Báo chí đang vô tình “cổ súy” cái xấu?

23/02/2012 09:00 GMT+7 | Văn hoá


(TT&VH) - Những hình ảnh khoe da thịt được “phơi bày” tràn lan, các vụ án được miêu tả bằng những tình tiết tỉ mỉ, rùng rợn trên mức cần thiết trên các báo đang gây ra những hệ lụy xấu trong xã hội. Thực trạng này là một trong những vấn đề được các nhà nghiên cứu, nhà báo nghiêm túc nhìn nhận, phân tích trong hội thảo “Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập” diễn ra ngày 22/2 tại ĐH KHXH&NV, Hà Nội.

Khi báo chí trở thành con dao hai lưỡi

Nhà báo Nguyễn Hòa chua xót nhìn nhận: “Một số tòa soạn đang cố tình khai thác, cố tình công bố tin tức theo kiểu: “Càng cập nhập càng tốt, càng giật gân càng hay”. Đua tranh đưa tin và bình luận về sự kiện - hiện tượng bất thường đã đưa tới một hệ quả là tình trạng “chụp giật”. Việc một tờ báo lùng sục khai thác thông tin đời tư nạn nhân của vụ án rồi đưa lên mặt báo một cách chi tiết nếu không nói là xúc phạm người trong cuộc thì cũng hết sức phản cảm, rất cần phê phán”.

Dẫn chứng cho kiểu đưa tin theo kiểu “chụp giật” này, nhà báo Nguyễn Hòa đã dưa ra nhiều ví dụ, điển hình là sự kiện xảy ra tháng 6/2011, sau khi tin “Tỷ phú đô la Phạm Nhật Hoàng, con trai ông Phạm Nhật Vượng, người giàu nhất Thị trường chứng khoán” và “Người yêu của anh (tức Phạm Nhật Hoàng) là “hot girl” nổi tiếng Sài thành “Whitebear” được post lên Internet một số báo mạng đã vội vàng khai thác, thậm chí dựa theo thông tin này để viết bài điều tra. Từ đó, bài “Con trai người giàu nhất sàn chứng khoán tỏ tình gây sốc” được đưa lên một số báo điện tử, diễn đàn. Chỉ đến khi ông Phạm Nhật Vượng khẳng định tin đó là sai sự thật, cơ quan chức năng vào cuộc thì mới phát hiện đây là tác phẩm của một cô bé 13 tuổi đã hư cấu để... trêu đùa!

Thông tin và phê phán cái xấu là cần thiết, đáng khuyến khích nhưng phê phán thế nào để những cái xấu được khắc phục, được loại bỏ, hay cải tạo góp phần làm cho xã hội lành mạnh hóa… thì lại là điều cần phải xem xét. Vụ án Nguyễn Đức Nghĩa và Lê Văn Luyện đã qua đi nhưng mỗi khi nhắc lại chắc chắn bất cứ ai cũng có thể kể vanh vách những tình tiết man rợ như được tận mặt chứng kiến. Báo chí đi sâu khai thác từng ngõ ngách nhỏ của vụ việc, khơi dậy nỗi đau của những người thân nạn nhân... chỉ để “thỏa mãn” thị hiếu tò mò của công chúng. Về vấn đề này theo TS Trịnh Thị Bích Liên (giảng viên HV Báo chí Tuyên truyền) thì vô hình trung báo chí đã tiếp tay cho cái xấu trong xã hội. Riêng việc đi sâu mô tả quá tỷ mỷ về động cơ, cách thức gây án hoặc những thủ đoạn, toan tính của thủ phạm sẽ rất dễ khiến công chúng hoang mang. Người tốt có thể vì những thông tin như thế mà tổn thương, kẻ xấu có thể lợi dụng những thông tin như thế để ngụy biện, trẻ em chưa nhận thức đầy đủ dễ bị a dua…

Cần phải cân bằng giữa “tính văn hóa” và “vụ lợi”

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng đáng buồn này. Trước hết, một thực tế là báo chí hiện đại không chỉ thuần túy đăng tải thông tin hay bình luận sự kiện, hiện tượng mà còn là một hoạt động kinh doanh. Chính vì thế, các nhà báo tìm mọi cách để lôi kéo độc giả về phía mình, trong đó việc sử dụng các “chiêu trò”, các tin tức “giật gân” nhằm đánh vào tâm lý, kích thích độc giả được nhiều tờ báo chọn lựa.

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái lý giải, có sự mâu thuẫn giữa tính văn hóa và tính vụ lợi bởi hai cái đó không đi chung trên một con đường và luôn luôn xung đột. Đôi khi nó xuất phát từ thói quen, tư tưởng muốn vụ lợi của nhà báo là muốn câu view, muốn độc giả truy cập báo mình càng nhiều nên ra sức “chế biến”, “nhào nặn” thông tin.

Cũng theo PGS-TS Minh Thái thì hiện tượng “chụp giật”, “câu khách” trên là một “sự khủng khiếp” và là “một thảm họa”: “Báo chí đưa thông tin chụp giật, câu khách, đi ngược lại sự phát triển lành mạnh của một nền báo chí tử tế. Trong khi đó, báo chí Việt Nam có truyền thống là báo chí cách mạng, báo chí chính trị. Đây là bệnh của cả một nền báo chí và cần phải có thuốc thăm khám cẩn thận . Phải điều chỉnh về văn hóa và làm thế nào để tính toán được những hệ lụy của những việc đưa theo kiểu này để bạn đọc thay đổi về nhận thức và hành vi”.

Nhìn nhận về thực trạng này, GS Hà Minh Đức cũng chia sẻ: “Có nhiều cách để phê phán cái xấu, không phải cứ phơi bày trần trụi sự thực mới có hiệu quả. Mà đôi khi chú trọng vào việc đăng tải, đề cao người tốt - việc tốt, những tấm gương xúc động lại làm thay đổi đến nhận thức, hành vi của con người một cách nhanh chóng”.

Để giải quyết được vấn đề đã nêu, nhiều ý kiến cho rằng cần có sự kết hợp của nhiều nghành theo một hình tam giác từ nhà trường, cơ quan quản lý đến đội ngũ nhà báo.

Hà Trang

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm