Bảo Ninh và 'Nỗi buồn chiến tranh' ở Hội An

13/04/2015 16:00 GMT+7 | Đọc - Xem

(Thethaovanhoa.vn) - Mới đây, tại Hội An, diễn ra cuộc giao lưu giữa các nhà văn Bảo Ninh, Nguyên Ngọc, Trần Kỳ Trung, Giáo sư Chu Hảo và nhiều nhà văn khác với đông đảo bạn đọc về tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh của Bảo Ninh. Bảo Ninh vẫn có hấp lực kỳ lạ dù chủ đề này ông đã có không biết bao nhiêu cuộc giao lưu.

Gặp Bảo Ninh, hỏi cảm tưởng của ông khi lần đầu tiên mang Nỗi buồn chiến tranh đến Hội An. Ông bảo ngay rằng: “Xúc động lắm. Tôi là người không giỏi nói và diễn đạt. Nhưng với đông đảo độc giả như ở đây, tôi thấy tự tin và thoải mái hơn nhiều”.

Bí mật cuộc tình được chia sẻ

Ngay phần đầu cuộc giao lưu, không khí đã nóng lên khi một độc giả nữ hóm hỉnh hỏi: “Bảo Ninh có nỗi khổ giống như Nguyễn Vỹ từng nói "Nhà văn An Nam khổ như chó" không? Nhiều người lính phải chịu "hội chứng hậu chiến", vậy thì Bảo Ninh có bị hội chứng ấy không? Nhân vật Phương có phải là người con gái trong mối tình thời trai trẻ của nhà văn?…”.


Nhà văn Bảo Ninh (trái) trong cuộc giao lưu với độc giả tại Hội An

Cả hội trường cười ồ lên, và Bảo Ninh cũng cười tít mắt: “Nghề văn ám ảnh tôi, khiến cuộc đời tôi không thoải mái, đến đi chơi cũng nghĩ phải về nhà để viết, nhưng khi về nhà lại không viết được gì. Nhưng không “khổ như chó” giống Nguyễn Vỹ nói đâu. (cười). Cho đến bây giờ, tôi vẫn buồn và nói thật là rất hay quên - có lẽ là hội chứng hậu chiến thật”.

Ông cũng chia sẻ bí mật rằng, nhân vật Phương đúng là một phần được lấy từ hình tượng một người con gái trong mối tình của nhà văn nhưng chủ yếu là về hình dáng mà ông không thể nói ra đây được.

Bảo Ninh thể hiện sự day dứt về tính bạo lực trong đoạn xử bắn tù binh: “Khi tôi sang Mỹ, có một người phụ nữ Việt Nam đã bật khóc nói với tôi về đoạn văn ấy. Viết về quân Sài Gòn quá gay gắt như vậy, trong chừng mực nào đó, tôi khá bối rối vì sợ chà xát vào nỗi đau của họ. Nghĩ lại, đoạn ấy là không nên. Sau này, khi viết một tác phẩm nào ấy, tôi sẽ viết để tôi cũng là người, họ cũng là người”.

Bảo Ninh tâm sự, Nỗi buồn chiến tranh khiến nhà văn rất buồn và mệt đến tận bây giờ. Vì thế, ông đang gặp khó khăn khi bắt đầu cuốn tiểu thuyết thứ hai. Ông nói “Cuộc sống đang bào mòn sức tưởng tượng của tôi. Tính tôi cầu toàn, muốn viết từng câu văn thật hay nhưng giờ điều đó lại khó làm được. Có lẽ vì tôi chọn đề tài quá khó cho mình. Nhưng tôi sẽ cố gắng để viết cuốn tiểu thuyết thứ hai”.

Nhược điểm của tác phẩm là câu nào cũng hay

Nguyên Ngọc nhận xét: “Nhược điểm của Nỗi buồn chiến tranh là câu văn nào cũng hay khiến tác phẩm “căng” quá. Câu văn trong tác phẩm giống như một hàm răng, nếu cứ đều chằn chặn sẽ không đẹp bằng có một chiếc răng khểnh”.

Nguyên Ngọc cũng bật mí một câu chuyện, mà đến giờ Bảo Ninh mới biết. Năm 1991, khi Hội nhà văn Việt Nam xét tuyển các giải thưởng được giải, nhà văn Vũ Tú Nam có nói: “Năm nay nếu Nỗi buồn chiến tranh không được giải thì sẽ không có giải thưởng văn xuôi”.

Nhưng lúc ấy, Ban chấp hành Hội nhà văn có 9 người mà tới 5 người không ưa Nỗi buồn chiến tranh. Nguyên Ngọc yêu cầu mời thêm những nhà văn khác vào Ban giám khảo chấm chọn giải thưởng và biết chắc những nhà văn ấy thích Nỗi buồn chiến tranh. Có lẽ vì thế, tác phẩm mới được giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1991.

Về sự nhún nhường để được in tác phẩm năm 1990, Bảo Ninh kể: “Khi ấy nhà văn Nguyễn Kiên là Giám đốc Nhà xuất bản Tác phẩm mới gọi tôi bảo cần đổi tên tác phẩm chứ không ai gắn “nỗi buồn” với “chiến tranh”. Để nguyên tên ấy thì không in được nên tôi đổi thành Thân phận tình yêu”.

Tham dự cuộc gặp mặt sáng qua, nhà văn Trần Kỳ Chung nói: “Sau khi Nỗi buồn chiến tranh xuất hiện, những người lính như chúng tôi mới giật mình… Bất kỳ một giai đoạn nào cũng có tác phẩm "đinh" và theo tôi, Nỗi buồn chiến tranh là tác phẩm "đinh" cho giai đoạn văn học của chúng tôi”.

Hồng Thúy
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm