(TT&VH)- Vừa qua ĐH Quốc gia Hà Nội đã kí kết với tập đoàn dầu khí Việt Nam bản thỏa thuận hợp tác nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, hướng tới mục tiêu Việt Nam đạt giải thưởng Nobel. TT&VH đã có cuộc trao đổi với GS, TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc, chủ tịch hội đồng khoa học và đào tạo ĐHQG Hà Nội, người trực tiếp kí kết và thực hiện thỏa thuận.
Trong thỏa thuận hợp tác nêu rõ "xây dựng triển khai Đề án chiến lược để Việt Nam có giải hưởng Nobel và các giải thưởng quốc tế uy tín khác". GS nói rõ hơn về vấn đề này?
Tập đoàn đầu khí Việt Nam là một trong những tập đoàn kinh tế chủ lực của đất nước, hiện nay doanh thu hàng năm của tập đoàn cũng chiếm tỉ trọng rất lớn trong GDP của Việt Nam. Với vai trò trọng yếu trong nền kinh tế của Việt Nam thì lãnh đạo tập đoàn có một chủ chương mang tầm chiến lược là thực thi những giải pháp quyết liệt để tăng tốc độ phát triển, gọi đó là chiến lược tăng tốc. Tăng tốc ở đây là bằng cách nào? Bài toán của tập đoàn dầu khí Việt Nam là muốn khai thác nguồn tài nguyên trí tuệ, thế mạnh của người Việt Nam. Họ tâm huyết với sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học.

GS.TSKH Vũ Ninh Giang
Nhưng rõ ràng đây là một tập đoàn kinh tế nên việc đào tạo nguồn nhân lực đến nay vẫn là trông chờ vào các cơ sở đào tạo, nghĩa là không chủ động được nhân lực và có thể rủi ro. Thứ hai là họ không có nhiều những công cụ và công nghệ để lựa chọn được những nhân tài. Chính xuất phát từ nhu cầu nội tại mở rộng nguồn nhân lực chất lượng cao như vậy thì lãnh đạo tập đoàn dầu khí đã nghĩ tới việc là kết hợp với một đơn vị đào tạo của Việt Nam.
Trước hết tập đoàn Dầu khí nhìn tới ĐHQG Hà Nội là đơn vị đào tạo và nghiên cứu có chất lượng cao và đa ngành đa lĩnh vực, đụng đến hầu hết các lĩnh vực của khoa học công nghệ. Nói cách khác ĐHQG có thể đáp ứng hết các yêu cầu của tập đoàn Dầu khí. Hơn thế ĐHQG Hà Nội lại có thế mạnh là phải bứt phá vươn lên trong nhiệm vụ được giao của Thủ tướng Chính phủ, đó là phải nhanh chóng trở thành ĐH giữ vai trò đầu đàn trong GD ĐH ở VN, làm xương sống cho hệ thông GD ĐH. Nghĩa là không chỉ đào tạo như một cơ sở đào tạo thông thường mà phải bứt phá vươn lên đi trước, và thậm chí còn đào tạo cán bộ cho các trường ĐH khác. Cả hai đều có nhu cầu như vậy thì gặp gỡ nhau trao đổi và rất nhanh chóng tìm ra một hợp tác chiến lược và đã kí văn bản đó. Trong đó có nội dung: hai bên cùng hợp tác tổ chức nghiên cứu khoa học có được sản phẩm nghiên cứu có chất lượng cao hướng tới các giải thưởng khoa học uy tín quốc tế bao gồm cả giải thưởng Nobel.
Giáo sư đánh giá tính khả thi của thực hiện nội dung này như thế nào?
Người Việt Nam khi nói đến giải thưởng Nobel thì hay cho rằng đó là điều gì hão huyền xa xôi. Phải nói đầy đủ nó như thế này. Giải thưởng nobel đúng là một giải thưởng khoa học cao quý nhưng hiểu theo nghĩa đầy đủ thì nó chỉ là tín hiệu chỉ báo những công trình nghiên cứu ấy đạt trình độ thế giới ở một lĩnh vực khoa học nào đó, người ta lựa chọn ra được kết quả nghiên cứu mà năm ấy nó vượt trội hơn tất cả.

Bao giờ người Việt Nam sẽ nhận được giải Nobel ?
Nhiều người đặt câu hỏi có khả thi hay không? Thì cách đặt vấn đề của ĐHQG Hà Nội và cả tập đoàn dầu khí là như thế này. Nếu chúng ta không dám đặt vấn đề này ra thì có nghĩa chúng ta coi việc này là ngoài tầm tay, ngoài năng lực của người Việt Nam.
Trung Quốc chẳng hạn, họ có một quyết tâm là trước năm 2049 là 100 năm thành lập nước CHND Trung Hoa họ phải lần lượt là từ nay đến lúc đó là họ phải có được 10 giải Nobel ở các lĩnh vực khoa học khác nhau. Họ đặt vấn đề này cách đây vài chục năm rồi mà bây giờ chưa có, chưa đạt giải thưởng nobel nào. Nếu nghĩ tới việc có một cái kết quả nghiên cứu nào đó đạt tầm cao nhất thế giới ở lĩnh vực khoa học nào đó thì rõ ràng phải có một chiến lược lâu dài, trước hết là ở tầm nhìn, thứ hai là cái quyết tâm rồi mới nói đến chuyện lộ trình.
Việc kí kết giữa tập đoàn đầu khí với ĐHQG Hà Nội là thể hiện một cái quyết tâm. Việt Nam bây giờ mới nói đến chuyện đó không phải là sớm mà là muộn rồi. Không phải là vấn đề khả thi hay không khả thi. Mà do nhu cầu hội nhập quốc tế là bên cạnh việc mình nâng đều trình độ của nền khoa học thì chúng ta phải có lĩnh vực đi trước đón đầu, phải có kết hợp với các trung tâm nghiên cứu và đào tạo danh tiếng trên thế giới, đó là cái cách mà tôi sẽ nói sau. Mũi nhọn chính là các ngành đi tắt đón đầu ấy. Rõ ràng nobel ở một lĩnh vực nào đó là cách nói một công trình khoa học, kết quả nghiên cứu đạt trình độ cao hàng đầu thế giới. Vì sao chúng ta không dám nghĩ đến chuyện đó. Với quyết tâm của cả hai bên, được chính phủ mà thông qua phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ủng hộ rất cao. ĐHQGHN cũng như TĐDKVN rất là tự tin trong việc triển khai kế hoạch này.
Chúng ta có tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước có nền Khoa học hiện đại?
Chúng ta không phải tìm kiếm mà có đối tác nưới ngoài họ tìm đến. Trước đây hơn một tháng chúng tôi có tiếp đoàn của ĐH Kyoto Nhật Bản nổi tiếng với 7 giải Nobel, ông Giám đốc là Nishimoto cũng đang là một ứng viên của giải nobel hóa học cho năm 2008. ĐH kyoto là nơi đã có kinh nghiệm trong việc nâng cao chất lượng nghiên cứu KH rồi từ đó có những nhà KH đạt giải nobel, họ có kinh nghiệm làm sao đó để các công trình đó được thế giới thừa nhận là đỉnh cao. Ông đã hội đàm với chúng tôi thậm chí đem theo một kế hoạch đề án để có được giải thưởng nobel trọn gói. Ông đưa ra một sơ đồ mà tôi thấy rằng nó hoàn toàn tư duy rất khoa học.
Tại sao họ không đến các nước khác mà lại tìm đến Việt Nam với kế hoạch đó?
Ông Nishimoto đánh giá cao tiềm năng trí tuệ của người VN. Ông có phân tích rất hay. Theo ông ấy thì theo những hiểu biết của người Nhật về VN thì người VN có ưu thế đặc biệt trong hoạt động tri thức cái đó nó có lịch sử từ ngàn xưa. Ở nhiều lĩnh vực thì mặc dù trình độ phát triển KTXH VN chưa cao nhưng mà từng bước một VN đã vượt trội ở ĐNA. ĐH Kyoto thường xuyên tổ chức với các ĐH danh tiếng trên thế giới các hội thảo KH có tầm cỡ trong những lĩnh vực khoa học mới dựa trên các môn khoa học cơ bản. Bây giờ chúng ta đang tiến hành phân loại và giảng dạy theo cách phân loại KH truyền thống vật lý, hóa học, toán học...Còn những ngành như KH vũ trụ không chỉ có toán, không chỉ có Vật lý, Hóa học mà có cả thiên văn, Sinh học và và có rất nhiều thứ người ta gọi là KH liên ngành. Họ thường tổ chức các hội thảo như thế ở Đức, Pháp, Hoa Kì..
Buổi lễ trao giải nobel diễn ra vô cùng long trọng
Ở ĐNA thì VN là nước đầu tiên họ tới. Họ đánh giá tiềm năng về KH cơ bản của VN rất cao. Ví dụ như toán học, ở đây họ không chỉ trông vào việc các em được giải thưởng Olympic, họ không để ý lắm đến chuyện đó. Họ nhìn vào những người VN đã thành công trên lĩnh vực Toán học ở các trường ĐH trên thế giới. Hiện nay chúng ta có rất nhiều GS toán học là những nhân vật nổi tiếng ở các trường ĐH. Họ nhìn nhận VN có biểu hiện khi quyết tâm làm cái gì đó thì thường tập trung sức lực, trí tuệ giải quyết. Muốn có được đỉnh cao trước hết phải có được quyết tâm đó.
Khi đến VN thì họ cũng tìm hiểu nhiều đơn vị, họ cần một cơ sở GD và Nghiên Cứu có đẳng cấp. ĐHQG dễ thuyết phục được điều đó vì ĐHQG đã có quan hệ mật thiết với nhiều trường ĐH của Nhật Bản rồi. Họ biết rõ từng con người cụ thể chứ không chỉ biết về đơn vị. Nhưng quan trọng hơn đây là nơi có rất nhiều lĩnh vực khoa học khác nhau bởi vì chọn lĩnh vực KH nào, chuyên ngành nào để tập trung đầu tư để có được những công trình khoa học đỉnh cao thì nó phải có một diện tương đối rộng. Nếu vào đơn vị mà lĩnh vực hẹp thì rất khó. Nó đòi hỏi một lộ trình riêng. Trước hết phải có một đầu tư chung xem ở lĩnh vực nào nó xuất hiện chứ không phải ngay lập tức đầu tư vào một lĩnh vực cụ thể nào đó. Với phân tích như vậy họ đã chọn ĐHQGHN.
Lộ trình để tiến tới Việt Nam đạt giải thưởng nobel và các giải thưởng khoa học uy tín khác?
Cách thức làm sẽ đòi hỏi nhiều công phu, phải xây dựng một đề án nghiên cứu một cách tổng hợp xem trên thế giới hiện nay trình độ KH trên các lĩnh vực nó là như thế nào, các giải thưởng lớn cụ thể tiêu chí người ta đánh giá ra sao. Đồng thời với việc đó tiến hành nghiên cứu toàn bộ tiềm năng của ta rà soát lại toàn bộ năng lực trí tuệ của VN trong và ngoài nước từ trước đến nay như thế nào. Chúng tôi sẽ có một nghiên cứu rất cụ thể, đặc biệt xem xét trong 100 năm trở lại đây người VN mình có mặt nào tiêu biểu về trí tuệ. Sở dĩ chọn 100 năm trở lại đây là có lí do. Thế kỉ XX là thế kỉ người VN có tiếp xúc Đông Tây, chúng ta buớc vào thời kì hội nhập cưỡng bức lần thứ nhất trong hoàn cảnh đặc biệt trở thành thuộc địa của Pháp. Trong 100 năm lại đây chúng ta tiếp nhận học vấn phương Tây, tiếp nhận KHCN của Châu Âu và vậy cho nên người VN có dịp cọ xát với trí tuệ thế gới (tất nhiên là trong hoàn cảnh bất bình đẳng). Chúng tôi sẽ nghiên cứu người VN đã bộc lộ năng lực trí tuệ của mình như thế nào. Người VN đã sang phương Tây học, đó là lí do chọn khoảng thời gian 100 năm để tiến hành nghiên cứu.
Đánh giá chung về năng lực của người VN, đại thể chúng ta vẫn nói là có năng lực nhưng năng lực ấy đến mức độ nào, ở tầm nào, thiên về cái gì. Tôi lấy thí dụ người ta vẫn nói rằng người VN tính nết tùy tiện khó làm được cái gì nghiêm lắm. Đấy là cách nói chưa thật là nghiên cứu sâu. Ở Hàn Quốc đã có một viện gọi là viện hàn lâm tinh thần Hàn Quốc (họ nghiên cứu để chỉ ra tất cả những cái như chúng ta vẫn nói là điểm mạnh, điểm yếu, mặt ưu mặt nhược của người Hàn Quốc), nhưng nói đúng hơn là người ta nghiên cứu để trả lời cho người Hàn Quốc là ai với tất cả những đặc điểm họ có. Chứ họ không hề chủ quan nói rằng cái mặt này là mặt ưu điểm, mặt kia là mặt khuyết điểm bởi vì khi đánh giá năng lực của một cộng đồng một dân tộc, hạ một câu mặt này ưu, mặt kia khuyết thì bản thân người đó đã không được quyền nói như vậy, đấy là sự chủ quan. Có thể cái anh cho là khuyết điểm nhưng người khác lại cho là mặt mạnh. Tôi thí dụ tính tuỳ tiện mà người ta vẫn nói rất khó chịu ở người Việt Nam thì lại là cái người Nhật đang rất đánh giá cao, đấy là cái sự năng động, linh hoạt. Và với một dân tộc có cái tính đó thì có cơ may giành thắng lợi trong kỉ nguyên thông tin.
Họ đánh giá Việt Nam sẽ là dân tộc phát triển trong công nghiệp phần mềm mà rất ít dân tộc khác sánh kịp. Như người Nhật chẳng hạn, rất kỉ luật chặt chẽ, người ta có thể làm được những chi tiết sản phẩm hết sức tinh vi nhưng người Nhật đâu có lợi thế trên thế giới về phần mềm, vì họ quá chỉn chu nên có cái gì đó đi tắt là họ khó thích ứng được. Người VN thì khác, khi thuật toán cho phép thì người VN đi tắt đến mức siêu phàm. Cái đó lại chính là cái lợi thế. Từ cái chỗ mình cho là tật xấu hiểu theo cái nghĩa chủ quan nào nào đó nhưng có khi biết khai thác nó lại là thế mạnh trong cạnh tranh Quốc tế. Chúng ta không đặt vấn đề mạnh yếu mà nó là những cái mà mình có. Hãy biến tất cả những gì mình có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế. Đấy là cách ứng xử khôn ngoan nhất của một dân tộc.
Cần một đánh giá tổng hợp, toàn diện và biện chứng để có một cái nhìn khoa học cho cái gọi là năng lực người Việt Nam đến đâu, thiên về lĩnh vực gì. Đặc biệt chúng ta sẽ tập trung "mổ xẻ" những trường hợp đã đạt đến đỉnh cao thế giới rồi. Như Đặng Thái Sơn chẳng hạn, đạt giải thưởng so-panh. Cái đó là năng lực của người Việt Nam mà rất nhiều quốc gia châu Á muốn đạt tới hàng đầu thế giới nhưng họ chưa làm được. Họ đầu tư rất công phu mong chờ cái đó trong một thời gian rất dài nhưng họ vẫn chưa đạt được. Nhưng Đặng Thái Sơn của Việt Nam lại được. Mình phải nghiên cứu một trường hợp như thế trong rất nhiều trường hợp khác , để xem xét các trường hợp mà mình đạt đến trình độ thế giới rồi đó. Nó là ngẫu nhiên hay có điều gì tất yếu bên trong đó không.
Sau khi đã đánh giá chung, phải xác định các lĩnh vực để tập trung đầu tư. Lĩnh vực ấy được xác định như thế nào thì sẽ có một quy trình, sau khi ngiên cứu trên quy mô lớn rồi hội thảo ý kiến các chuyên gia. Hiện nay các lĩnh vực vẫn đang phát triển nhưng phải nhìn ra lĩnh vực có khả năng, vừa ích quốc lợi dân nhưng đồng thời nó là cái hướng để đi tới đỉnh cao.
Tập trung đầu tư vấn đề là nguồn nhân lực và con người, người đạt giải nobel không trông vào các nhà khoa học có hàm vị ngay bây giờ mà phải nhìn vào các em nhỏ. Như Trung Quốc để chọn ra một người có khả năng để bồi dưỡng để làm trong lĩnh vực khoa học mũi nhọn nào đó thì họ phải chọn trong tập hợp một nghìn người mà một nghìn người đã được chọn lọc rất kĩ, đều giỏi cả, và cứ thế sàng lọc đi, 1 nghìn người còn 1 trăm người, còn 10 người. Trong tập hợp 10 người họ cũng không nghĩ đến đã đạt giải nhưng trong quá trình đầu tư như thế nó tạo ra một thế hệ mới có trình độ cao. Có thể thế hệ này chưa làm được điều đó nhưng đã đặt nền móng rất quan trọng.
Hiện tại, chúng tôi trông đợi và kết hợp chặt chẽ với Khu Công nghệ cao Hoà Lạc, có cả một chiến lược để khu công nghệ cao tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khu công ngệ cao đó đồng thời là công viên KH để các nhà KH đến đó làm việc và tham gia vào quá trình đào tạo. Đây sẽ là nơi sản sinh ra những kết quả lớn.
Đến một cái mốc nào đó để chúng ta có hy vọng chạm tay vào giải nobel?
Cái mốc thì không ghi vào trong văn bản nhưng rất kì vọng ở thời điểm 2045 khi đất nước tròn 100 độc lập thì cũng có cái gì đó sánh vai với các cường quốc năm châu. Còn nó là thời điểm cụ thể nào thì bây giờ chưa thể nói trước được.
Các nước trên TG có đặt ra mô hình và mục tiêu như ta không?
Nhật Bản là rõ rồi nhé. Khi họ đặt ra vấn đề đó thì trình độ của họ còn kém hơn ta bây giờ. Họ đặt vấn đề giải thưởng nobel từ trước những năm 50. Rõ ràng ta bây giờ trình độ cao hơn họ lúc đó nhiều. Còn Trung Quốc cũng đặt ra vấn đề này từ vài chục năm nay rồi. Lúc ấy TQ chưa có được những thành công như thời kì đổi mới. Nhật Bản thì đã thành công rồi, họ có nhiều giải thưởng nobel trên nhiều lĩnh vực. Cũng rất mừng khi ĐH Kyoto vốn rất thành công trong kế hoạch giành giải thưởng nobel trọn gói, từ việc chọn người, tập trung đầu tư ra sao. Mình học được rất nhiều và họ sẵn sàng sát cánh cùng với Việt Nam.
Nhưng cần phải nói thêm, nobel là hệ quả chứ không phải là cái đích. Cái đích là các công trình nghiên cứu của chúng ta có giá trị cao trước hết nó phục vụ cho ta trước đã. Công trình phải có ý nghĩa thực tiễn lớn lao. Và giải nobel cũng rất coi trọng ý nghĩa thực tiễn của các kết quả nghiên cứu, nó đem lại gì cho nhân loại, ý nghĩa cao cả của Nobel nó là như thế. Giải thưởng nó chỉ là hệ quả, tức là khi anh phấn đấu để có được kết quả nghiên cứu mà đạt đến đỉnh đi thì nobel tự nhiên nó đến. Tất nhiên là để có được giải thưởng phải có được quy trình của nó. Mình vừa nghiên cứu vừa hướng theo chuẩn mực của nó.
Một đất nước có giải thưởng nobel thì hình ảnh của đất nước đó trên thế giới hoàn toàn thay đổi. Tôi nhớ là năm 1980 khi tôi sang nghiên cứu sinh ở matxcơva các GS, viện sỹ rất yêu quý Việt Nam nhưng họ không đánh giá cao lắm về các phương diện năng lực như khả năng nghệ thuật, khả năng trí tuệ. Nhưng khi xuất hiện Đặng Thái Sơn có được giải thưởng sopanh thì ông viện sĩ ta nói với tôi là "tôi đã đảo lộn nhận thức về người VN trong đầu bấy lâu nay. Bởi vì phải là một dân tộc như thế nào đó mới có một người đánh piano mà tất cả người châu Âu, châu Á, châu Mĩ đều thua". Nên nhớ sopanh là giải thưởng âm nhạc lớn bậc nhất thế giới. Đặng Thái Sơn được rất nhiều nước mời đến. Thực tế là họ cũng khát khao có giải thưởng đó. Khi đó mình chưa đầu tư gì nhiều, hoàn toàn là tự đầu tư. Tất nhiên là có vai trò của chuyên gia Liên Xô lúc đó, nhưng ở đây năng lực tiềm ẩn, tự phát là nhiều, chứ hoàn toàn chưa có kế hoạch.
Muốn vươn tới đỉnh cao quốc tế thì phải có cơ sở giáo dục, nghiên cứu đạt chuẩn quốc tế đã? Chúng ta đã xây dựng mô hình này như thế nào?
Tập đoàn DK cam kết sát cánh cùng ĐHQGHN và tất nhiên có cả khu công nghệ cao Hoà Lạc, do bộ KHCN quản lý với các trường khác, các đơn vị khác, chứ không chỉ hai đơn vị này. Trước hết sự hợp tác chặt chẽ giữa ĐH và doanh nghiệp nếu mà làm tốt làm đầy đủ thì nó cũng đạt chuẩn QT rồi. Ở Vn thì hiện nay mối quan hệ giữa ĐH với doanh nghiệp nó còn khoảng cách rất xa. Nhiều ĐH, nhiều chương trình dạy những cái mà trường ĐH có, dạy những cái mà GS ĐH muốn dạy chứ chưa thực sự hướng tới nhu cầu của xh của doanh nghiệp. Những em học sinh mà có được việc làm là nó đã tự chủ động tích luỹ được kiến thức mà nó không được dạy ở trường. Thời đại thông tin các em có rất nhiều sách voẻ, nhiều kênh để học nên đã thích ứng được. Cái đó là sự tự thích ứng của người học chứ không phải cơ sở đào tạo. Rồi nữa sau khi họ chọn được những năng lực nào đó họ về đào tạo lại cho nên rất là mất công mất sức trong việc học của các doang nghiệp.
TDDK đã đặt vấn đề một cách có địa chỉ họ đưa ra điều kiện. Nếu mà hợp tác chặt chẽ nó đã đạt chuẩn QT rồi. Sang Đài Loan, Pháp, Mỹ... doanh nghiệp thâm nhập vào các trường ĐH khăng khít tới mức họ đã biết anh nào giỏi họ đầu tư sẵn cho những sinh viên đó để sau này trở thành cán bộ công nhân viên của họ. Cái mẫu là theo tiêu chuẩn của nước ngoài trong quan hệ giữa ĐH và doanh nghiệp. Thứ hai nó là mẫu là vì tập đoàn DK không phải là một doanh nghiệp đơn thuần mà các hoạt động của tập đoàn DK hiện nay là theo các chuẩn QT, vì TDDk có tính cạnh tranh Quốc tế nó cao nên họ đặt thẳng vấn đề là nhân lực phải như đào tạo ở các nước tiên tiến.
Để xây dựng cả một trường ĐH lớn lên chuẩn QT ngay thì việc đó không dễ nhưng có thể đưa từng ngành từng lĩnh vực lên theo yêu cầu của TĐ. Ví dụ họ cần chuyên gia về hoá dầu, về quản trị nhân lực, quản lí ngân hàng. Với các ngành hợp tác ấy cả 2 bên phải tập trung vào đầu tư vào chương trình điều kiện giảng dạy học tập theo chuẩn quốc tế. Cái chuẩn quốc tế ở đây là nói đến chất lượng quốc tế của các sản phẩm. Hiện nay ĐHQG đã có hàng chục chương trình đạt chuẩn quốc tế rồi. Ví dụ như hợp tác với Pháp chúng tôi có trung tâm PUF tất cả những người học ở đó thì cộng đồng châu Âu thừa nhận đạt chuẩn châu Âu. Chương trình giảng dạy theo các chương trình ĐH tiên tiến của Pháp, GS pháp bay sang đây dạy, các GS VN đạt chuẩn với sự xem xét đánh giá của một hội đồng nghiêm ngặt mới được tham gia giảng dạy. Những người học ở đó là du học tại chỗ, họ học bằng tiếng nước ngoài, chương trình nước ngoài, GS nước ngoài họ ra trường nhưng không kém gì những người đã học ở Toulouse, Marseille, Paris. Như vậy chất lượng của sản phẩm đạt chuẩn Quốc tế.
Điểm thứ ba là tính chất rất điển hình là doanh nghiệp đầu tư vào cho đào tạo, cơ sở đào tạo có trách nhiệm với doanh nghiệp. Xưa nay cũng có các doanh nghiệp đầu tư vào các trường xây các phòng thí nghiệm nhưng đấy là cách họ làm việc gọi là hỗ trợ. Đây là tập trung đầu tư đem lại lợi ích cho cả hai nó là sự phát triển bền vững lâu dài. Nó thành liên hiệp như vậy thì dạt tính chuẩn mẫu.
Những khác biệt về tổng quan của một chương trình đào tạo mà chúng ta có thể trông chờ vào sự đột biến của nguồn nhân lực?
Nâng cao chất lượng đào tạo thì tựu chung có 4 yếu tố. Thứ nhất là yếu tố đầu vào, hay nói cách khác là yếu tố người học. Thứ hai hai yếu tố người thầy, người dạy. Yếu tố thứ 3 là các điều kiện kèm theo như phòng thí nghiệm thiết bị kèm theo, cơ sở vật chất, thậm chí là kinh phí để trả lương các Giáo sư thoả đáng. Và yếu tố thứ tư mà bây giờ người ta cho là cực kì quan trọng là yếu tố quản trị đại học.
Còn chương trình người ta lấy không khó, như trường RMIT cho không có thể download trên mạng xuống được.Và với quan hệ quốc tế với 150 trường ĐH, hiện nay ĐHQG có thể chuyển dịch bất cứ chương trình giảng dạy của một trường ĐH tiên tiến nào.
Yếu tố đầu vào phải tính đến việc chiêu mộ người giỏi. Một học sinh nào đó đã thi vào đại học được theo một cái thi thông thường muốn vào chương trình này học phải qua một đánh giá nữa theo quy trình tuyển chọn nhân tài. ĐHQG rất có kinh nghiệm trong việc đó với hệ thống trường chuyên lớp chọn, kết hợp với bên TĐDK để đưa ra một quy trình tuyển chọn. Hiện nay ĐHQG HN có rất nhiều đề án nghiệm thu về tuyển chọn giới thiệu và bồi dưỡng tài năng. Chúng tôi sẽ xây dựng chương trình quốc tế ở cả 3 cấp cử nhân, thạc sĩ, tiến sỹ. Bởi nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp như TĐDK không chỉ có cử nhân thôi mà họ đòi hỏi nhiều trình độ khác nhau làm ở các cương vị khác nhau.
Cái khó hiện nay là đội ngũ thầy, chúng tôi đã cử đi học nước ngoài những tiến sỹ trẻ để dần dần thay thế. Họ có thể đưa những công nghệ mới nhất, tiếp thu khoa học mới và đặc biệt họ có thể giảng dạy dễ dàng bằng một ngôn ngữ khác ngôn ngữ mẹ đẻ. Họ có thể giảng dạy trực tiếp cho sinh viên nước ngoài.
Về điều kiện vật chất, do tư duy, hiện nay Hà Nội không có trường nào có khuôn viên rộng, coi đại học chỉ cần lớp học là đủ chứ quên rằng ĐH là không gian đặc biệt để trau dồi tri thức và sáng tạo cho nên nó phải rộng. Ta cũng rất thiếu các phòng, các thiết bị chuyên dụng, cơ sở vật chất có thể khắc phục từng bước theo cách tập trung vun cho đỉnh cao chứ không phải chờ đến lúc chúng ta có đầy đủ tất cả mà phải tập chung cho mũi nhọn.
Về quản trị chúng ta đã kéo rất dài cách đào tạo truyền thống là đào tạo niên chế. Nó rất giống kiểu học ở phổ thông đến ngày đến tháng khai giảng, hết năm nghỉ, học sinh nghỉ học quá quy định thì không được thi...Niên chế thì dễ quản lí theo cách hành chính từ trên xuống dưới. Nhưng mô hình đào tạo theo niên chế cứng nhắc ấy không còn phù hợp với xu thế phát triển của GD ĐH trên thế giới. Bên cạnh việc truyền thụ kiến thức, hiện nay người ta coi trọng việc tạo cho con người tính năng động, thích ứng cao, có khả năng sáng tạo. Trong quá trình học họ phải là người có tính tự học cao. Phương pháp dạy ấy người ta gọi là phương pháp đào tạo theo tín chỉ, hai giờ lên lớp lại có một giờ giao đề tài cho người học tự nghiên cứu. Người thầy hướng dẫn, theo dõi đặt bài, đánh giá sinh viên. Việc quản lí đào tạo theo tín chỉ có cái khó. Khi sinh viên chỉ cần gom đủ số tín chỉ là nhà trường cấp bằng bất luận là học lúc nào.
Ta phải thừa nhận quy luật phát triển không đều là một bộ phận của phát triển. Có người có năng lực tốt họ có thể hoàn thành sớm chương trình học. Với ý nghĩa đó thì quản trị đại học đòi hỏi thực sự chuyên nghiệp. Thứ hai quản trị là phải có phương tiện, tin học hoá, đặc biệt là xây dựng mạng nội bộ, quản lý dựa trên mạng nội bộ. Trong quản trị đặc biệt coi trọng sự phản hồi, sinh viên phải đánh giá thầy theo các thang điểm để từ đó thầy có thể có những điều chỉnh cho phù hợp. Rồi phản hồi của xã hội, chúng ta không thể cứ đào tạo ra rồi ai dùng được thì dùng.
Tuy nhiên, chúng ta phải chấp nhận là không thể kì vọng một ngày nào đó chất lượng ĐH của ta với trên 300 trường chung chung là đạt chuẩn quốc tế. Như ở Mỹ có hàng vạn trường ĐH, họ có những trường hàng đầu thế giới nhưng có những trường thuộc hạng kém nhất thế giới. Thương hiệu nhân lực gắn với một trường ĐH cụ thể chứ không gắn với một quốc gia.
Mạnh Cường (thực hiện)