vì rất đông người xem và ban ngày có khi được diễn tới 3 ca, tối cũng 2-3 ca nữa. Lúc đấy làm chẳng vì tiền, chỉ đơn giản vì thấy vui, thấy sướng thôi. Tôi còn nhớ lần đầu tiên được đi diễn xa, lên Hà Nội để diễn ở vũ trường New Century, bầu sô thuê một chiếc xe 12 chỗ chở cả hội, diễn xong về luôn trong đêm và lĩnh được số tiền lớn đầu tiên: 150.000 đồng thì mừng rơn. Mức lương cao nhất mà tôi nhận được ở thời kỳ đó là 300.000 đồng, tôi không tin vào mắt mình khi nhìn thấy số tiền đó.

* Giải Siêu mẫu ấn tượng trong cuộc thi Siêu mẫu 2002 là bước ngoặt lớn của anh?

- Tôi nghĩ 2002 là năm mà cánh cửa mở rộng cho tất cả người mẫu nam chứ không với riêng tôi. Năm đó cùng thi với tôi là Khánh Trình, Thanh Phương, Quang Trí… những người mẫu nam đẹp nhất. Cuối năm đó, tôi tiếp tục đi thi Manhunt ở Thượng Hải rồi quyết định chuyển vào TP.HCM sống và làm việc. Tôi có nhiều cơ hội vì đó cũng là lúc hưng thịnh của ngành thời trang Việt Nam. Hầu như tuần nào tôi cũng có show, mà là diễn trên catwalk đúng nghĩa cho những người thật sự quan tâm đến thời trang chứ không phải ở quán bar, vũ trường. Thị trường giải trí lúc đó cũng rất cần người mẫu nam, tôi vừa làm mẫu, vừa đóng video clip ca nhạc. Hợp đồng quảng cáo đầu tiên tôi có là diễn chung với Hồ Ngọc Hà trong clip quảng cáo cho một nhãn hiệu xi-măng, trị giá 3.000 USD, một số tiền quá lớn, như một giấc mơ trong hoàn cảnh tôi mới chân ướt chân ráo tại vùng đất mới, ở nhà trọ 700.000 đồng/tháng, ăn cơm bụi 10.000 đồng/suất và dành dụm mãi mới mua được chiếc Wave Tàu. Trung bình mỗi show diễn tôi được 300.000 đồng nhưng vào mùa mưa thì… đói.

* Anh có bị áp lực của hào quang không trong khi vì áp lực ấy mà giới người mẫu không ít người đã đánh đổi?

- Tôi từng nhận được nhiều lời đề nghị đánh đổi từ cả đàn ông lẫn đàn bà, họ nói rằng muốn tài trợ cho tôi từ quần áo, xe pháo đến nhà cửa. Vào lúc mà cái xe cũng chẳng có để đi thì lời đề nghị đó dễ khiến người ta xao lòng. Tôi cũng là con người, tuổi còn trẻ, lại ít kinh nghiệm, vốn sống nên cũng không thể tránh được, tôi đã suy nghĩ, đã so sánh nhưng điều khiến tôi dừng lại chính là môi trường giáo dục của gia đình tôi. Tôi không sợ khổ, ở Sài Gòn, cuộc sống của tôi trong mắt người khác là khổ nhưng với tôi thì sự khổ ấy chẳng là gì so với hồi tôi còn ở Lạng Sơn, đi làm lơ xe với bố tôi.

* Cuộc sống anh đang có với nhà ở khu sang trọng, xe hơi Audi chắc không phải từ nghề người mẫu…

- Nghề người mẫu không mang lại cho tôi những thứ đó mà từ đóng phim, đóng kịch, làm MC và kinh doanh, nhưng tôi có cơ hội đến với những nghề kiếm ra tiền là vì tôi từng là người mẫu. Tôi được như ngày hôm nay là nhờ nghề người mẫu, tôi mang ơn nó.

* Anh đã ngồi ghế giám khảo trong cuộc thi Siêu mẫu diễn ra mới đây, anh nhận xét gì về các mẫu nam trong cuộc thi đó?

- Họ đẹp nhưng ít ai có cá tính. Trong cả làng người mẫu nam cũng không có ai xuất sắc nổi bật lên dù có nhiều người rất đẹp. Họ sẽ có cơ hội đứng vững trong nghề nếu biết làm nổi bật cá tính. Tôi nghĩ rằng nghề người mẫu nam ở Việt Nam đang chững lại, show diễn quá ít, không có những “cơn sốt” người mẫu như trước đây. Nhưng tôi nghĩ rằng nghề người mẫu sẽ vẫn phát triển vì thời trang ngày càng trở nên quan trọng trong đời sống hiện đại.

Giống như mẫu nữ, mẫu nam muốn có nhiều show với mức cát-sê cao thì phải có danh hiệu tại các cuộc thi. Tuy nhiên, ở ta hiện chỉ có duy nhất một cuộc thi sắc đẹp dành cho nam, đó là Siêu mẫu. Những người được chọn đi thi sắc đẹp quốc tế (Manhunt và Mister International) cũng chỉ được chọn sau khi đã có danh hiệu tại Siêu mẫu. Trước đây, Việt Nam cũng tổ chức thi Manhunt nhưng chỉ duy nhất một lần vào năm 2006, người đoạt giải là Tiến Đoàn.


D.V.A (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm