Bảy bản ca Thài và đôi câu hò Đâm Bắc!

20/08/2009 10:09 GMT+7 | Phóng sự

(TT&VH Cuối tuần) - Chúng tôi đang ngồi nói chuyện với cụ Thi thì có ông Bảo và anh Ngọc, anh Tài là con và cháu cụ Thi qua chơi. Hóa ra tất cả con cháu cụ đều ở rất gần xung quanh. Cũng may cho chúng tôi, bởi vì hàn huyên lan man quá, cụ Thi bắt đầu trở về chuyện cũ, và cụ bắt đầu chuyển sang nói một thứ tiếng Huế của... gần trăm năm trước, nên chúng tôi bắt đầu không hiểu.

Một phần vì tuổi đã cao nên cụ Thi hơi lãng tai, rất khó nghe những câu hỏi của chúng tôi. Ông Bảo, anh Ngọc, anh Tài phải phối hợp nhau “thông dịch” lại, chúng tôi mới nghe được phần nào. Đó là những chuyện kể tiếp tục của cụ về cái khổ ngày xưa, về cái thời Mỹ - Diệm, Ngô Đình Cẩn là “bạo chúa” ở Huế, thấy ở đâu có gì quý là sai quân đến cướp. Về cái thời phong kiến tiêu tiền đồng, thời Pháp ăn (tiêu) tiền bạc, thời Mỹ ăn (tiêu) bằng vàng. Thời xưa, một quan tiền bằng mười “trự”, nhưng nếu đổi tiền ngang (tiền kẽm), một quan tiền chỉ ăn được sáu “trự”. Có khi vác cả xâu tiền ngang đi chợ mà không mua nổi lạng thuốc lào...


Cụ Thi (bìa trái) cùng hai cháu (bìa phải) và tác giả

“Răng mà ông nhớ được ca Thài?” - anh Ngọc cháu cụ Thi đột nhiên hỏi. Cụ Thi bảo, chỉ khi vô trong cung mới được học ca Thài. Ví dụ năm sau làm lễ tế Nam Giao, thì năm nay Bộ Lễ mới đưa bản ca Thài cho ông Đội, để ông Đội dạy lại cả đội nhạc. Chơi nhiều nên phải thuộc vậy thôi. “Với cả cái nghề nhạc ni phải học liên tục” - cụ Thi bảo con và các cháu - “Tau đây trăm tuổi rồi mà vẫn thấy còn phải học. Đêm nằm vẫn phải nhẩm đi nhẩm lại để khỏi quên, để khi chúng bay hỏi thì còn biết để mà nói chớ”... Chúng tôi biết anh Ngọc hỏi cụ vậy bởi cụ Thi cùng với nghệ nhân Trần Kích được xem là hai nghệ nhân hàng đầu nắm giữ được tinh hoa của Nhã nhạc cung đình Huế. Riêng cụ Thi thì phần đặc sắc nhất trong trí nhớ của cụ là bảy bản ca Thài cổ chỉ dùng để ca trong tế Nam giao. Cách đây vài năm, những cơ quan làm nhiệm vụ bảo tồn Nhã nhạc cung đình Huế đã tiến hành ghi âm toàn bộ lời ca của cụ Thi để ghi ra văn bản những bản ca Thài này, nhằm mục đích phục dựng lại lễ tế đàn Nam giao...

“Thế nhưng ông cụ không chỉ nhớ mỗi cái nhạc “bác học” đó đâu nhé” - anh Ngọc bấm bấm tôi nói - “Hồi xưa cụ cũng là tay chơi ra phết. Bài kiệu (tổ tôm), tứ sắc chơi thâu đêm. Mà ông cụ còn thuộc nhiều hò Đâm Bắc hay lắm đó nghe...”

Tôi chưa bao giờ nghe tên điệu hò lạ lùng như thế, cứ tưởng mình nghe nhầm, bèn hỏi to lại với anh Ngọc và mọi người. Cụ Thi nghe được câu tôi hỏi, bèn thủng thẳng trả lời. Đôi mắt cụ ánh lên những nét cười trẻ trung thích thú, như là hồi quang của thời thanh niên sôi nổi tinh nghịch. Hò Đâm Bắc là một loại hò riêng của Huế, của trai gái trêu ghẹo yêu đương, và cả “mắng” chọc nhau nữa. Loại hò này không chỉ yêu cầu thuộc làn điệu, mà còn phải giỏi ứng tác. Cụ Thi cười khà khà: “Đừng tưởng gái Huế chỉ thùy mị nết na, tha thướt yêu kiều ở ngoài, chu đáo nội trợ gia giáo ở trong đâu nhá. Mi thử nghe gái Huế hò Đâm Bắc thì táng đởm luôn. Nó thấy anh thợ làm cái nhà mãi chưa xong, nó hò chọc thế ni nè:
Tiếng đồn anh học thợ đã lâu/ Cất lên một cái nhà, cột kèo không đậy/ Cứ thày lay mà đậy cù...”

Cụ Thi hò đến đây, ông con và hai ông cháu cứ cười ha hả. Thấy chúng tôi ngơ ngơ ngác ngác, cụ Thi mới giải thích. Gái Huế hò chọc anh thợ, nói lái mà...

“Thế rồi bên nam nó cũng gớm nhe” - cụ Thi kể tiếp: “Bên nam nó mới hò lại thế này (không thể không hò đáp trả/ nếu không bẽ mặt lắm): Anh cất cái nhà/ Không chủ chi/ Chủ bộ dàn cù (dàn cù là một chi tiết kiến trúc trong nhà rường Huế)/ Không nắng lên thì cực/ Nên phải đậy mù che sương...”

Lần này thì cả bàn chuyện cười ran, chúng tôi cũng hiểu góp là chàng trai “mắng” lại cô gái trêu mình, cũng bằng cách nói lái hai từ gần cuối. Thế là bên tám lạng, người nửa cân.

Say say chuyện cũ, cụ Thi kể tiếp: “Có một lần tau cùng mấy chúng bạn đi chơi, qua mấy làng kế bên, cũng dân Hương Trà cả thôi. Bọn con gái nó đang làm đồng, nó mới thấy mấy anh trai phố quần trắng áo dài đi ngang qua. Nó mới hò bậy hò bạ thế ni: Chị em mình ơi/ Ơi/ Giang tay đánh trống bịt bùng/ Vỗ l... đánh bộp mà dọa trai anh hùng/ Ấy chị em ơi... Lần đó tụi tau chết đứng, tái cả mặt, chưa đứa nào nghĩ ra câu đáp cho cái lời đanh đá táo tợn nầy. Có cái thằng giữ trâu đứng gần đó, nó hô, “trả đòn, trả đòn mau”. Bọn tau vẫn luống cuống, không nghĩ ra câu gì, mới nói mi hò trả đòn hộ tụi tau, tụi tau cho năm xu. Nó hò liền:
Xanh (xênh) đánh cái cốc/ Mõ đánh cái cắc/ Tay kéo con c... cho dài/ Chúng anh đây trai anh hùng ở phố/ Không sợ ai răng chừ...”

Nghe đến đây, chúng tôi và cụ Thi đều cười bò, cười phát ho sặc sụa...

Đã gần chiều muộn, chúng tôi chào tạm biệt cụ Thi và các con, cháu cụ để về bởi vì đã gần đến giờ cụ... đi ngủ. Sinh hoạt của cụ già trăm tuổi rất đều đặn, cơm cháo ăn được một chút, hút thuốc một chút, uống được một chút bia. Nhưng “thức ăn” chính của ông cụ có lẽ là... ngủ. Hàng ngày, cụ đi ngủ đúng... nửa ngày, từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng. Trưa ngủ tiếng rưỡi. Tuần vài ba buổi con cháu chở vào Duyệt Thị Đường để cùng cụ Trần Kích hướng đạo tập luyện cho dàn Nhã nhạc của Trung tâm bảo tồn di tích cố đô.

Trên đường chúng tôi trở về, ngắm chiều buông trên mái ngói những ngôi nhà cổ Bao Vinh, nhìn hoàng hôn sông Hương phủ lên những con thuyền vạn chài nghèo lợp mái tôn. Ở giữa sông, có những gia đình đang vui vầy tắm táp, đám trẻ leo lên tụt xuống mấy con thuyền lá tre, cảnh vật thanh bình đến lạ. Ngẫm đến những câu chuyện vừa nghe kể của “người từ trăm năm”, như chợt hiểu thêm một nét khác của tính cách Huế. Có lẽ nếu như ca Huế, Nhã nhạc cung đình Huế không có nguồn sức sống từ những câu hò tình tứ vui vẻ mà thông tục ngoài dân gian, trên sông Hương bát ngát này thì ắt hẳn nó cũng không thể tồn tại cho đến bây giờ, qua không biết bao nhiêu là tang thương lửa khói...

Chuyên mục nằm trong khuôn khổ dự án truyền thông với sự hợp tác của công ty ô tô Ford Việt Nam, nhằm tìm kiếm, khẳng định những di sản quý giá đang trong tình trạng “báo động” về sự mai một cũng như những giải pháp khả thi để gìn giữ và tôn vinh các di sản văn hóa Việt Nam.

Ngay từ bây giờ, hãy lên tiếng với những di sản văn hóa xung quanh bạn đang có nguy cơ mai một! Mọi thông tin xin gửi về Tòa soạn báo TT&VH Cuối tuần hoặc gọi số ĐT: 0912227397.

Bài và ảnh:
Vũ Lâm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm