15/03/2013 16:01 GMT+7
Những tưởng trong một xã hội mà ai cũng bằng này cấp nọ, tràn lan cử nhân, tiến sĩ, kỹ sư… như bây giờ thì “giặc dốt” chỉ là câu chuyện của quá khứ. Nhưng, thực ra nó vẫn còn tồn tại (thậm chí là còn đáng sợ hơn xưa) dưới một “lớp áo” khác: sự ấu trĩ hay sự ngộ nhận về hiểu biết. Nói một cách nôm na bằng ngôn ngữ bình dân là: dốt mà không hề biết là mình dốt.
Có thể tạm chia những người có ảnh hưởng trong xã hội (bất cứ xã hội nào) thành 5 nhóm sau đây: có quyền, có tiền, có tiếng, có bằng, và có chữ.Những người có tiền lại ảnh hưởng đến xã hội thông qua cách họ kiếm tiền và xài tiền. Người có tiền ấu trĩ thường là những người kiếm tiền bằng những cách không chính đáng nhưng lại rất tự hào về điều đó, và/hoặc dùng tiền họ kiếm được để cổ xúy cho những cái không nên cổ xúy. Tương tự như vậy, những người có tiếng ấu trĩ không tự ý thức được cái “tiếng” mà mình có được là theo kiểu nào (danh tiếng hay tai tiếng), và mình sẽ dùng nó như thế nào. Nên mới có chuyện một cô người mẫu rất tự hào vì mình đã trở nên nổi tiếng nhờ việc khoe thân khắp các mặt báo, hay rất nhiều người mang danh là “nghệ sĩ” nhưng công chúng hiếm khi thấy họ khoe những tác phẩm nghệ thuật hay sáng tạo nghệ thuật mà chủ yếu là khoe nhà, khoe xe, khoe áo quần. Thực ra khoe không phải là xấu, nhưng vấn đề nằm ở chỗ, điều đáng để khoe không phải là những gì mình kiếm được hay đạt được, mà là những gì mình đóng góp cho cộng đồng.
Người có bằng thường cũng được cộng đồng vị nể và những hành xử của họ thường được xem là chuẩn mực để người khác noi theo. Thế cho nên cái tai hại mà sự ấu trĩ của họ gây ra là nó khiến cho những người xung quanh họ mất đi niềm tin vào những giá trị chuẩn mực. (Theo kiểu “Ôi trời, đến tiến sĩ mà còn hành xử như thế thì mình làm vậy cũng có gì đâu mà ngại!”).
Có một nghịch lý là sự ấu trĩ của một người có thể gia tăng tỉ lệ thuận với số bằng cấp mà họ sở hữu, nhất là khi cái bằng đó không phải là kết quả của một quá trình học tập để “khai minh” bản thân mà chỉ là một vật trang sức để làm bản thân họ thêm lấp lánh. Bởi lẽ, cái bằng đó có thể khiến cho họ ngộ nhận rằng mình cũng hơn người hoặc cũng chẳng kém ai mà quên đi rằng vẫn còn quá nhiều điều cần phải học hỏi để nâng cao nhận thức và hiểu biết của mình.
Những người có chữ (hay còn gọi là “tinh hoa”) là một trường hợp đặc biệt. Bởi họ luôn được xem là “đôi mắt” hay “tầm nhìn” của xã hội, cho dù họ có thể không có quyền hay có tiền…. Là “tinh hoa”, “trí thức” nên tất nhiên họ sẽ không có những cái ấu trĩ bình thường của những người bình thường. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ không có “điểm mù”. Liệu họ có thực hiện được sứ mệnh định hướng, định hình xã hội trong lĩnh vực, ngành nghề của mình hay chưa? Liệu họ có bứt ra được những giới hạn của thời đại mình đang sống để có được một viễn kiến xa hơn, rộng hơn? Liệu họ có hướng được xã hội của mình đi vào một thời đại mới tốt đẹp hơn bằng chính tầm nhìn, trí tuệ đó của mình, hay vẫn chỉ loay hoay với những thị phi trong thời đại của mình? Không ít người dù ngậm ngùi nhưng cũng phải đồng tình với nhận xét (trong một bài viết của GS. Trần Hữu Dũng) rằng Việt Nam đang ở trong “thời vắng những nhà văn hóa lớn” khi mà những ngôi sao dẫn đường trên bầu trời tinh hoa ngày càng ít ỏi và le lói.
Nói tóm lại, ai trong chúng ta cũng có thể mắc phải căn bệnh ấu trĩ. Bởi như Einstein từng nói: “Có hai thứ được coi là vô tận: Vũ trụ và sự ngu dốt của con người”. Và ông còn nói thêm rằng: “Về phần vũ trụ thì tôi không chắc lắm, nhưng sự dốt nát của con người thì chắc chắn là như thế”. Như vậy, dốt nát chưa phải là bi kịch lớn nhất của con người, mà bi kịch lớn nhất của con người là “dốt mà không biết mình dốt”.
Để không lún sâu vào cái dốt mênh mông ấy, mỗi người cần có một trách nhiệm với bản thân là liên tục “phản tỉnh” chính mình, phản tỉnh với những điểm mù (nếu có) của mình. Ngay cả với giới tinh hoa, nếu không liên tục “phản tỉnh chính mình” hay “phản tư chính mình” thì người hiểu biết sẽ dễ trở thành người ít hiểu biết hay người ấu trĩ trong một số vấn đề (kể cả những vấn đề thuộc chuyên môn hay sở trường của mình), và khi đó sẽ không chỉ khó thực hiện được tốt cái vai trò thức tỉnh xã hội vốn có của mình, mà còn có thể gây nguy hại cho xã hội.
Tôi xin dùng một câu chuyện có tên là “Rời hang” (lấy cảm hứng từ “Dụ ngôn hang động” trong tác phẩm “Cộng hòa” của Platon) để kết lại việc lạm bàn về chủ đề “sự ấu trĩ”:“Ngày xửa ngày xưa, xưa ơi là xưa, có một cái hang và có một cộng đồng lớn sống trong cái hang đó. Vì cái hang ấy vô cùng lớn với các ngóc ngách rất lắt léo và cộng đồng ấy đã sống ở đó qua nhiều thế hệ, nên lâu ngày họ mặc nhiên tin rằng cái hang ấy là cả thế giới và ánh sáng từ đống lửa trong hang là ánh sáng duy nhất mà họ có.
Cho đến một ngày nọ, có một người bỗng vô tình lọt ra được ngoài hang. Ban đầu, anh ta cảm thấy đau đớn vì bị lóa mắt trước ánh mặt trời và cơ thể chưa thích ứng được với khí hậu và thời tiết của thế giới bên ngoài. Nhưng khi đã quen dần và cảm nhận được sự ấm áp của ánh mặt trời, sự sinh động huyền ảo của vạn vật, của cỏ cây hoa lá, anh ta nhận ra rằng đây mới thực sự là thế giới của “con người”.
Anh ta quyết định quay trở về hang và ra sức thuyết phục, tìm cách đưa mọi người rời hang để về với thế giới. Thế nhưng, sau khi nghe anh ta kể câu chuyện ở thế giới bên ngoài hang, những người trong hang không những không tin, mà còn quyết định giết chết anh ta, vì cho rằng đó là những điều bịa đặt, và vì lo sợ rằng, những nỗ lực và việc làm của anh ta sẽ gây ra sự rối loạn, cũng như đe dọa cuộc sống êm ấm hạnh phúc bao đời của cộng đồng trong hang…”.
Mỗi khi ngẫm nghĩ về câu chuyện này, tôi lại tự hỏi mình rằng: Mình đã “rời hang” chưa? Gia đình mình, tổ chức mình, cộng đồng mình… đã “rời hang” chưa? Nếu mình đã rời hang và ra với ánh sáng thì thật là tuyệt vời. Nhưng nếu vẫn còn ở trong hang và mình cũng biết rõ điều đó (và đang từng bước tìm cách rời hang) thì cũng không phải là điều tệ hại. Còn nếu mình đang ở trong hang mà lại cứ tưởng rằng đã rời hang rồi và ra với ánh sáng rồi thì thật là bất hạnh.
Nhưng có một điều còn bất hạnh hơn vô vàn lần, đó là, mình đã thực sự rời hang rồi, nhưng không phải là “rời hang” để ra “ánh sáng”, mà là rời cái hang này để rồi lại chui vào một cái hang khác, to hơn, tăm tối hơn, nhưng mình lại không hề nhận ra điều đó…
Và mỗi con người, ai cũng có thể có đến mấy “cái hang” (chứ không phải chỉ một). Gia đình mình, tổ chức của mình, xứ sở mình, và thậm chí cả thế giới này đều có thể là những cái hang. Nhưng, “cái hang” to nhất, tăm tối nhất chính là cái hang “vô minh và ấu trĩ” bên trong con người của mình.Nếu như hành trình khai minh bản thân, đưa bản thân “rời hang” đã khó, thì hành trình khai minh xã hội, dẫn dắt cộng đồng mình và cùng cộng đồng mình “rời hang” lại càng gian nan gấp bội phần. Đó là một hành trình đầy gian khó, rất dài lâu và nhiều hiểm nguy, nhưng là một hành trình tất yếu mà chắc hẳn ai trong chúng ta cũng thấy rằng không thể không bước tiếp.
Theo Giản Tư Trung
Tạp chí Tia sáng
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất