Cảnh báo gia tăng người bệnh nhập viện do cúm

31/12/2019 13:00 GMT+7 | Bạn cần biết

(Thethaovanhoa.vn) - Từ đầu tháng 12 đến nay, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) ghi nhận số người bệnh nhập viện do cúm tăng đột biến.

Báo động nguy cơ cao lây lan chủng vi rút cúm mới vào Việt Nam

Báo động nguy cơ cao lây lan chủng vi rút cúm mới vào Việt Nam

Nước ta nằm trong "điểm nóng" của khu vực Đông Nam Á, hàng ngày diễn ra nhiều hoạt động giao lưu, đi lại, thương mại với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới, vì vậy nguy cơ lây lan các chủng vi rút cúm từ các nơi khác trên thế giới vào Việt Nam là rất lớn.

Trung bình mỗi ngày, Khoa Cấp cứu tiếp nhận gần 100 trường hợp đến khám và cấp cứu thì có tới 50 trường hợp có chỉ định nhập viện do cúm. Đáng chú ý, có những trường hợp trẻ sơ sinh chỉ mới 5 - 7 ngày tuổi đã phải nhập viện điều trị cúm.

Các bác sĩ Khoa Bệnh Nhiệt đới cho biết: Trẻ em là đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh cúm cao nhất. Tuy nhiên, tỷ lệ mắc bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao là ở nhóm trẻ dưới 2 tuổi, người già và nhóm người có bệnh mạn tính.

Theo cơ chế, một người nhiễm cảm cúm có thể truyền bệnh trong khoảng thời gian 1 ngày trước và 5 ngày sau khi xuất hiện các triệu chứng của bệnh như sốt, đau đầu, đau nhức cơ thể, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho. Quá trình lây nhiễm cúm thường diễn ra từ 1 đến 5 ngày sau khi tiếp xúc.

Chú thích ảnh
Người bệnh nhập viện do cúm tăng đột biến

Bệnh lây lan qua đường hô hấp, qua không khí, các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh có chứa virus cúm qua ho, hắt hơi. Tốc độ lây lan bệnh rất nhanh, nhất là ở những môi trường tạo điều kiện thuận lợi cho virus cúm phát tán như trường học, nhà trẻ, khu vui chơi và cả trong gia đình. Với điều kiện thời tiết lạnh và ẩm thấp như hiện nay, tế bào đường hô hấp của người dễ bị tổn thương, sẽ làm tăng khả năng nhiễm bệnh.

Cúm là bệnh nhiễm virus cấp tính đường hô hấp thường xuất hiện vào thời điểm giao mùa, nên thường được gọi là bệnh cúm mùa. Bệnh cúm gây ra bởi ba chủng virus cúm là A, B và C. Trong đó, cúm A và B là hai chủng gây bệnh phổ biến nhất và cũng nguy hiểm hơn virus cúm C.

Ở trẻ em và người già, người mắc bệnh mạn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc người có suy giảm miễn dịch thì bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Để bệnh không bùng phát, các bác sĩ khuyến cáo: "Phòng bệnh hơn chữa bệnh", người dân cần chủ động áp dụng ngay các biện pháp phòng ngừa dưới đây để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình, cộng đồng:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi; thường xuyên rửa tay với xà phòng với nước sạch; vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín, ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường vitamin, nâng cao sức đề kháng. Ăn cân đối các nhóm dưỡng chất: tinh bột, chất đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất.

- Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, khi ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.

- Hạn chế tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu nghi ngờ nhiễm cúm.

- Tiêm vaccine cúm mùa, đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Theo VTV

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm