Biến tấu cùng EURO: Và Shakespeare đã tạo ra Romeo và Juliet

24/06/2012 11:19 GMT+7 | Ăn, ngủ cùng Euro

(TT&VH) - Ở miền Bắc Italia, có một bức tường và một ban công vô cùng nổi tiếng mà bất cứ ai cũng mơ ước được một lần đến đó. Và nếu đã đến được Verona, thì sẽ chẳng có khó khăn gì để tìm ra ngôi nhà của Juliet bởi khắp mọi ngã phố, con đường đều có bảng chỉ dẫn.

Trên khoảng sân nhỏ, nơi có bức tường chi chít tên được viết, vẽ, khắc tên của những kẻ yêu nhau, lúc nào cũng có đoàn người dài kiên nhẫn xếp hàng để đến bên bức tượng nàng Juliet, đặt tay lên ngực nàng với niềm tin rằng mình sẽ có một tình yêu bền vững. Hầu như ai cũng biết chiếc ban công của ngôi nhà được xây từ thế kỷ 13 này thực tế mới chỉ được làm thêm vào năm 1936 với mục đích thu hút du khách. Họ cũng đều biết, Juliet là nhân vật hư cấu, nhưng điều đó chẳng thể ngăn cản dòng người lũ lượt đổ đến đây mỗi ngày và khiến họ mất đi lòng tin rằng, nàng Juliet đã sống ở đây.

Điều kỳ lạ, câu chuyện tình đẹp nhất mọi thời đại, lãng mạn và đầy bi thương của Romeo và Juliet lại được sáng tạo bởi một người Anh. William Shakespeare-Nhà thơ của Avon sáng tác vở kịch này vào khoảng những năm 1594-1595 dựa trên bối cảnh của sự hận thù giữa hai dòng họ Montague và Dal Cappelo, vốn có mối hận thù sâu sắc và gây nên những trận chiến đẫm máu của lịch sử Verona. Nhưng thực tế, Shakespeare lại muốn ám chỉ đến cuộc chiến tranh hoa hồng (hoa hồng Tudor) kéo dài hơn 100 năm bắt đầu từ thế kỷ thứ 15-thời triều đại của Vua HenryIV của chính đất nước của ông, nước Anh.

Chiếc ban công ở Verona, nơi Rome và Juliet từng thề thốt - Ảnh Getty

Mặc dù không được các tác giả đương thời đánh giá cao, nhưng với Romeo và Juliet, Shakespeare đã đặt một dấu ấn mới cho việc đưa yếu tố lãng mạn vào các sáng tác bi kịch của thời đó. Hơn nữa, nhà thơ của Avon đã đem thơ ca vào trong độc thoại để khám phá và bộc lộ nội tâm của nhân vật-thay vì chỉ để truyền tải thông tin như ở các sáng tác thời đó.

Không ai có thể quên được những lời thoại đẹp như ánh trăng dát bạc và ngọt ngào tinh khiết như những giọt sương đêm của đôi trai gái trẻ tuổi đó:

Romeo: Thưa tiểu thư, tôi xin thề có mảnh trăng thiêng liêng kia đương dát bạc trên những ngọn cây trĩu quả...

Juliet: Em xin chàng đừng lấy trăng kia thề thốt, vầng trăng nghiêng ngả mà mỗi tháng lại thay đổi đường đi lối về. Em sợ tình chàng cũng sẽ như trăng kia thay đổi.

Romeo: Vậy tôi phải lấy gì mà thề?

Juliet: Xin chàng đừng thề nguyền chi cả. Hay nếu chàng muốn thì chàng hãy đem tấm thân tuấn nhã kia ra mà thề,  đó là vị thần mà em thờ phụng, và em sẽ tin chàng…

Và nàng Juliet của nước Ý, qua ngòi bút của một người Anh mới đẹp làm sao? “Nhè nhẹ chứ nào! Ánh sáng nào vừa lóe trên cửa sổ kia? Đó, phương Đông đó, và nàng Juliet là mặt trời…Gì kia? Đôi mắt nàng như lên tiếng, và ta nóng lòng muốn đáp lại ánh mắt nàng... Ta liều quá, nàng có nói với ta đâu. Nguyên là hai ngôi sao đẹp nhất bầu trời có việc phải đi vắng, đã tha thiết nhờ mắt nàng lấp lánh chờ đến lúc sao về. Ừ, nếu mắt nàng lên thay cho sao, và sao xuống nằm dưới đôi mày kia thì sao nhỉ? Vẻ rực rỡ của đôi gò má nàng sẽ làm cho các vì tinh tú nọ phải hổ ngươi, như vừng dương làm ánh đèn phải thẹn thùng; còn cặp mắt kia trên bầu trời sẽ rọi khắp khoảng không một làn ánh sáng tưng bừng đến nỗi chim chóc sẽ lên tiếng hót vang vì tưởng là đêm đã tàn”

Nhưng đêm nay, một đêm trăng thượng huyền của Kiev, sẽ không có sắc màu thi ca cho hai xứ sở có chung một Romeo và Juliet để tự hào này. Dẫu không thù hận thì họ cũng sẽ như hai dòng họ Montague và Dal Cappelo hay Lancaster và York quyết đấu đến cùng để giành đường đến sân Warsaw. Nhưng sự lãng mạn thì vẫn có. Với Azzurra, đó là cú sút hình vòng liềm của vầng trăng ảo diệu đang hé rạng kia từ Andrea Pirlo, hoặc đơn giản là cách Mario Balotelli như kẻ mộng du thẫn thờ trên sân rồi bất thần giật mình, sút một cái… Còn với Tam sư, thì lãng mạn nhất là… Shakespeare! Họ sẽ cố gắng viết câu chuyện tình yêu theo cách của mình và tạo bi kịch cho nhân vật. Sẽ vô cùng kịch tính, nghẹt thở, y như khi Juliet tỉnh dậy nhưng Romeo của nàng đã chết rồi… Cảnh đó, gọi là penalty!  Theo bạn, ai sẽ rời khỏi cuộc quyết đấu đó với tư cách kẻ thắng trận, nhân vật hay tác giả?

Đoàn Ngọc Thu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm