Biến tấu cùng EURO: Hát cho người đã xa, hát cho người ở lại

29/06/2012 15:19 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - 1. Ronaldo không khóc, nhưng trong đôi mắt là sự tiếc nuối và bất lực mênh mang. Tự nhiên thấy tội nghiệp. Nhìn anh lúc đó như một đứa trẻ, bố đã hứa, nếu được điểm phẩy toán trên 9 sẽ mua cho chiếc xe đạp mới.

Nhưng rồi cố mãi mà chưa đạt, lần giơ tay phát biểu cuối năm cô giáo lại không gọi, thế là đứa trẻ mếu máo nhìn chiếc xe đạp trở thành một giấc mơ xa vời… Nó muốn khóc, nhưng khóc vì lẽ gì? Vì mình đã không thể được điểm cao, vì đề bài quá khó hay khả năng của mình chưa tới, vì cô giáo không nhìn thấy dù cánh tay em giơ lên rất cao…hay vì chiếc xe mơ ước tưởng đã ở ngay trước mắt thoắt cái lại thành của thằng bạn hàng xóm?

Tôi vốn không ưa Ronaldo. Tôi ghét đàn ông mà kiểu cách và quá chú ý đến hình thức cũng như phô phang hết ra bên ngoài. Kiểu cách và điệu, nó mang tên đàn bà. Nhìn hình thức thì Ronaldo khá ư là nam tính, cho nên chả cần phải điệu đến thế. Mà khi người ta cố làm điệu (cho dù là đàn bà hay đàn ông) thường ít được thiện cảm. Nhưng không ưa là một chuyện, còn tài năng của Rô điệu thì không thể phủ nhận và hiển nhiên là mỗi tài năng đều đi cùng một cá tính nhất định, cái tôi cá nhân sẽ càng đặc biệt hơn. Nên đôi khi, tặc lưỡi, điệu cũng là một cá tính.

BĐN phải chia tay EURO từ vòng bán kết - Ảnh Getty                        

Nhưng cái điệu ấy đã nhiều lần “làm hại chủ nhân,” nó khiến anh vì điệu mà xao lãng những thứ quan trọng hơn. Cái điệu đó ngược cán đao, tạo áp lực và hạn chế tài năng của CR7, bởi lúc cần phải dồn mọi tinh thần, thể lực cho một pha bóng chẳng hạn, thì anh chàng đỏm dáng này lại sực nhớ là nhiều người đang nhìn mình, mình là “sao,” thế là phải làm đỏm một chút. Tích tắc đó làm thay đổi tất cả, mà Ronaldo lại đã có quá nhiều cái tích tắc như thế trong mỗi trận đấu. Nhìn vẻ ngơ ngác-cũng vẫn hơi điệu của của CR7, khi Cesc Fabregas đóng chiếc đinh cuối cùng cho con tàu tiễn Bồ về nước, chợt vừa thương vừa giận. Đứa trẻ trong anh đã chậm lớn, hay sẽ không bao giờ lớn?

2. Buồn ngủ. Chuyền ban và ban chuyền. Đó là tất cả những gì người Tây Ban Nha làm. Có lẽ, người di chuyển lanh lẹ nhất, trông có vẻ hoạt náo nhất và có những khoảnh khắc về tốc độ nhanh nhất, là… Casillas trong “ranh giới” của anh.

Không có một trung phong đích thực, các tiền vệ rất giỏi cầm bóng của Tây Ban Nha diễn một bài “kinh điển ức chế” là không lên được bóng, thì đá ngược lại về sân nhà. Rồi một tiền vệ sáng tạo lại ban chuyền lên phía trên, đan đi đan lại, sút không khả thi, lại đá ngược về.  Không có bóng dáng của một đàn bò tót ngênh ngang, hùng dũng sẵn sàng húc tung những rào chắn với một cách mạnh mẽ mà vẫn rất uyển chuyển theo nhịp tung khăn của các matadores. Cũng không có bóng dáng tự tin, khéo léo mà lịch lãm của các matadores. Và không có “Khúc hát người đấu bò” ào ào những thanh âm tráng ca và nhịp điệu rộn ràng thôi thúc người ta tiến lên…

Hôm qua, tôi từng ước, không cần có trận bán kết 1, vì trận đấu đó sẽ rất chán, rất buồn ngủ, cái cách họ đi đến trận bán kết này và gặp nhau khiến tôi cảm thấy ai trong số họ vào chung kết cũng không đáng. Trong khi ở cặp đấu bán kết còn lại, giá là chung kết, thì thỏa đáng hơn, vì họ- Đức và Ý, xứng đáng ở vị trí 1 và 2 châu Âu thời điểm này.

Đó là ước viển vông, họ đã song tấu “Khúc hát người đấu bò,” một nghệ sĩ đã giải nghệ lo giữ hình ảnh song ca với một đứa trẻ chỉ chuyên tâm chải chuốt và tạo dáng hơn, để rồi, Tây Ban Nha đã đến Kiev, kém thuyết phục hơn bao giờ hết, nhưng họ đã ở đấy.

Vĩ thanh: Khi tôi viết khúc biến tấu này, trận bán kết thứ 2 còn chưa diễn ra. Trái tim vẫn đang đập những nhịp mong manh chờ đợi những diễn biến đầy bất ngờ của trận thư hùng giữa đội tuyển con cưng Mannschaft với đối thủ đầy duyên nợ- Italy. Một cuộc chạm trán đầy kịch tính và đáng tiếc cho bất cứ tuyển nào nếu phải dừng lại. Và tôi đồng ý với  lời nhà báo Anh Ngọc nói trên facebook của mình-dù là ở trận đấu này, tôi và anh ở hai bờ chiến tuyến. Với Anh Ngọc, thắng thua thế nào không quan trọng bằng ta sẽ tiếp tục sống ra sao, và yêu màu Thiên thanh thế nào. FORZA AZZURRI! Còn với tôi, thắng thua thế nào không quan trọng bằng ta sẽ tiếp tục sống ra sao, và yêu đại bàng sông Rhine thế nào. VIVA DIE MANNSCHAFT!

Đoàn Ngọc Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm