17/05/2011 10:56 GMT+7 | Âm nhạc
(TT&VH) - Đêm nay (17/5) Bằng Cường sẽ có đêm diễn cùng một số ca sĩ Hiền Thục, Quang Hà, Sỹ Luân, Phạm Quỳnh Anh, Quách Tuấn Du… nhóm Mây Trắng, F5, La Thăng tại chùa Trung Nghĩa (99/1111 đường Lê Đức Thọ, P.17, Q.Gò Vấp TP.HCM) nhân dịp lễ Phật Đản.
Một ca sĩ thị trường, nhưng trong 2 năm qua Bằng Cường đã biểu diễn rất nhiều chương trình miễn phí ở các chùa tại TP.HCM và miền Tây Nam bộ. Biểu diễn ở chùa và tiếp xúc với các sư thầy, Bằng Cường không những tìm được những giây phút thanh thản mà còn học được nhiều bổ ích từ triết lý nhà Phật.
Bằng Cường xuất thân trong gia đình có truyền thống về cải lương, nhưng lớn lên thì học múa tại Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội và ra đời lại hành nghề âm nhạc. Anh sinh tại Nam Định nhưng trưởng thành tại Hà Nội và năm 2005 thì “Nam tiến”. Công chúng biết đến Bằng Cường qua các bài hát do anh sáng tác như: Tình yêu và nỗi nhớ, Ngày hạnh phúc, Tôn thờ một tình yêu... Riêng bài Tôn thờ một tình yêu song ca cùng Khánh Phương, trên zing.mp3 đã có gần 3 triệu lượt người nghe.
Nhân dịp Phật Đản, Bằng Cường biên tập, thực hiện và tham gia biểu diễn tại chùa Trung Nghĩa, TT&VH có cuộc trò chuyện cùng anh.
Bằng Cường biểu diễn tại
* Nghe nói anh làm live show trong chùa, anh không sợ làm như thế là “náo động” cửa Phật?
chùa Trung Nghĩa, 2010
- Trước hết xin nói rằng đây không phải là live show của Bằng Cường mà chỉ là chương trình do Bằng Cường biên tập và thực hiện, trong đó Cường hát khoảng 5 - 6 bài. Và đây là chương trình mừng Phật Đản do chùa Trung Nghĩa tổ chức, hát toàn những bản nhạc về Phật, chùa, về tình cảm của đấng sinh thành, chủ yếu phục vụ cho Phật tử nên đó là những giây phút “lắng đọng” chứ không “náo động”.
* Trong đời ca hát của mình, cơ duyên nào đã đưa anh đến với cửa Phật?
- Bằng Cường cũng như một số nghệ sĩ khác thường ăn khuya ở đường Hải Triều (TP.HCM), vì là dân Bắc nên Cường thường ghé quán Cấm Chỉ của chị Thu Thơm, lâu rồi thành thân quen, Cường thỉnh thoảng mời chị đi xem mình biểu diễn. Chị Thơm cũng rất mến Bằng Cường, một lần chị mời hát trong chương trình tại chùa Trung Nghĩa do chị tài trợ vì chị là Phật tử tại chùa này. Cũng tạo được uy tín nên 3 chương trình sau, chị và thầy Thích Lệ Châu ở chùa giao cho Bằng Cường biên tập, thực hiện chương trình. Sau đó biểu diễn ở rất nhiều chùa khác như: Trung Nghĩa, Phổ Quang, Vĩnh Nghiêm, Minh Đạo, Quang Minh, Thiên Hòa (TP.HCM) và một số chùa lơn ở Bình Dương, Châu Đốc. Hiện nay Bằng Cường đã trở thành Phật tử của chùa Trung Nghĩa, đến với nhà chùa có lẽ là cái duyên.
* Một đêm nhạc ở chùa sẽ như thế nào? Có sân khấu hoành tráng, vũ đoàn không?
- Tuy đêm nhạc ở chùa là phục vụ miễn phí nhưng sân khấu cũng rất hoành tráng, âm thanh ánh sáng được đầu tư khá kỹ, có cả vũ đoàn ABC, Bước nhảy... Tuy nhiên, tất cả đều mang tính chất riêng của chùa, của nhà Phật. Đặc biệt trong đên 17/5 này đa số hát với ban nhạc sống, một số ít ca sĩ hát với nhạc đĩa. Chương trình này sẽ được thu để làm đĩa phát hành trong hệ thống nhà chùa sau đó nên mọi thứ đều được đầu tư khá kỹ.
* Có khá nhiều “sao” như Hiền Thục, Quang Hà, Sỹ Luân, Phạm Quỳnh Anh, Quách Tuấn Du... họ đều hát nhạc Phật cả hay sao? Các ca sĩ có lấy cát-sê không?
- Bằng Cường sẽ hát những bài về nhạc Phật do mình sáng tác, các bạn ca sĩ khách mời cũng sẽ hát những bản nhạc nói đến chùa, Phật, hoặc những bản nhạc về tình cảm cha mẹ. Mọi người đến với show diễn này cũng đều đến với cái “tâm” của mình, không lấy cát-sê. Tuy nhiên, BTC có hỗ trợ mỗi người 500 ngàn đồng gọi là tiền xăng xe...
Poster đêm diễn 17/5/2011
- Ban đầu biểu diễn ở chùa cũng chỉ với ý nghĩ đó như là một thử thách mới trong đời ca hát và sáng tác của mình, bởi hiện nay rất ít nhạc sĩ sáng tác riêng cho lĩnh vực Phật giáo. Nhưng khi gặp các thầy ở chùa để trao đổi về ý tưởng sáng tác, Bằng Cường ngày càng bị thu hút đến mảng âm nhạc này, “cảm” về nhạc Phật và hướng đến Phật. Bằng Cường đã phát hành album Ngàn năm sen nở, trong đó có 3 bài do mình sáng tác. Khi đứng trên sân khấu biểu diễn ở các chùa, Bằng Cường cảm thấy tâm hồn mình thanh thản, tạm quên thị trường âm nhạc xô bồ. Có thể nói đi hát show là để kiếm sống, còn hát ở chùa như một sự “dâng hiến” tâm hồn và đem lại niềm vui cho nhiều người, không suy tính thiệt hơn, đó là 2 thế giới khác hẳn nhau.
* Tiếp xúc với nhà Phật trong 2 năm qua, Bằng Cường tâm đắc điều gì nhất?
- Các thầy có nói: Biết đủ là đủ. Cường rất tâm đắc, theo Cường nghĩ, điều đó không phải là sự tự hài lòng mà là chìa khóa của hạnh phúc. Trong cuộc sống mà mọi người bị cuốn vào guồng quay kiếm tiền, có thể nói nếu mình không có một giới hạn trong việc kiếm tiền mình sẽ phải lao tâm khổ tứ, cực nhọc vì nó và không có được sự thanh thản để hưởng thụ nó. Tiền bạc là rất cần cho cuộc sống mỗi người, nhưng tham lam quá thì cũng khổ, nên “biết đủ là đủ” thì sẽ rất hạnh phúc.
Bình Minh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất