Chìa khóa dẫn Arsenal vào khung thành Bayern: Nơi an toàn nhất lại là nơi sơ hở nhất

19/02/2013 13:22 GMT+7 | Bóng đá Đức

(Thethaovanhoa.vn) - Khi Manuel Neuer tung người đấm bóng, hóa giải cú đá phạt trực tiếp của tiền vệ Diego trong trận Bayern thắng Wolfsburg 2-0 cuối tuần qua, đó là một khoảnh khắc thú vị.

1. Nó đặc biệt ở chỗ, đó mới là cú sút đầu tiên đi trúng vào khung thành của Bayern do Neuer trấn giữ trong suốt bốn giờ bóng lăn liên tiếp ở Bundesliga, qua năm trận đấu!

Trong cả năm trận ở giai đoạn lượt về tại giải vô địch quốc gia Đức, bắt đầu từ giữa tháng Giêng, ngoài việc toàn thắng và ghi 13 bàn thì Bayern còn khiến người ta phải ngưỡng mộ vì thành tích không để thủng lưới. Lần gần nhất Neuer bị đánh bại là ở trận cuối cùng của giai đoạn lượt đi, khi Thorben Marx thực hiện thành công cú đá penalty mang về trận hòa 1-1 cho Gladbach. Tính từ đầu mùa, Bayern đã ghi tới 57 bàn ở giải vô địch quốc gia qua 22 trận, và chỉ để thủng lưới đúng bằng con số lẻ - bảy bàn.



Neuer vẫn là chốt chặn an toàn nhất của Bayern - Ảnh Getty

Ở Bundesliga, khung thành của Bayern thực sự là một pháo đài “bất khả xâm phạm”. Tuy nhiên, câu chuyện khác đi rất nhiều nếu đảo qua mặt trận Champions League. Ở đấu trường châu Âu mùa này, Bayern cũng đã để thủng lưới bảy lần - bằng số bàn thua tại Bundesliga - nhưng chỉ qua sáu trận tại vòng bảng. Thậm chí, có trận Bayern để thua tới ba bàn, như khi họ thất thủ 1-3 trên sân của BATE Borisov ở lượt đấu thứ hai.

Ở Bundesliga, lần duy nhất Bayern để thủng lưới nhiều hơn một bàn là khi họ thất thủ 1-2 trước Leverkusen trên sân nhà ở vòng đấu thứ chín. Tại Champions League, hiệu suất ghi bàn (15 bàn/6 trận) và ghi điểm (13 điểm/6 trận) của Bayern vẫn cao chẳng kém gì ở Bundesliga (57 bàn và 57 điểm/22 trận), nhưng rõ ràng, khả năng bảo vệ khung thành của Neuer và các đồng đội là có vấn đề.

2. Bayern kết thúc vòng bảng bằng chiến thắng 4-1 trước BATE để vừa trả được món nợ thua ở lượt đi, vừa giữ được ngôi đầu bảng. Tuy nhiên, họ cũng đã phải trả giá khá đắt bằng tấm thẻ đỏ trực tiếp của Jerome Boateng, đồng nghĩa với việc trung vệ này sẽ vắng mặt ở vòng 1/8 Champions League, trong cả hai lần đối đầu với Arsenal. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến hàng thủ vốn dĩ không mấy chắc chắn của Bayern ở đấu trường châu Âu, đặc biệt trong tình cảnh trung vệ Holger Badstuber cũng vắng mặt vì chấn thương đầu gối.

Cặp trung vệ khả dĩ còn lại của Bayern là Dante và Daniel van Buyten. Dante là một sự tăng cường đáng kể trong mùa Hè vừa qua của Bayern, có thể mang đến sự yên tâm, nhưng Van Buyten thì không. Ở tuổi 35, hậu vệ người Bỉ trở nên quá chậm chạp, không mấy thích hợp để đương đầu với những cầu thủ tấn công có tốc độ cao và giỏi xoay trở bên phía Arsenal như Lukas Podolski, Santi Cazorla và đặc biệt là Theo Walcott. Van Buyten cũng từng mắc lỗi nặng khi không kèm được Diego Milito trong trận chung kết Champions League năm 2010 mà Bayern đã thua Inter 0-2 ở Bernabeu.

Lối chơi của Arsenal thiên về bóng thấp, chuyền bóng nhanh một chạm. Điều này đòi hỏi hậu vệ đối phương, đặc biệt là các trung vệ, phải có khả năng xoay trở cực nhanh và phán đoán tốt để cản phá. Hàng thủ của Bayern, nhất là vị trí trung vệ Van Buyten, đã mang đến cho huấn luyện viên Arsene Wenger chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa dẫn đến khung thành của thủ môn Neuer: Tấn công trung lộ. Đó là giải pháp có cơ may thành công không nhỏ, khi nguy cơ Podolski và Walcott bị Philipp Lahm cũng như David Alaba cho “mất điện” ở hai cánh là khá cao.

3. Nhìn Bayern phòng ngự ở Bundesliga, hàng thủ mang lại sự an toàn gần như tuyệt đối. Nhưng tại Champions League, hóa ra đó lại là nơi sơ hở nhất của đội bóng nước Đức.

Đ.H
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm