Nên có giải Biếm họa báo chí hàng năm

29/03/2012 08:43 GMT+7 | Biếm Họa


(TT&VH) - Năm nay, trong số các giải thưởng của Giải Biếm họa Báo chí Việt Nam lần thứ III - Cúp Rồng tre chủ đề Môi trường và Biến đổi sinh thái, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục trao Giải đặc biệt cho họa sĩ Đỗ Anh Dũng (bút danh DAD).

Nhân sự kiện này, TT&VH đã có cuộc trò chuyện với ông Hà Minh Huệ - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo VN.

* Thưa ông, ông có thể chia sẻ về Giải thưởng Đặc biệt của Hội Nhà báo VN dành cho họa sĩ Đỗ Anh Dũng năm nay?

- Đây vốn là giải thưởng hàng năm của Hội Nhà báo VN trao cho tác giả có nhiều tác phẩm có chất lượng, đồng thời là tác giả có nhiều tác phẩm đăng báo trong thời gian 2 năm. Mục đích của giải thưởng này là khuyến khích các họa sĩ hoạt động rộng rãi, mang tính phong trào nhưng cũng đề cao chất lượng tác phẩm. Năm nay, họa sĩ Đỗ Anh Dũng đã có những tác phẩm dự thi có chất lượng cao và những đóng góp tích cực cho hoạt động biếm họa báo chí trong năm 2011 - 2012 nên chúng tôi chọn đây là chủ nhân của giải thưởng Đặc biệt của Hội.

Ông Hà Minh Huệ  – Phó chủ tịch Hội Nhà Báo VN tại triển lãm (người mặc áo trắng)

* Về lý luận, biếm họa thuộc chuyên ngành đồ họa, song thực tế, nó “sống” chủ yếu nhờ vào… báo chí. Theo ông, làm thế nào để nâng cao vai trò của biếm họa trong đời sống báo chí?

- Trước hết là biếm họa thì phải đăng trên báo, phải có báo chí mới thể hiện được ý nghĩa của biếm họa. Báo chí nói chung thường dùng ngôn ngữ để thể hiện và biếm họa có mặt tích cực tác động đến báo chí.

Còn để nâng cao vai trò biếm họa trong đời sống báo chí, điều này phụ thuộc rất nhiều vào định hướng của mỗi tờ báo. Tối thiểu, mỗi tờ báo phải dành một phần đất của mình đề đăng tải biếm họa, đồng thời cũng khuyến khích những người vẽ tranh biếm họa để làm sao họ đáp ứng được tiêu chí, mục đích của tờ báo đó.

Như họa sĩ Thành Chương nói, người Việt rất thích hài hước. Bản thân chúng ta mỗi khi lên mạng hay đọc báo, cũng thường tìm đến những góc hài hước. Nhưng tiếc là chính những người làm báo chưa quan tâm đến vấn đề này lắm. Mặc khác, biếm họa là một hoạt động không chỉ mang tính nghệ thuật mà cũng cần tập trung nhiều trí tuệ. Vì thế, để biếm họa có thể "sống tốt" được cùng báo chí thì bên cạnh việc dành một khoảng "đất trống" của báo dành cho biếm họa, cũng cần có những ưu đãi thiết thực dành cho những người làm nghề này như việc trả thù lao nhuận bút một cách thỏa đáng.

* Theo ông, Giải cần những yếu tố gì để phát triển tốt hơn cho những mùa sau?

- Tôi thấy giải diễn ra 2 năm/lần là hơi ít. Đáng ra năm nào cũng nên có. Nhưng không cần tổ chức hoành tráng, chỉ cần tôn vinh các tác phẩm qua việc đăng trên báo và tổ chức một lễ tổng kết khiêm tốn là được.

Việc triển lãm các tác phẩm ra đường như cách làm của năm nay cũng là một ý tưởng hay. Điều này có tác động tích cực đến việc xem, nhìn của công chúng, tạo được không khí gần gũi giữa biếm họa báo chí và người xem.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Lam Ngọc (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm