Bài 2: Chiếc máy bay đầu tiên

29/01/2010 13:45 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Theo thiết kế, TL-1 là máy bay có 4 chỗ ngồi, phỏng theo chiếc máy bay Raely 220 của Pháp. “TL” là tên viết tắt của loại máy bay được thiết kế thực hiện nhiệm vụ trinh sát liên lạc; số 1 biểu thị đây là chiếc đầu tiên của loại này. Máy bay TL-1 được thiết kế với các trang bị máy móc hiện đại tương đương với các máy bay cùng loại trên thế giới, sử dụng động cơ cánh quạt IO-470F của Hãng Continental, máy liên lạc Wincox-807, các thiết bị khác như điện, đồng hồ trên máy bay, sử dụng phần lớn các phụ tùng, chiến lợi phẩm thu được.


Đại tướng Văn Tiến Dũng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
 trong buổi bay thử máy bay TL-1.

Quá trình nghiên cứu gặp không ít khó khăn. Mỗi người chỉ có duy nhất một chiếc máy tính cá nhân nhỏ bằng hai bao thuốc lá (do ông Phúc tặng) mà ngày nay giá trị chỉ vài chục ngàn đồng, nhưng lúc đó là một công cụ quý hỗ trợ đắc lực cho việc tính toán của anh em. Công việc nghiên cứu vất vả, ăn uống kham khổ, chỉ có bo bo giống như bất kỳ người dân nào cùng thời kỳ đó, tuy nhiên anh em say mê làm việc không kể ngày đêm.

Việc chế tạo chi tiết cũng gặp nhiều trục trặc. Khó khăn nhất là việc đúc cánh máy bay đòi hỏi hai cánh phải được làm với các thông số kỹ thuật y hệt nhau để đảm bảo sự cân bằng tuyệt đối, trong khi đó ta phải tự làm lấy khuôn đúc và các thiết bị hết sức thủ công.

Hai phi công bay thử Nguyễn Xuân Hiển và Nguyễn Văn Sửu chuẩn bị bay thử TL-1
Năm 1979, Viện Kỹ thuật Không quân chính thức được thành lập. Nhóm nghiên cứu bắt tay vào làm thiết kế công nghệ. Ngặt nỗi kinh phí rất khó khăn, nhà xưởng cũng không có, phương tiện thì thiếu thốn. Nhóm phải cử người vào Nam xin vật liệu để dựng nhà xưởng, sau đó lại đi kiếm các máy móc, thiết bị... Cứ nghe ở đâu có là đến xin, tập hợp tất cả gần 50 máy công cụ các loại và gần chục tấn hàng chuyển bằng tàu hỏa từ miền Nam ra. Ông Trương Khánh Châu trực tiếp lên lớp giảng dạy cho số kỹ sư, thợ kỹ thuật do Bộ Quốc phòng điều từ Tổng cục Kỹ thuật về để tham gia sản xuất máy bay.


Máy bay TL-1 bay thử nghiệm
Cũng tại thời điểm ta bay thử máy bay TL-1, ở Pháp, để bay thử chiếc Concord, riêng tiền bảo hiểm cho phi công bay thử lúc đó là 2 triệu USD. Còn ở ta, khi bay thử, phi công không hề có một chế độ bảo hiểm nào. Hai phi công được chọn bay thử đầu tiên là phi công Nguyễn Xuân Hiển (sau này là Tổng giám đốc Hàng không dân dụng) và phi công Nguyễn Văn Sửu. Ngay khi chạy thử dưới đường băng, máy bay đã bị rung lắc mạnh nên không được phép cất cánh. Nhóm nghiên cứu nhiều lần kiểm tra, thay đổi các chỉ số và lại chạy thử rất nhiều nhưng không tìm ra ẩn số. Thời gian “khám bệnh” cho đứa con đầu lòng kéo dài hơn 10 ngày đêm và cuối cùng thì cũng tìm ra nguyên nhân: Do đã quá chú ý đến các chi tiết quan trọng mà bỏ qua một bộ phận đơn giản là chiếc càng chưa đồng bộ. Nhóm đã phải đi nhiều nơi, đến nhiều nhà máy để tìm chiếc càng tương thích để thay thế mà chưa ra. Cuối cùng, sau nhiều tháng tìm kiếm, họ mới tìm được chiếc càng cũ tại một kho quân sự ở Lạng Sơn. Sau khi gia công, chỉnh sửa và lắp vào chạy thử, quả nhiên máy bay đã hết rung lắc.

Sáng ngày 25/9/1980, TL-1 đã rời đường băng cất cánh bay. Nhóm nghiên cứu ôm chầm lấy nhau nhảy múa trong những giọt nước mắt hạnh phúc. Với 102 phút trên không, 13 lần cất hạ cánh, máy bay TL-1 đã hoàn thành chương trình bay thử. Tốc độ bay bằng lớn nhất đạt 265km/h, tốc độ cất, hạ cánh đạt 125km/h, trần bay tối đa 4.500m, trọng lượng 1.100kg, có thể chở 4 người. Tổng Bí thư Lê Duẩn và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Văn Tiến Dũng đã xuống xem bay thử và khen ngợi thành tích ban đầu. Đồng chí Văn Tiến Dũng nói: “Năm nay quân đội ta có 2 sự kiện lớn, một là Phạm Tuân bay vào vũ trụ, hai là ta tự làm được máy bay và bay lên trời”. Đề tài được Bộ Quốc phòng khen thưởng bậc 10/ 10, Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân còn được Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam thưởng cho một chiếc... xe máy Vespa!

Thành Trung (Quân chủng Phòng không - không quân)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm