BÌNH LUẬN: World Cup, Nhật và Hàn, 20 năm sau

05/12/2022 20:16 GMT+7 | World Cup 2022

Sau trận thắng "kỳ lạ" trước Tây Ban Nha ở World Cup 2002, tờ Dong-ah Ilbo gọi đó là một 'cuộc vật lộn dai dẳng, đẫm máu kiểu Hàn Quốc', và mô tả rằng 'các cầu thủ Hàn Quốc gần như đã chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giành chiến thắng'.


Toàn thể 47 triệu người Hàn Quốc thành tâm cầu nguyện cho chiến thắng, và nữ thần chiến thắng đã không quay lưng lại với ước nguyện của người Hàn Quốc".

World Cup 2002: Gồng lên vì kỳ tích

Những từ ngữ thế này đủ để bạn hiểu rằng nó tạo ra chấn động mạnh mẽ thế nào với người Hàn Quốc. Việc vào đến bán kết, với người Hàn Quốc năm ấy, là một kỳ tích lớn đến độ họ so sánh nó với những chiến công dân tộc lớn trong lịch sử, bất chấp những dư luận tồi tệ xung quanh kỳ tích ấy. Lượt cuối vòng bảng, đối thủ Bồ Đào Nha của họ bị đuổi hai người, sau khi một quan chức bóng đá Hàn Quốc được cho là đã gặp riêng trọng tài trước trận. Trận gặp Ý và TBN, một loạt các quyết định sai lầm của các trọng tài cũng giúp Hàn Quốc hưởng lợi.

Kỳ tích lọt vào bán kết của Hàn Quốc năm ấy đã tạo ra những thay đổi mạnh mẽ: Bộ Văn hóa và Du lịch Hàn Quốc đề xuất thành lập ngay các giải chuyên nghiệp quy mô nhỏ hơn ở những thành phố như Seoul, Daegu, Incheon, Gwangju và Deogwipo. Liên đoàn bóng đá Hàn Quốc đã lên kế hoạch tiến hành các trận giao hữu quốc tế thường xuyên hơn với Trung Quốc, Nhật Bản và thậm chí là… Bắc Triều Tiên, để thúc đẩy trình độ của ĐTQG.

Nhật Bản, đội đồng chủ nhà vào đến vòng 1/8 năm ấy, cũng bắt đầu nói về sự trỗi dậy của giải quốc nội. Thực tế là sau 20 năm, J-League đã trở thành giải đấu hấp dẫn nhất châu Á. Sau World Cup 2002, các ngôi sao Hàn Quốc và Nhật Bản cũng đổ xô sang châu Âu, khi thương hiệu quốc gia của họ tăng lên nhiều lần.

Những chiến thắng bất ngờ ở World Cup ấy không chỉ có ý nghĩa thể thao. Nó tự dưng làm cho người Hàn Quốc và Nhật Bản nghĩ rằng họ cần phải làm gì đó để đi xa hơn. Rằng họ có thể phát triển mạnh mẽ hơn những gì đang có.

Nhưng nó cũng cho thấy tâm lý của "cửa dưới": Cả hai đều hiểu rằng những gì họ làm được chỉ là kỳ tích trong một phút giây gồng mình, chứ không chứa đựng nội lực của hai nền bóng đá. Người châu Á chưa thể coi tấm huy chương mà họ giành được như là một kết quả tất yếu của thực lực.

World Cup

Vị thế của Hàn Quốc và Nhật Bản ở World Cup 2022 đã khác nhiều so với 20 năm trước

 World Cup 2022: Thay đổi vị thế

Ấn tượng này giống như lối chơi của một huyền thoại bóng đá Hàn Quốc: Park Ji Sung. Tiền vệ này được báo chí Anh đặt cho nickname Park "ba lá phổi", vì khả năng di chuyển không biết mệt mỏi của anh. Park luôn là người chơi "nhiệt" nhất trên sân, không ngại tranh chấp, dù thua thiệt về thể hình. Cần cù bù thất thế.

Lối chơi của Park, dựa trên sự cố gắng vượt ngưỡng, không hề giống như những gì Son Heung Min đang làm. Tiền đạo của Tottenham Hotspur chơi bóng như một ngôi sao châu Âu thực thụ: Anh không cần lúc nào cũng phải đá với 120% khả năng như Park. Son có thể chất, kỹ thuật hàng đầu ở giải ngoại hạng. Anh không cần phải gồng mình.

Cách Son chơi bóng cũng là cách mà Nhật Bản và Hàn Quốc tạo ấn tượng ở World Cup lần này: Họ thắng không phải bằng cách giải quyết tình huống tốt hơn đối thủ, mà thực sự nhờ lối chơi sòng phẳng, không hề kém cạnh cả về thể lực, thể hình, kỹ thuật hay chiến thuật. Nhật Bản đánh bại hai ông lớn Đức và Tây Ban Nha thuyết phục đến nỗi rất ít tờ báo chọn từ "kỳ tích" để mô tả hai chiến thắng. Hàn Quốc hạ Bồ Đào Nha với một lối chơi chủ động và tranh chấp quyết liệt đến mức làm đối thủ phải "ngộp thở". Đây là những bất ngờ, nhưng không phải là không tưởng.

Sau 20 năm, bản chất của những chiến thắng đã thay đổi. Cả Nhật Bản và Hàn Quốc giờ đây đều là những nền bóng đá mạnh từ gốc rễ, với các giải VĐQG hấp dẫn, các ngôi sao thi đấu tràn ngập ở châu Âu, và hai ĐTQG có thể chơi ngang ngửa với bất kỳ đội tuyển giàu truyền thống nào trên thế giới. Giờ đây, chuyện "thích ứng" ở châu Âu không còn là vấn đề với các cầu thủ Nhật Bản hay Hàn Quốc, cũng như các chiến thắng ở World Cup của họ: Chúng không còn là đề tài của sự cố gắng vượt ngưỡng nữa.

Bởi vị thế của hai nền bóng đá này đã lên một tầm mới. Hai thập kỷ đủ để biến các kỳ tích dân tộc thành một bất ngờ thể thao đơn thuần. Họ có quyền tự hào, vì không dễ dàng gì để tiến bộ một cách thực chất như thế, điều chúng ta có thể nhận ra, chỉ bằng mắt thường, khi nhìn các cầu thủ của hai nền bóng đá này thi đấu. Xóa bỏ đi ấn tượng về sự thua kém trình độ là thứ mà họ đã làm được, và có giá trị thậm chí hơn cả những chiến thắng.


Phạm An

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm