Biến tấu cùng EURO: Và vũ khúc Polka sẽ lướt qua điệu Fado…

21/06/2012 15:28 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Người Bồ Đào Nha rất ưa chuộng Fado-thứ âm nhạc dân gian xuất hiện đầu thế kỷ 18 và bắt đầu thịnh vượng vào đầu thế kỷ 19. Fado có xuất xứ từ những khúc ca của người dân chài Bồ Đào Nhà, pha trộn với nỗi niềm thân phận của người nô lệ châu Phi (người Mor), lời ca của nó được sáng tác và bồi đắp theo kiểu truyền miệng và giống đồng dao do vậy có ngôn ngữ khá mở, miễn là cần tuân theo một cấu trúc nhất định. Gắn với bối cảnh xã hội và những người dân thường nên có tiết tấu đặc trưng là buồn, đôi lúc thê lương như là nghĩa của từ Fado: vận mệnh, số mạng.

Nó hát về biển, về đời sống người dân nghèo với một tình cảm mang dáng vẻ trầm uất, u hoài hoặc vọng tưởng đến những điều tốt đẹp đã qua. Vào khoảng những năm đầu thế kỷ 20 khi phong trào thơ ca của Bồ Đào Nha đặc biệt phát triển thì Fado đã được thổi một ngôn ngữ thơ ca lấp lánh, dù nó vẫn mang sự u hoài và nhiều tâm sự buồn. Nên dù sau được phát triển thành một thể loại âm nhạc truyền thống của bán đảo Iberia với những nhạc sĩ tên tuổi như nữ nhạc sĩ Amalia Rodrigues hay các nghệ nhân lừng danh Bồ Đào Nha là Carlos do Carmo, Mariza, Mafalda Arnauth, Cristina Branco thì Fado vẫn cứ não nề và bi thiết. Vốn là âm nhạc đường phố, Fado được hát bởi một người được gọi là  fadista đi kèm với cây đàn guitar Bồ Đào Nha và guitar cổ điển. Fadista này có thể hát bất cứ đâu, trong các khu vườn, trên đường phố, trong ngõ hẻm, tại các quán rượu… Đôi khi, các fadista khi biểu diễn Fado sử dụng các vũ điệu đi kèm. Các vũ điệu này, cũng có nguồn gốc với khúc Samba của Brazil, nhưng do âm thanh chậm, nhiều độ ngân ê a và buồn hơn nên động tác cũng bị ảnh hưởng theo.

Vũ khúc Polka của Jiracek và đồng đội sẽ lướt qua điệu Fado của Ronaldo? - Ảnh: Getty

Nhắc đến Fado nhiều như vậy, bởi bấy lâu tôi luôn có cảm giác lối đá của Bồ Đào Nha rất giống mà lại cũng vô cùng khác với lối đá của các chàng trai Nam Mỹ áo vàng xanh mà bản thân không thể lý giải được là vì sao? Gần đây, khi tìm hiểu về văn hóa Bồ Đào Nha và tiếp cận với Fado, tôi chợt có một sự liên tưởng giữa âm điệu của loại nhạc truyền thống này với lối đá của Selecao das Quinas. Có lẽ, cũng như vũ điệu cùng với Fado, các cầu thủ Bồ cũng có lối đá thiên về kỹ thuật với nhiều tố chất ngẫu hứng, nhưng lại chậm hơn nên đôi khi thành rườm rà và thiếu chất lửa. Cái chất lửa của Brazil là tố chất cấu thành từ trong máu thịt của những thổ dân da đỏ, gần gũi thiên nhiên. Song chất lửa đó, trên chặng đường từ châu Mỹ về với lục địa già nó đã dần rơi theo những con sóng của đại dương, bay theo những ngọn gió đại ngàn. Và dù là kẻ chinh phục châu Mỹ, mang về từ đây biết bao tinh hoa của một lục địa mới đầy năng lượng, đầy thiên nhiên hoang dã và tươi mát nhưng sự nặng nề của tinh thần, cộng với một nền tảng văn hóa, môi trường khác biệt đã khiến sự rộn ràng của khúc samba vơi chìm dần trong nỗi u uất của một xã hội quân chủ với nhiều bất công đang suy thoái mà trở thành Fado.

Đương nhiên, thể thao và bóng đá cũng không nằm ngoài quy luật của sự giao thoa, ảnh hưởng, kế thừa và bảo thủ đó. Khi dấu ấn bản năng phai mờ đi thì để bù đắp người ta sẽ phải thêm vào đó yếu tố biểu diễn, bởi thế, người ta đã gọi là Ro điệu, để phân biệt với Ronaldo-người ngoài hành tinh.

Quay trở lại với trận tứ kết đầu tiên, giữa Bồ Đào Nha và CH Czech, nhìn tiếp theo khía cạnh âm nhạc, như là một sự đối lập, những người Bohemia lại dường như không biết lưu giữ nỗi buồn. Thế nên, tại Czech, thứ âm nhạc độc đáo và đặc trưng nhất có một tiết tấu nhanh, vui nhộn và đầy hưng phấn. Cũng hình thành vào khoảng giữa thế kỷ 19- tương tự với Fado, nhưng vũ khúc dân gian Polka (tiếng Czech có nghĩa là cô gái BaLan) đã vượt qua biên giới nước này và nhanh chóng trở thành trào lưu âm nhạc của cả châu Âu. Sự phong phú của loại nhạc này còn do nó được chơi kết hợp với nhiều loại nhạc cụ như vĩ cầm, đại hồ cầm, kèn clarinet-vì thế cũng là chất liệu để các nhà soạn nhạc dùng cho sáng tác giao hưởng mà đặc biệt là Johann Strauss I và Johann Strauss II.

Đêm nay, trên đất Ba Lan, người Czech sẽ dùng vũ khúc Polka như một vũ khí sân nhà để lướt qua âm điệu buồn bã của Fado. Sự tỉa tót nắn nót nhấn nhá của Fado dĩ nhiên, sẽ gây khó vào nhịp cho Polka. Nhưng rồi, vẻ tươi vui rộn ràng thành từng chuỗi như tiếng cười của cô gái Ba Lan chớm tuổi cập kê lảnh lót ngân trong sớm mai sẽ làm người ta nhanh chóng bỏ qua nỗi u hoài. Như câu thành ngữ-đã thành tên một bộ phim- mà tôi rất thích: Back to the Future, các chàng trai Czech sẽ đi đến tương lai-trận bán kết với sự tươi vui đầy hồn nhiên…Chắc là vậy!

Đoàn Ngọc Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm