Bí mật kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự tại Nam cực của phát xít Đức

30/10/2008 17:13 GMT+7 | Trong nước

Nam cực là mảnh đất cuối cùng trên thế giới hầu như vắng bóng người. Tuy nhiên, trước khi Chiến tranh Thế giới lần thứ II bùng nổ, tên trùm phát xít Adolf Hitler đã “nhắm” nơi này, đích thân ra lệnh chiếm lấy Nam cực, mưu đồ xây dựng căn cứ quân sự tại đây để tính kế lâu dài.

 Logo chuyến thám hiểm Nam cực năm 1938-1939 của phát sinh Đức
Những năm 1930, dầu cá voi là nguyên liệu quan trọng nhất được ngành công nghiệp Đức lựa chọn để sản xuất xà phòng và bơ. Hàng năm, Đức phải nhập khẩu từ Na Uy khoảng 200.000 tấn dầu cá voi nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước. Hiệu quả kinh tế từ những trạm săn bắt cá voi của Na Uy ở Nam cực đã khiến không ít quan chức Đức quốc xã thèm muốn. Họ đã kiến nghị xây dựng các trạm săn bắt cá voi của Đức ở Nam cực, nhưng chưa nhận được sự đồng ý của giới lãnh đạo. Mãi tới năm 1938, sau khi một hạm đội săn bắt cá voi của Đức thuận lợi trở về với thắng lợi lớn, kiến nghị này mới được Hitler chấp thuận. Khi đó, tên trùm phát xít đang ngấm ngầm lên kế hoạch phát động Chiến tranh Thế giới lần thứ II. Do việc xây dựng căn cứ tại Nam cực phù hợp với mục tiêu chiến lược đã đề ra, nên Hitler đã bí mật ra lệnh điều động một đội quân viễn chinh tới Nam cực.

 
Sau nhiều vòng tuyển chọn gắt gao, cuối cùng, đội quân viễn chinh Nam cực cũng được hình thành với 33 chiến binh cường tráng, trung thành với chế độ phát xít. Bộ Tổng tham mưu quân đội Đức quốc xã bổ nhiệm Alfred Ritscher làm tổng chỉ huy đội quân viễn chinh Nam cực. Được sự quan tâm của giới lãnh đạo chóp bu, đội quân viễn chinh Nam cực được cấp hẳn một chiếc Schwabenland. Đây không phải là loại tàu vận tải bình thường. Nó đã gần đạt tới chuẩn của một chiếc tàu sân bay cỡ nhỏ, máy bay có thể cất hạ cánh từ Schwabenland. Để đảm bảo an toàn tuyệt đối, Cơ quan Cảnh sát mật của Đức quốc xã (Gestapo) đã tiến hành thêm một cuộc sát hạch. Kết quả, 9 người bị loại, 24 người được phép lên tàu đi Nam cực. Trước khi lên đường, Gestapo cảnh cáo: Ai tiết lộ bí mật nhiệm vụ, thân nhân của người đó ở Đức lập tức bị đưa vào giam giữ trong trại tập trung. Tháng 12/1938, đội quân viễn chinh của Đức quốc xã rời cảng Hamburg đi Nam cực.
 Tàu Schwabenland của Đức trong chuyến thám hiểm Nam cực năm 1938-1939
Tháng 1/1939, chúng đã đặt chân lên vùng đất Hoàng hậu Maud ở Nam cực mà Na Uy tuyên bố giữ chủ quyền, bắt đầu tiến hành đo vẽ hải đồ khu vực này. Vài tuần sau, 2 chiếc máy bay cất cánh từ tàu Schwabenland đã thực hiện tổng cộng 15 chuyến bay khảo sát trong một khu vực rộng khoảng 600.000 km2, chụp hơn 10.000 bức không ảnh. Tiếp đó, phát xít Đức tuyên bố chủ quyền đối với vùng đất Hoàng hậu Maud từ 20 độ kinh đông đến 10 độ kinh tây, đổi tên vùng đất Hoàng hậu Maud thành New Swabia. Quân Đức cho cắm 3 lá cờ ở bờ biển New Swabia và sử dụng máy bay ném xuống vùng đất này 13 lá cờ khác.
Sau khi đổ bộ lên bờ, đội quân viễn chinh Nam cực của Đức quốc xã đã bắt tay vào việc xây dựng một căn cứ lâm thời ở đây nhằm tiến sâu hơn nữa vào phần đất liền của Nam cực. Theo một số báo cáo gửi về Béclin, máy bay cất cánh từ tàu Schwabenland đã phát hiện thấy trong lục địa Nam cực có suối nước nóng, hai bên bờ rậm rạp những loại thực vật kỳ lạ. Do điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở Nam cực, nên sau khi hoàn thành sứ mệnh đặt ra, tháng 2/1939, tàu Schwabenland rời vùng đất Hoàng hậu Maud trở về Đức.
Bản đồ khu vực New Swabia mà phát xít Đức tuyên bố chủ quyền trong vùng đất của Hoàng hậu Maud ở Nam cực
Thành công của chuyến thám hiểm chính thức Nam cực lần đầu tiên khiến Hitler rất phấn khích. Tên trùm phát xít lên kế hoạch sẽ tiến hành thêm hai lần viễn chinh Nam cực vào giai đoạn 1939-1940 và 1940-1941 để xây dựng căn cứ cố định ở đây. Điều quan trọng hơn là đặt nền móng cho việc mở rộng bản đồ đế chế Đức tới Nam cực. Tuy nhiên, 7 tháng sau khi chuyến viễn chinh đầu tiên tới Nam cực của quân Đức kết thúc, Chiến tranh Thế giới lần thứ II bùng nổ. Kế hoạch viễn chinh Nam cực đành phải tạm thời gác lại. Tháng 6/1940, quân Pháp thất bại trên chiến trường phải đầu hàng. Một lần nữa, Hitler lại “nổi hứng” viễn chinh Nam cực. Hắn ra lệnh cho tổng tư lệnh hải quân, nguyên soái Erich Johann Albert Raeder nghiên cứu tính khả thi của việc xây dựng căn cứ quân sự tại Nam cực. Hitler hi vọng thông qua sự hiện diện tại Nam cực để giành quyền kiểm soát nam Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Eo Drake. Mùa Giáng sinh năm 1940, tàu tuần dương Atlantis của Hải quân Đức tới đảo Kerguelen ở nam Ấn Độ Dương bổ sung nước ngọt và chỉnh đốn lực lượng. Không lâu sau, đảo Kerguelen được quân Đức biến thành căn cứ tiến xuống phía nam tấn công tàu thuyền của quân Đồng minh hoạt động ở vùng biển gần Nam cực. Tháng 1/1941, lực lượng đột kích trên biển của Hải quân Đức bắt sống hai chiếc tàu buôn của Na Uy ở vùng biển phía bắc vùng đất Hoàng hậu Maud, hai ngày sau lại bắt được 3 chiếc tàu khác.
 
Hitler cho rằng thời cơ xây dựng căn cứ quân sự cố định ở Nam cực đã chín muồi. Tên trùm phát xít trực tiếp ra lệnh cho Tư lệnh lực lượng tàu ngầm Đức, Tướng Karl Dônitz, phụ trách việc này. Cho dù thấy được việc xây dựng căn cứ quân sự cố định ở Nam cực có thể phát huy uy lực của “Chiến thuật bầy sói” (đánh chia cắt, lấy ít địch nhiều, lấy nhỏ đánh lớn), nhưng Dônitz vẫn thừa nhận kế hoạch này có độ rủi ro tương đối lớn bởi điều kiện tự nhiên ở Nam cực rất khắc nghiệt.
 
Do chặn thu và phá mã được những bức điện tình báo của quân Đức, nên quân Đồng minh nắm được ý định xây dựng căn cứ quân sự cố định ở Nam cực của quân Đức. Lo lắng tàu ngầm phát xít Đức có thể lợi dụng Nam cực làm căn cứ hậu cần, năm 1941, hải quân Anh đã phá hủy những trạm săn bắt cá voi của Na Uy ở đây, tăng cường lực lượng tuần tra trên biển ở khu vực gần Nam cực. Nhận thấy tình hình bất lợi, Dônitz đã báo cáo xin Hitler từ từ đợi thời cơ. Sau đó, tình hình chiến sự châu Âu càng ngày càng ác liệt, nên kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự cố định ở Nam cực tiếp tục bị gác lại. Ngày 9/5/1945, chính quyền phát xít Đức sụp đổ. Kế hoạch xây dựng căn cứ cố định ở Nam cực của quân Đức cũng vì thế bị chôn vùi mãi mãi.
Theo Hà Ngọc (Tin Tức)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm