Họa sĩ Phạm Tô Chiêm: Phải cởi mở thì biếm họa mới khởi sắc

14:15 26/07/2018

(Thethaovanhoa.vn) - Nếu hỏi những người cầm cọ ở Hà Nội về cái tên Phạm Tô Chiêm, thường sẽ nhận được câu trả lời khá thú vị: Có hai Phạm Tô Chiêm. Hai người cùng huyết thống, cùng ở một nhà, cùng nghề vẽ… Một người đã mất, còn một người hiện đang “vẽ vời” tại NXB Kim Đồng.

Hóa ra, họa sĩ Phạm Tô Chiêm mà người viết cần gặp là con trai của cố họa sĩ Phạm Tô Chiêm (tên thật là Phạm Văn Tự).

Vẽ nhiều nhưng thiếu sân chơi

“Bố tôi được mọi người biết đến với bút danh Tô Chiêm hơn là tên thật. Vì rất thích bút danh ấy nên bố tôi lấy đặt tên cho tôi luôn. Thế nên, mỗi khi ai đó hỏi thăm đến cái tên ấy, nhất là những người lần đầu hoặc chưa biết bố tôi đã mất, cũng đều bị hỏi ngược lại: Gặp Chiêm bố hay Chiêm con?” - họa sĩ kể.

Chú thích ảnh
Họa sĩ Phạm Tô Chiêm

Chiêm "con" theo học ngành đồ họa và thừa nhận có chút ảnh hưởng nghề nghiệp từ bố mình. Từ ngày ra trường, anh đã kinh qua rất nhiều nghề: Dạy học, đi vẽ, làm sân khấu...

Đến khoảng năm 1993, anh bắt đầu minh họa cho báo Văn nghệ, sau đó về Kim Đồng, làm trình bày và minh họa cho NXB. Ngoài vẽ, anh còn là một cây bút văn hóa văn nghệ cho nhiều tờ báo như Tuổi trẻ, Văn nghệ Công an, Nhân dân hàng tháng, Đại đoàn kết, Gia đình Trẻ em với bút danh Tô Chiêm, Anh Chi. Thời còn sung sức, gần như tuần nào cũng có 1 - 2 bài trên mỗi báo.

Biếm họa là thể loại Phạm Tô Chiêm vẽ khá nhiều. Bất kể thứ gì diễn ra trong cuộc sống khiến cho anh cảm thấy nghịch mắt, thấy buồn cười... là anh lập tức sẽ đưa nó lên mặt giấy. Dẫu vậy, những tác phẩm biếm họa của Phạm Tô Chiêm sau khi hoàn thành thường anh chỉ lưu trong ổ cứng hoặc thi thoảng đăng facebook.

"Trước kia, “đất đai” trên các báo dành cho biếm họa rất được chú trọng, nhưng bây giờ không còn nhiều tờ báo “chơi” thể loại này nữa. Việc mang tiếng cười, sự châm biếm đến công chúng vì thế cũng bị hạn chế" - họa sĩ Phạm Tô Chiêm nói - "Các giải thưởng thì tôi mới chỉ tham dự Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam - Cúp Rồng tre từ mùa đầu tiên. Ngoài ra chưa thấy giải nào khác cho biếm họa. Vẽ xong mà không có báo đăng, không có sân chơi thì còn động lực đâu để vẽ?!".

Chú thích ảnh
 "Những lời dặn dò sau World Cup", tranh biếm của họa sĩ Phạm Tô Chiêm

Cần cởi mở hơn với biếm họa

Theo họa sĩ Phạm Tô Chiêm, các họa sĩ trẻ bây giờ không nhiều người quan tâm đến thể loại biếm họa. Ở các sân chơi cho thể loại này, theo như anh tìm hiểu, số lượng các tác giả trẻ tham gia rất ít, phần lớn là các "bậc lão thành" U50 - 60, thậm chí già hơn.

Nói như thế không có nghĩa họa sĩ Phạm Tô Chiêm "buồn lòng" với những tác giả trẻ. "Biếm họa cần sự chín, chín trong suy nghĩ, chín trong cách đặt vấn đề đối với mỗi hiện tượng của xã hội. Với những người trẻ, khi mà độ chín chưa tới hoặc ít quan tâm đến diễn biến của cuộc sống thì rất khó để làm nhà báo vẽ" - anh triết lý.

Anh cũng đồng tình với quan điểm rằng để biếm họa khởi sắc trở lại, từ cơ quan quản lý đến công chúng cần phải có cái nhìn khác, cởi mở hơn với thể loại biếm họa.

"Cái việc đối nghịch trong bức tranh là điều bắt buộc trong biếm họa. Mục đích của người họa sĩ vẽ biếm là phê phán những thói hư, tật xấu của xã hội, nhưng lại bị suy diễn hay nghiêm trọng hóa vấn đề lên để quy kết thì ai còn dám vẽ?! Vì thế, để biếm họa khởi sắc hơn, ngoài các sân chơi, các tờ báo cần có chỗ cho biếm họa còn rất cần các cơ quan quản lý quan tâm và có cái nhìn cởi mở hơn với thể loại này" - họa sĩ bày tỏ.

Giúp các em nhỏ "Vẽ nên cổ tích"

Họa sĩ Phạm Tô Chiêm "có chân" trong quỹ từ thiện "Thiện Nhân và Những người bạn", mỗi năm đều tổ chức tổ chức chương trình “Vẽ nên cổ tích” cho các em thiếu nhi, sau đó bán tranh lấy tiền góp vào quỹ để hỗ trợ chi phí phẫu thuật cho các bệnh nhi (khoảng 40 triệu đồng/ca).

Tháng 9 tới đây, quỹ từ thiện "Thiện Nhân và Những người bạn" sẽ phối hợp với NXB Kim Đồng và Báo Thiếu Niên tiếp tục tổ chức cuộc thi là viết và vẽ "Vẽ nên cổ tích" để tiếp tục gây quỹ.

"Các em thiếu nhi có thể vẽ, có thể viết và tranh có thể đem bán đấu giá hoặc in thành postcard, truyện có thể đăng báo, in thành tuyển tập. Tất cả đều nhằm mục đích giúp các họa sĩ nhí tài năng có thêm động lực để thực hiện ước mơ của chính mình và giúp sức “vẽ” nên câu chuyện cổ tích cho những bạn nhỏ trong chương trình “Thiện Nhân và những người bạn” – họa sĩ Phạm Tô Chiêm cho biết.

Triển lãm của 4 họa sĩ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp

Triển lãm của 4 họa sĩ ĐH Mỹ thuật Công nghiệp

30 tác phẩm trên các chất liệu như kim loại, gốm, sơn mài, sơn dầu, acrylic trên toan của 4 họa sĩ giảng viên ĐH Mỹ thuật Công nghiệp: Trịnh Tuân, Nguyễn Ngọc Quân, Vũ Hữu Nhung, Lê Anh Vũ được trưng bày từ 26/12 đến 6/1/2018 tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc (49 Nguyễn Du, Hà Nội).

Phạm Huy

Chia sẻ lên LinkHay.com Chia sẻ lên facebook In bài viết 

Gửi bình luận

Bài bình luận bằng tiếng việt không dấu sẽ bị xóa. Bạn còn 1000 ký tự