Ngẫm từ "Kinh điển": Đừng để cảm xúc che mờ lý trí

21/04/2012 14:00 GMT+7 | Bóng đá Tây Ban Nha

(TT&VH Online) - Trong một nền báo chí hiện đại, mỗi tờ báo không chỉ còn là  cơ quan ngôn luận của một tổ chức chính trị, đoàn thể hoặc một ngành nào đó mà nó cũng trở thành tiếng nói của công luận và của độc giả. Những người đọc hiện nay đều có thể tìm được một “sân chơi” hấp dẫn cho riêng mình, nơi họ có thể trình bày những ý kiến hoặc bình luận  về vấn đề hoặc bài viết mà họ quan tâm. 

>>>Bạn có thể bày tỏ quan điểm của mình trên http://www.facebook.com/baothethaovanhoa

Tuy nhiên, cũng có không ít độc giả biến “sân chơi” này thành nơi để tranh cãi, thậm chí lăng mạ những người không đồng chính kiến, hoặc đơn giản chỉ vì không yêu đội bóng mà họ dành trọn trái tim. Bài viết này muốn góp một tiếng nói, sao cho những bình luận của độc giả trên TT&VH được khách quan hơn, hướng tới yếu tố chuyên môn nhiều hơn, chứ không sa đà vào những cuộc “khẩu chiến” giữa các CĐV, nhất là trong bầu không khí nóng bỏng của trận siêu kinh điển sẽ diễn ra vào rạng sáng ngày mai.



Hãy để tình yêu bóng đá được lên ngôi - Ảnh Getty

Có những người có khả năng thảo luận một cách hăng say, trung thực và văn minh về nhiều đề tài khác nhau nhưng bỗng nhiên họ lại trở thành những người cố chấp mỗi khi đụng đến đội bóng của mình. Mỗi khi nói về bóng đá thì lập tức những cảm xúc của họ lại tự động trào dâng đến mức không thể kiểm soát nổi.

Ở đây, tác giả không nói tới những phản ứng xảy ra trong quá trình diễn ra các trận đấu. Khi máu sôi lên, người ta có thể mắng mỏ trọng tài chính, trọng tài biên, đó là điều dễ hiểu. Nhưng điều muốn nói ở đây là những phản ứng thái quá sau trận đấu xảy ra, lúc người ta đã có thời gian và không gian cần thiết để suy nghĩ và suy ngẫm.

Bởi vậy, cứ nhìn vào một số “diễn đàn” của Internet - một công cụ hiện đại cổ vũ tự do ngôn luận và thông tin - thì đủ thấy không ít người, đáng ra phải sử dụng công cụ này để thảo luận, thậm chí tranh luận, họ lại lợi dụng nó để lăng mạ lẫn nhau, đả kích cá nhân, làm cho sân chơi được hình thành với mục đích tốt đẹp, đôi khi thành bãi chiến trường của những fan quá khích.

Có một sự thật khác đáng chú ý: một số độc giả còn cho rằng những ý kiến của các nhà báo hoặc người viết mà không trùng hợp với suy nghĩ của họ, đều bị quy kết là những “cules” hoặc “madridistas” chứ không phải tiếng nói khách quan của tờ báo. Tất nhiên, là con người, những người viết cũng có cảm xúc riêng của mình, nhưng nên nhớ những người viết còn có một nhiệm vụ là phản ánh dư luận đa chiều để độc giả có một cái nhìn tổng thể và bao quát hơn. Đó là chưa kể, phần lớn các tin, bài về bóng đá nước ngoài đều được biên soạn dựa trên những thông tin quốc tế, do đó nó thường phản ánh cách nhìn của những tờ báo, đài phát thành hoặc truyền hình được khai thác.

Điều đáng lo ngại là sự yêu, ghét một đội bóng tạo ra một chiến tuyến. Tại sao lại như thế  khi bóng đá là cái đẹp ?. Ai cũng có quyền được thưởng thức một cú đi bóng điệu nghệ của Messi qua hàng loạt các cầu thủ đối phương hoặc một cú sút sấm sét của Cristiano, dù người đó là fan của Barca hay là CĐV của Madrid. Yêu cái đẹp của bóng đá đâu phải là một sự phản bội với đội bóng con tim của mình.

Và tất nhiên, những hành động phi thể thao của cầu thủ này hay cầu thủ khác, của đội bóng này hay đội bóng khác, cũng cần bị phê phán kịp thời, như cú chọc mắt Tito Vilanova của Mourinho, cú giẫm chân lên tay Messi của Pepe, hay những pha đóng kịch của Busquet hoặc những sai lầm của các trọng tài. Nhưng không thể vì thế mà  “vơ đũa cả nắm”, kết luận Real Madrid là một đội bóng của những tiều phu hoặc Barca là một sân khấu của những kịch sỹ vv...

Hãy để cho những xúc cảm trào dâng nhưng đừng để nó che mờ con mắt khách quan và trung thực. Hãy góp một tiếng nói để tôn vinh cái đẹp và loại trừ cái xấu. Yêu đội bóng của mình không đồng nghĩa với nói xấu đối thủ. Chỉ có thế thì tiếng nói của chúng ta mới được người khác tôn trọng và lắng nghe.


Lưu Bảo

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm