'Bán anh em xa, mua láng giềng gần'!

02/02/2022 07:00 GMT+7 | Văn hoá

Cắt⌘+X(Thethaovanhoa.vn) - Người Việt mình có câu “Một giọt máu đào hơn ao nước lã”, cũng lại có câu “Bán anh em xa, mua láng giềng gần”. Thoạt nghe như là “tư duy nước đôi”, nhưng thực ra hai câu đó không loại trừ nhau, mà đồng hành để nhấn mạnh vai trò của cả quan hệ huyết thống lẫn quan hệ cộng đồng.

Chữ và nghĩa: Chửa con so 'làm lo' hay 'làm cho' láng giềng?

Chữ và nghĩa: Chửa con so 'làm lo' hay 'làm cho' láng giềng?

“Chửa con so làm lo láng giềng”, không hiểu sao tác giả Nguyễn Đức Dương (trong Từ điển Tục ngữ Việt Nam, NXB Tổng hợp TP.HCM, 2010) lại thống kê tục ngữ có chữ “lo” này. Vì căn cứ vào câu chữ, ta sẽ hiểu là: Cô gái nào đẻ con so sẽ đem lại nỗi lo cho hàng xóm, láng giềng (của cô ấy).

1. Mấy tháng cách ly ở nhà, mỗi khi nhận bó rau, cân cam, cân na, quả bí,… do các cháu gần nhà mua giúp, nhận mấy bắp ngô non và hộp bánh Trung thu do bạn của con gửi, rồi nhận bó hoa hàng xóm mua hộ để cúng rằm,… càng thấy láng giềng quan trọng.

Nhớ hồi gia đình tôi ở trong khu tập thể gần Thanh Xuân, nhà liền nhà, cuộc sống hàng ngày đúng là sớm lửa, tối đèn. Vay “bò” gạo, xin thìa muối, bát dưa, hễ có món ngon lại đưa sang nhà nhau, về quê lên là có quà, rồi nhờ đánh gió, nấu giúp nồi nước xông, “giật nóng” mấy đồng,… là việc bình thường. Thậm chí sau khi lên thăm con cháu, trở về quê rồi có cụ còn bảo mang miếng mít, túm nhãn, mớ rau để biếu hàng xóm. Có lần nghe bé lớn nhà tôi khóc to vì ngã xuống nền nhà, bà cụ hàng xóm đã chạy vội sang. Hỏi han dăm câu, cụ lật đật về nhà vê 9 nắm cơm bé tí, rồi đặt vào chỗ cháu ngã, lầm rầm “khấn vía”. Bé thứ hai khóc “dạ đề”, bà cụ khác sang ngồi bên, vừa nựng vừa lầm rầm khấn.

Chú thích ảnh
Cổng làng Đường Lâm. Ảnh: NSNA Lê Vượng (ảnh do NSNA Lê Cường cung cấp)

Thực tế thì hàng xóm cũng có người này người khác và đôi khi gây phiền hà, đôi khi vì ích kỷ, chấp nhặt, hiểu lầm mà sinh chuyện ầm ĩ, thậm chí có hàng xóm “không nhìn mặt nhau”. Nhưng nhìn chung mọi người sống tình nghĩa, sẵn sàng tương trợ, giúp đỡ. Người sống kiểu “Của mình thì giữ bo bo - Của người thì để cho bò nó ăn” thường bị xa lánh, thành chủ đề đàm tiếu.

Ở Hà Nội ngày trước, dân cư ở những con phố ngắn, các đoạn phố dài hầu như đều biết nhau, hễ hỏi thăm là rất nhiệt tình chỉ giúp. Thậm chí có người còn biết rõ trong đám trẻ nghịch ngợm trèo me trèo sấu rằng “thằng ấy con ông A, con bà B”. Giờ án ngữ mặt tiền là quán xá, cửa hiệu sáng trưng, láng giềng hàng phố như thế không còn nhiều nữa. Dẫu không muốn thì khi mua nhà đập đi xây lại, hoặc thuê mặt bằng, cư dân mới cũng phải đẩy cư dân cũ vào sinh sống phía trong, hoặc mua nhà nơi khác.

Theo quan sát của tôi đến hiện tại ở đô thị, cư dân sống trong các xóm ngõ ít nhiều còn duy trì lối sống láng giềng, vì vẫn thấy í ới gọi nhau sang nhà chơi, nhờ qua chợ tiện mua giúp luôn mớ rau, lạng thịt, gọi nhau đi siêu thị, tập yoga, giúp đưa đám trẻ đi học. Lúc rảnh rỗi, mấy ông chồng tụ tập làm chai bia, chơi ván cờ.

Chú thích ảnh
Không khí Tết rộn ràng tại những con hẻm, khu phố

Quan hệ đó ít thấy trong sinh hoạt của cư dân sống trong biệt thự liền kề, hay căn hộ chung cư đi khóa về mở. Có lẽ tình trạng này xuất hiện do cư dân có công việc khác nhau, các gia đình sẵn đồ ăn thức uống mà mua cũng dễ, dụng cụ gia đình không thiếu nên không phải gõ cửa hàng xóm. Tất bật đưa đón con đến trường, làm việc theo giờ giấc, tối về hối hả lo cơm nước xong còn phải xem con học hành, nên ít thời gian ngó ngàng hàng xóm, gặp nhau ngoài hành lang, trong thang máy thì gật đầu chào. Sống ở biệt thự liền kề hay chung cư hiện đại, người đã quen sống kiểu quan hệ “bán anh em xa mua láng giềng gần” mà không chú ý điều chỉnh, dễ có ứng xử bị coi là “làm phiền người khác”.

2. Vài chục năm trước, mấy người bạn lính của tôi đã trở về với con trâu cái cày, vất vả mưu sinh nhưng hễ “nhà tao có giỗ”, “làng tao có hội”, “con tao lấy vợ”, “nhà tao gả chồng” là lại hối thúc bạn bè về chơi. Mỗi lần về quê bạn hoặc đi công tác, tôi thích một mình lang thang ngắm đường làng, xóm ngõ, và ngắm những ngôi nhà có tường gạch xây cao trên lởm chởm mảnh thủy tinh, nhưng lời chào hỏi hồ hởi, tiếng gọi í ới vẫn y như thuở còn “bụi mồng tơi xanh rờn”. Thi thoảng tôi nấn ná ở lại để buổi tối ngồi hàng hiên dự các cuộc tụ tập láng giềng, trong câu chuyện rôm rả bên ấm trà, điếu thuốc, thấy có lời nhắc nhở con cháu không nhuộm tóc xanh đỏ, không săm loang lổ tay chân, không phóng xe máy trên đường làng…

Trong khi đó ở vùng đô thị, một lối sống mới và hiện đại đã hình thành, ngày càng phổ biến, đó là tất yếu không tránh khỏi của quá trình đô thị hóa. Cuộc sống biến đổi đẩy tới sự biến đổi của cách thức tổ chức cuộc sống, hình thành một số tiêu chí quan hệ cộng đồng mới. Tuy nhiên, biến đổi như thế nào có lẽ là điều không hề đơn giản. Và tôi vẫn băn khoăn: Liệu đến ngày nào đó, lối sống “đèn nhà ai nhà nấy rạng” có lên ngôi, có thay thế “bán anh em xa mua láng giềng gần”? Liệu ngày nào đó, “bán anh em xa mua láng giềng gần” chỉ còn là giá trị của quá khứ, là hoài niệm của người cao tuổi? Phải chăng thói vô cảm mà chúng ta đang phê phán lại có một phần nguồn gốc từ sự suy giảm của tình cảm láng giềng, cộng đồng?

Nhà phê bình Nguyễn Hòa
Thể thao & Văn hóa Xuân Nhâm Dần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm