Biến tấu World Cup: Hoang đảo

21/06/2014 19:28 GMT+7 | Bảng D

(Thethaovanhoa.vn) - Không còn hi vọng nữa, có thể nói như vậy về Tam Sư, khi họ thất thủ 1-2 trước Uruguay, trong một trận cầu mà những gương mặt buồn nản của các tuyển thủ Anh là dấu ấn cuối cùng còn đọng lại.

1. Xứ Brazil hoá ra lại là đất dữ cho những chàng trai trẻ của Hodgson, và nó còn mang lại cả ác mộng cho một ngôi sao lớn nhất của thế hệ vàng nước Anh: Steven Gerrard. Có lẽ, trận thua này chính là dấu chấm hết đối với anh, khi anh thổ lộ với báo chí rằng có thể anh sẽ giã từ sự nghiệp tuyển thủ quốc gia.

Hẳn sẽ có nhiều người trách cứ, thậm chí là mỉa mai; cay nghiệt, với Steven Gerrard khi sai lầm của chính anh đã dẫn đến bàn mở tỷ số của Suarez. Chắc chắn, người ta cũng sẽ liên hệ đến cú trượt ngã tiêu tan cả mong đợi kéo dài 24 năm của Liverpool ở cuối mùa bóng vừa rồi, trong trận then chốt nhất với Chelsea. Họ sẽ cho rằng đó là dấu hiệu của tuổi tác, của xuống phong độ, của mất tinh thần, của kém bản lĩnh và đồng thời cũng là minh chứng cho điểm dừng cuối cùng của Gerrard. Thực sự, những sai lầm của anh đáng tiếc lắm lắm. Và nếu là một cầu thủ chuyên nghiệp, chẳng ai muốn mình rơi vào những sai lầm tệ hại như thế. Nhưng thử hỏi, đời con người có ai không mắc sai lầm. Chỉ có sai lầm rơi đúng vào thời điểm nào mà thôi bởi chính thời điểm sẽ quyết định tính chất nghiêm trọng của sai lầm ấy.

2. Song bóng đá vẫn là một môn chơi tập thể mà. Bóng đá phải đâu là cuộc đấu một người như cách người ta ví von các trận cầu ở vùng đất giữa rừng Amazon như thể “cuộc đụng độ giữa rừng” của Muhamad Ali ngày nào. Giả sử Gerrard không mắc sai lầm đó đi nữa, tuyển Anh liệu có thể thắng được Uruguay hay không? Và giả sử Gerrard không mắc sai lầm thì có ai dám chắc, không có một tuyển thủ Anh khác mắc sai lầm tương tự và dẫn đến kết cục tương tự?

Bởi thế, trách Gerrard phải chăng là một hành vi chủ quan và ác nghiệt?

World Cup mở màn bằng sai lầm của Marcelo, một ngôi sao của dải ngân hà Real Madrid, và tiếp tục bằng những sai lầm của Vertonghen, của Alonso, toàn những ngôi sao đương thời cả. Trong những sai lầm ấy của họ, có cái phải trả giá đắt, như của Alonso, và có cái lại nhận được sự cứu chuộc từ chính đồng đội của kẻ dính sai lầm. Điều quan trọng nhất nằm ở chỗ đó. Ai là người cứu chuộc sai lầm cho Gerrard đây?

Rooney có bàn thắng đầu tiên trong đời cầu thủ ở một World Cup, nhưng chừng đó có đủ bù đắp lại hay không? Và ở cả hai tình huống Suarez ghi bàn, liệu Cahill có phải là người vô trách? Vậy thì tại sao lại bắt Gerrard phải gồng gánh tất cả, như một trừng phạt kiểu gánh thập tự oằn vai, cho một thất bại chung của cả một tập thể thực chất không được đánh giá cao từ đầu giải?

3. Người Anh có câu ngạn ngữ rất hay “Không có ai là một hoang đảo cả” với hàm ý con người ta không thể làm gì đơn độc hết mà phải nhờ vào sự tương hỗ của nhiều người. Gerrard cũng không phải là một hoang đảo trơ trọi để mọi tuyệt vọng của tam sư phải trút về đó. Anh chỉ là một mắt xích thôi, trong cả một tổng thể bất lực và chưa tới tầm.

Tại sao không dành cho Gerrard sự cảm thông, vì tất cả những gì trọn đời anh đã cống hiến? Tại sao không dành cho anh sự an ủi, giống như cái cách Suarez đã ôm anh ở cuối trận đấu, đã chia sẻ với anh bằng trọn tấm lòng?

Hoá ra, chỉ những người thực sự là đồng đội với nhau mới hiểu rằng họ không thể rời bỏ nhau như hoang đảo…

Nhạc sĩ Hà Quang Minh
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm