Bài 1: Khi Thủ tướng “tầm sư” để sản xuất máy bay

28/01/2010 07:58 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Hơn 30 năm trước, các kỹ sư Quân đội Nhân dân Việt Nam đã chế tạo được những chiếc máy bay đầu tiên, và tháng 2 tới đây, Quân chủng Phòng không – Không quân sẽ tổ chức trưng bày những chiếc máy bay đầu tiên do Việt Nam sản xuất.

TT&VH xin giới thiệu cùng bạn đọc “những điều chưa biết” về những bước khởi sự của ngành công nghiệp hàng không Việt Nam hơn 30 năm trước.

Một Việt kiều về nước giúp làm máy bay


Trước hết phải nêu rõ, người giúp đỡ chúng tôi thu thập tài liệu và gặp gỡ các nhân chứng khi thực hiện loạt bài này là Thượng tá Nguyễn Hữu Đạc, Giám đốc Bảo tàng Phòng không – Không quân. Ông tâm sự: “Phía sau mỗi chiếc máy bay là cả một câu chuyện dài thể hiện sự thông minh, sáng tạo của người Việt Nam, thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn xa của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quân đội, cho thấy lĩnh vực này không hề bị “bỏ trống”.

Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh với nhóm nghiên cứu, thiết kế chế tạo máy bay của Viện Kỹ thuật Không quân.


Chúng tôi tìm được “manh mối” về người tham gia chế tạo chiếc máy bay đầu tiên, ông là Đại tá, Tiến sĩ Nguyễn Văn Hải, nguyên Trưởng phòng Thiết bị Hàng không của Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân, hiện đang sống ở đường Tô Vĩnh Diện, Hà Nội. Khi nhắc lại chuyện chế tạo máy bay, ông không giấu nổi cảm xúc, mắt ánh lên niềm tự hào: “Nhanh thật, thế mà đã hơn 30 năm kể từ ngày bọn mình làm xong chiếc máy bay đầu tiên”.
Đại tá Nguyễn Văn Hải thì cho biết: “Năm 1976, tôi và anh Trương Khánh Châu, Viện trưởng Viện Kỹ thuật Phòng không - Không quân (sau này là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) làm nghiên cứu sinh chuyên ngành máy bay ở Học viện Giu-cốp-xki, Liên Xô. Trong năm 1976, chúng tôi được đón đoàn cán bộ quân sự cấp cao do Đại tướng Võ Nguyên Giáp dẫn đầu tới thăm. Đại tướng đã gọi anh Châu tới và căn dặn: Các em cần tích cực học tập, nghiên cứu, làm chủ khoa học để sau này về nước có thể chế tạo máy bay, góp phần hiện đại hoá quân đội. Năm 1977, chúng tôi trở về nước thì chỉ một năm sau, Quân uỷ Trung ương đã có nghị quyết về sản xuất máy bay”. 

Theo Thượng tá Nguyễn Hữu Đạc, về chủ trương sản xuất chiếc máy bay đầu tiên phải kể đến chuyến thăm Pháp của Thủ tướng Phạm Văn Đồng tháng 4 năm 1977. Tại đây, Thủ tướng đã gặp ông Nguyễn Văn Phúc, một Việt kiều là chuyên gia về sản xuất máy bay. Anh Nguyễn Lương Hòa, cháu gọi ông là bác ruột, hiện ở phố Hàng Vải (Hà Nội) và bà Nguyễn Thị Mười - chị cả ông Phúc là những người từng có nhiều thời gian  ở bên ông Phúc khi ông về Việt Nam đã kể lại câu chuyện đáng nhớ này. 

Ông Phúc sinh năm 1916, đã mất năm 1995, lúc nhỏ theo học tại Trường Bưởi, Hà Nội. Năm 1937, ông du học và thi đỗ vào Học viện Hàng không Pháp, thành một nhà thiết kế máy bay từng tham gia chế tạo máy bay Caravelle vào năm 1955 và 20 năm sau đó là máy bay phản lực siêu âm đầu tiên của thế giới Concord. Ở Pháp, ông Phúc khá nổi tiếng, đến mức có một bài báo đã viết về ông đại ý, Caravelle là máy bay dân dụng đầu tiên trên thế giới mới được sản xuất do một kỹ sư Việt Nam phụ trách việc tính toán kết cấu.

Ông Nguyễn Văn Phúc (người thứ 4 từ phải qua) cùng nhóm kỹ sư Việt Nam.


Khi gặp Thủ tướng Phạm Văn Đồng, giữ lúc nước nhà đang bộn bề lo hàn gắn vết thương chiến tranh, chuyện sản xuất máy bay còn khá…xa xôi. Thế nhưng, với nhiệt huyết của một người yêu nước, ông Phúc đã mạnh dạn đề nghị Thủ tướng được về quê hương giúp đất nước phát triển lĩnh vực hàng không. Thủ tướng đã ghi nhận điều này.

Năm 1977, ông Phúc về nước và được Chính phủ giao phối hợp với Bộ Quốc phòng để sản xuất máy bay. Ông Trương Khánh Châu khi đó là Trưởng phòng Thiết kế của Quân chủng được cử làm việc với ông Phúc. Sau đó, ông Châu làm bản dự án “Xây dựng cơ sở thiết kế, chế thử máy bay cánh quạt loại nhỏ”. Ngày 4-3-1978, Quân ủy Trung ương đã họp phê chuẩn dự án, chỉ rõ mục tiêu cơ bản của dự án là: Đào tạo đội ngũ cán bộ nghiên cứu và công nhân kỹ thuật ban đầu biết thiết kế, chế tạo và tổ chức bay thử một số loại máy bay từ đơn giản đến phức tạp, làm nòng cốt cho nền công nghiệp Hàng không Việt Nam sau này. Ban Nghiên cứu thiết kế (NCTK) được thành lập do ông Trương Khánh Châu làm chủ nhiệm dự án,  các ông Nguyễn Văn Hải và Cao Văn Bình làm Phó chủ nhiệm.

Giữa năm 1978, ông Trương Khánh Châu đại diện nhóm nghiên cứu mang bản thiết kế sang Pháp gặp ông Phúc để xin ý kiến. Làm việc trong những điều kiện hết sức thiếu thốn về phương tiện, tài liệu nên không tránh khỏi những khiếm khuyết. Ông Phúc đã góp ý và cung cấp một cuốn tài liệu tính độ bền, định mức, tiêu chuẩn máy bay FAR-25 của Mỹ. Cuốn sách này đã giúp ta làm tốt hơn việc tính toán làm thiết kế những chiếc máy bay đầu tiên.

Sau khi về nước và làm lại bản thiết kế kỹ thuật và thiết kế khí động với hàng trăm bản vẽ lớn nhỏ, hàng nghìn trang tính toán, cuối năm 1979, bản thiết kế mới đã hoàn thành. Tháng 7-1980, chiếc máy bay đầu tiên mang tên TL-1 đã xuất xưởng để chuẩn bị bay thử chào mừng ngày Quốc khánh 2-9.

(Còn nữa)

Thành Trung (Quân Chủng Phòng không – Không quân)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm