Bão số 2 làm đê biển nhiều nơi sạt lở, các tỉnh thống kê thiệt hại ban đầu

24/06/2013 06:21 GMT+7 | Thế giới

(Thethaovanhoa.vn) - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 ở khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị đã có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to trong những ngày tới. Hà Nội được cảnh báo có thể xuất hiện mưa to dẫn đến ngập úng.

Cùng với mưa to, các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ đã có gió mạnh cấp 5, có nơi cấp 6, giật trên cấp 6; một số nơi có gió mạnh hơn như Cửa Ông (Quảng Ninh) có gió giật mạnh 19m/s (cấp 8); đảo Bạch Long Vĩ (Hải Phòng) có gió mạnh 19m/s (cấp 8); giật 28m/s (cấp 10); Hòn Dấu (Hải Phòng) có gió mạnh 13m/s (cấp 6), gió giật 26m/s (cấp 10); ở Văn Lý (Nam Định) có gió giật 19m/s (cấp 8); Thái Bình có gió mạnh 15m/s (cấp 7); giật 20m/s (cấp 8); Hòn Ngư (Nghệ An) có gió giật mạnh 18m/s (cấp 8)… 

Tại quận Đồ Sơn, Hải Phòng, mặc dù đến 6h sáng nay (24/6) không có mưa lớn nhưng ngay từ chiều qua, triều cường đã lên cao bất thường gây tình trạng ngập nặng nhiều khu dân cư. Nước vẫn chưa xuống, tình trạng giao thông ở đây vẫn đang gặp nhiều trở ngại. Trước đó, theo ghi nhận của phóng viên,  một số nơi trên địa bàn Hải Phòng, đặc biệt là khu vực ven sông, biển, nước dâng cao, tràn cả vào nhà dân khi họ chưa kịp di dời đồ đạc. Nhiều khu nước ngập sâu gần 1m, gây khó khăn trong đi lại cũng như sinh hoạt cho người dân.

 

Bão số 2 gây ngập nhiều nơi ở quận Đồ Sơn, TP Hải Phòng. Ảnh Người lao động

Hồi 1 giờ ngày 24/6, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 21,0 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên khu vực các tỉnh phía Đông Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ).

Dự báo trong 12 giờ tới, vùng áp thấp này tiếp tục di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Bắc Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10km suy yếu và tan dần.

Do ảnh hưởng của hoàn lưu vùng áp thấp nên ở Vịnh Bắc Bộ sáng nay (24/6/) còn có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động. Ở các tỉnh phía Đông Bắc bộ và Bắc Trung bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và dông, cần đề phòng lũ quét và sạt lở đất.


Bão số 2 đổ bộ, sóng lớn ập vào bãi biển Khu du lịch Đồ Sơn. Ảnh: Vietnamnet

Phía Tây Bắc bộ có mưa, mưa vừa, có nơi mưa to đến rất to và rải rác có dông, gió nhẹ. Trong cơn dông cần đề phòng tố lốc và gió giật mạnh, đề phòng lũ quét và sạt lở đất.

Các tỉnh từ Thanh Hóa - Thừa Thiên Huế phía Bắc có mưa to đến rất to và dông, phía nam mây thay đổi, đêm có mưa rào rải rác và có nơi có dông, ngày có mưa rào và dông vài nơi.

* Nghệ An 2 người mất tích, 2 tàu thuyền bị hỏng, chìm và sạt lở đê biển

Theo Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn, do ảnh hưởng của bão số 2, đến tối qua (23/6), tỉnh Nghệ An đã có 2 người mất tích do lũ quét tại địa bàn Bản Nậm Càn, xã Nậm Càn, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An (lúc 5h chiều ngày 23/6). Đường Quốc lộ 7B trên đường đi vào đoàn Kinh tế quốc phòng 4, Quân khu 4 có nơi bị sạt lở, ngập cục bộ có đoạn ngập sâu 2-2,5 m gây ách tắc giao thông. Lũ quét làm trôi 1 nhà dân và 2 người mất tích là chị Lô Thị Huệ (41 tuổi) và cháu Hoàng Xuân Phúc (2 tuổi). Quân khu 4 cử 25 cán bộ, chiến sỹ tham gia cùng địa phương tổ chức tìm kiếm nhưng chưa tìm thấy.

Cũng do ảnh hưởng của bão số 2, 20m đê biển ở Nam Định bị sạt lở; 2 tàu thuyền tại Hải Phòng, Quảng Ninh bị chìm, hỏng khi đang trên đường đi tránh bão song toàn bộ ngư dân trên thuyền đã được cứu vớt an toàn.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 2, lúc 20h giờ ngày 23/6, Quân khu 3 đã tổ chức di dời 760 lao động ở Kim Sơn, Ninh Bình từ các khu vực nuôi, trồng thủy sản về khu trú tránh an toàn. Biên phòng Hải Phòng cũng phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức di dời 1.077 hộ với 1.795 người đến nơi trú tránh an toàn và tổ chức cưỡng chế 5 người cố tình ở lại bè nuôi trồng thủy sản.

Tại Quảng Ninh, hơn 1.000 khách du lịch đang tham quan trên đảo đã được đưa vào đất liền. Khoảng 500 khách khác tình nguyện ở lại trên đảo dù được thông tin về bão.Để đảm bảo an toàn cho số khách này, hệ thống nhà nghỉ, nhà dân có khách du lịch đã chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm cần thiết.

Tại Yên Bái hiện nay đã có mưa nhỏ rải rác trên hầu khắp địa bàn. Các đơn vị trực thuộc tỉnh Yên Bái đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bão lụt tại các địa bàn xung yếu để triển khai các giải pháp phòng chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Việc trực ban được tổ chứcnghiêm túc 24/24 giờ, thường xuyên báo cáo về Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh.

Tại Hà Nội, trận mưa lớn kéo dài từ đêm 23/6 đến sáng nay đã khiến nhiều tuyến đường ở Hà Nội ngập cục bộ.

Nhiều tuyến đường, khu phố ở Hà Nội như Thái Hà, Phạm Ngọc Thạch, Khuất Duy Tiến, Triều Khúc, Bùi Xương Trạch, Trường Chinh, Chùa Bộc, Tây Sơn, Nguyễn Xiển…bị ngập, có điểm tương đối sâu.

Có đoạn nước ngập ngang bánh xe khiến nhiều ô tô, xe máy bị chết máy giữa đường. Thậm chí, một số nhà dân trong phố Bùi Xương Trạch, Khương Đình đã bị nước tràn vào nhà.

Sáng nay, do lượng mưa lớn tập trung vào giờ cao điểm buổi sáng, nên nhiều tuyến phố đã xảy ra tình trạng ùn ứ giao thông. Đặc biệt, đường Nguyễn Xiển - Vành đai 3 tuyến đường giao thông hiện đại và là huyết mạch vành đai thành phố xảy ra tình trạng ngập úng rất sâu, nhiều xe máy đã không thể lưu thông qua, hoặc chết máy.

Nhân viên cấp thoát nước Hà Nội đã có mặt tại các điểm nóng về ngập úng đến thông tắc cống nước. CSGT cũng có mặt tại các điểm nóng rất sớm để giải tỏa ùn tắc. Tuy nhiên, tình hình chỉ được cải thiện lúc gần 9h sáng, khi mưa đã ngơt. Lúc này, nhiều người đã muộn giờ làm việc.

Xe thoát nước của công ty môi trường cấp thoát nước Hà Nội "trực chiến" tại ngã tư Bà Triệu - Nguyễn Du. Ảnh Mạnh Cường

Một điểm ngập úng cục bộ trên phố Sơn Tây, gần ngã tư Thái Hà - Chùa Bộc. Ảnh Mạnh Cường

Đường vành đai 3 Nguyễn Xiển ngập nặng

Theo Văn phòng Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, đến hết ngày 23/6 đã ghi nhận 1 số thiệt hại từ cơ bão:

Thành phố Hải Phòng, 50m kè cầu cảng khu vực bến Béo, đảo Cát Bà, 40m kè khu du lịch Đồ Sơn bị sạt lở; Đê kè Cát Hải bị sóng biển tràn qua gây sạt, hư hỏng nhiều vị trí. Thủy sản: 2.352 ha bị thiệt hại; 44 ha hoa màu bị thiệt hại.

Nước tràn bờ kè vào khu trung tâm Cát Bà. Ảnh: Báo Hải Phòng

Tỉnh Quảng Ninh, sạt lở thân đê Hà Nam, thị xã Quảng Yên: vị trí sạt lở tại K2+950 dài khoảng 50m; Nước dâng do bão và triều cường đã làm tràn một số đoạn đê địa phương: đê thuộc xã Đường Hoa, huyện Hải Hà dài 70m, đê xã Tân Bình, huyện Đầm Hà dài 50m, đê xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn dài 60m; 07m cầu cảng và 35m đường bê tông huyện Cô Tô bị sạt lở.

Tỉnh Nam Định, sập dốc bê tông tại K27+100 đê biển Hải Hậu; 20m kè biển khu du lịch Quất Lâm bị sạt lở; Kè 16 đê tả Đáy huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở 02 vị trí (K188+600 đến K188+700 dài 100m; đoạn K188+710 đến K188+950 dài 240m). Thủy sản: 450 ao nuôi trồng thủy sản, 100 lều trông ao nuôi tôm bị thiệt hại; 3 tỷ con ngao giống và một số giống thủy sản khác bị thiệt hại.

Nước biển dâng tràn ngập khu dân cư huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng. Ảnh Báo Hải Phòng

Tỉnh Nghệ An, 2 người mất tích do bị lũ cuốn trôi vào 5h ngày 23/6 (chị Lô Thị Huế, sinh năm 1973 và con Hoàng Gia Phúc sinh năm 2010). 8.080 ha lúa, 550 ha hoa màu và 385 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập.

Theo thông tin chúng tôi mới nhận được, khu vực TP Hạ Long có mưa to và gió cấp 6, cấp 7, giật cấp 8, cấp 9, gây sự cố mất điện trên TP Hạ Long. Cụ thể, ngày 23/6, khu vực Bãi Cháy có sự cố đường dây trung áp 22kV, gây mất điện một số khu vực của phường Bãi Cháy từ 18h38’ đến 19h42’.

Khu vực Hòn Gai cũng bị sự cố đường dây trung áp 22kV lúc 0h25’ ngày 24/6, gây mất điện một phần phụ tải dọc đường Nguyễn Văn Cừ.

Để khôi phục cấp điện trở lại, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã huy động lực lượng, phương tiện chuyên dùng tiến hành kiểm tra xử lý ngay. Vì vậy, đến sáng sơm ngày 24/6, Công ty Điện lực Quảng Ninh đã xử lý xong sự cố và tiếp tục cấp điện ổn định trở lại.

Các tỉnh, thành phố tiếp tục triển khai công tác thống kê thiệt hại và công tác khắc phục hậu quả, ổn định đời sống, sản xuất của nhân dân.

Nhóm PV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm