15/08/2017 08:06 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Xem ra hai chuyện này chả liên quan gì đến nhau. Tuy nhiên, giữa hai khái niệm này vẫn có điểm chung, đó là “gu” độc đáo trong giải trí và ẩm thực của người Việt.
SEA Games 2001, đoàn Phóng viên Thể thao & Văn hóa gồm 4 người ở khách sạn 5 sao Impiana, tại Kuala Lumpur (Malaysia) rất sang chảnh, tất nhiên là không dám ăn tại đây vì giá cao. Bận rộn làm Đại hội nên chúng tôi bạ đâu ăn đó, nếu đêm có đói thì làm tô mì ăn liền. Một vài đồng nghiệp mách ở gần khách sạn có quán cơm gà, rất giống kiểu cơm gà Sài Gòn, thế là mấy anh em cùng các đồng nghiệp báo khác “đổ bộ’ đến đây. Quán khá sạch sẽ, món gà ăn cũng ngon, tuy nhiên không có rau. Nhìn bát canh thì giống như... nước rửa chảo! và miếng rau duy nhất mà người viết cố tìm ra chỉ nhỏ bằng… cái móng tay út. Ăn mấy ngày liền thì xót ruột nên ai cũng thèm rau. Các cụ nói: “Cơm không rau như đau không thuốc” phải nói là đúng tới từng chữ. Hóa ra ăn cơm gà đâu có sướng.
Gần 1 tuần sau, chúng tôi hỏi thăm được một quán cơm trong khu Chinatown, cách khách sạn chừng 1km. Ở đây thì món rau ê hề. Giữa xứ người mà lại có cả rau muống xào tỏi nữa mới lạ. Ngoa ngôn một tí thì khi chúng tôi nhìn thấy món rau muống xào tỏi trên đất Mã đầy mùi cà-ri mà mừng như “bắt được vàng”. Và coi đó là quán ruột, chúng tôi liên tục “chiến đấu” ở đó cho đến khi hết kỳ SEA Games.
Có lẽ không ở đâu trên thế giới, trên mâm cơm lại có nhiều rau như bữa ăn của người Việt ta. Có thể nói rau chiếm tới 70-80% và khó có thể kể hết các món ăn mà các bà, các mẹ chế biến. Tuy nhiên, trong các loài rau thì rau muống chiếm một vị trí quan trọng trong tâm thức người Việt ta. Tại sao lại là rau muống, mà không phải là rau cải, rau dền, mùng tơi…?
“Anh đi anh nhớ quê nhà, nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương”. Phàm là người Việt thì không ai không biết câu ca này. Rau muống có thể luộc, nấu canh, xào tỏi, thậm chí… ăn sống. Và khắp đất nước, rau muống chỗ nào cũng sống được. Loài rau này trung tính, ăn không chán, dù có phải ăn nhiều ngày. Lúc đất nước còn cơ hàn thì rau muống chiếm phần lớn trong thực đơn của các gia đình Việt, khi đã qua cơn bĩ như bây giờ thì rau muống đàng hoàng “leo lên” bàn tiệc của các nhà hàng sang trọng.
Cách đây gần chục năm, PV TTXVN tại Nga đã viết bài giới thiệu doanh nhân Việt kiều Nguyễn Sỹ Hoa, người Nghệ An đã thuê đất trồng rau muống bên Tây cơ mà. Khi đi ra Côn Đảo, các hướng dẫn viên nói rằng, chính loài muống biển mọc đầy trên các cồn cát ở đây đã cứu sống rất nhiều người tù Cách mạng sau những ca bệnh kiết lỵ hiểm nghèo. Hóa ra “đau ốm’ mà không có rau (muống) thì cũng nguy.
Lan man một tí và để không mất thì giờ của độc giả, người viết muốn nói đến thú vui giải trí. Nếu làm một cuộc khảo sát, người viết tin rằng có đến ít nhất là 70% dân số nước ta mê bóng đá. Bóng đá đến với người Việt cũng muộn, và thật lạ lùng khi nó lại khởi đi từ một đội bóng nữ mang tên Cái Vồn. Đó là vào năm 1933, và đây không chỉ là đội bóng nữ Việt Nam đầu tiên mà còn đội bóng đá nữ đầu tiên của cả châu Á. Tính đến nay, đội tuyển nữ Việt Nam đã 4 lần vô địch SEA Games (các năm 2001, 2003, 2005 và 2009), những thành tích mà có lẽ còn lâu các nam đồng nghiệp mới đạt được.
Tuy thế nhưng ở ta thì phải là chức vô địch bóng đá nam. Đó phải là “món rau muống xào tỏi” trên bàn tiệc giải trí của người Việt ta. Bóng đá đã mang đến cho người dân ta niềm tự hào. Hình ảnh từng đoàn người già trẻ, lớn bé cầm cờ nước diễu hành trên các con phố trong cả nước năm 2008 khi Việt Nam vô địch AFF Cup chắc nhiều người còn nhớ. Khán đài sân Mỹ Đình với sự có mặt của các vị lãnh đạo cấp cao bỗng như vỡ òa hồi năm ngoái khi ĐTVN lội ngược dòng trước đội tuyển Indonesia.
Thể thao Việt Nam đã có HCV bắn súng ở Olympic nhưng có lẽ đó chỉ là “món rau dền, rau cải”… Điều mà khiến cho người dân Việt tự hào vẫn phải là món “rau muống” bóng đá, ít nhất là tại SEA Games lần thứ 29 này.
Người viết nghĩ như thế. Còn bạn? Chắc là bạn cũng đã ăn và thậm chí là... nhiều rau muống!
Đỗ Hải Âu
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất