Bài 2: Những design phong kiến cuối cùng

18/09/2014 09:29 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Thật khó có thể xác định ranh giới về sản xuất thời phong kiến kết thúc khi nào khi thời thực dân Pháp thiết lập nhà nước đô hộ ở Việt Nam. Từ thế kỷ 19 và những năm đầu thế kỷ 20, những thiết kế và chế tác phong kiến vẫn được duy trì và công nghệ mới bắt đầu len lỏi theo nhiều hình thức chính thức hoặc tự phát.

Ngay từ thế kỷ 17, 18 các chúa Nguyễn ở Đàng Trong đã nhờ người Bồ Đào Nha giúp về việc đúc súng. Khi nhà Nguyễn đánh bại nhà Tây Sơn và thiết lập một giang sơn mới năm 1802, thì trong triều đình vẫn còn nhiều kỹ sư, sỹ quan Pháp và cha cố phương Tây. Kiến trúc thành trì phong kiến được nhà Nguyễn cho sửa sang tất cả thành kiểu Vaubant từ phương Tây, tức là tường thành không thẳng như trước mà có các đột giác nhô ra như một pháo đài, kiến trúc này phù hợp với thời đại đã có pháo binh, người ta đặt pháo trên các đột giác có thể khống chế quân công thành bằng hỏa lực từ hai đột giác bắn chụm vào một điểm. Không chỉ có thành mà các đội binh thuyền cũng đặt nhiều trọng pháo.


Phố Hà Nội cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, nhiều con phố đường đất và nhà lá. Ảnh tư liệu do người Pháp chụp, tư liệu NXB Thế Giới

Trong triều chính, nhà Nguyễn đã có những bước đi ban đầu du nhập kỹ thuật phương Tây, như đóng tàu, đúc súng, xây thành, về kỹ thuật và hình dáng là kết hợp giữa kiểu thức truyền thống và kiểu thức mới. Nhưng ở phương Tây, thế kỷ 19, cuộc cách mạng công nghiệp đang tiến như vũ bão, nhất là sau Cách mạng tư sản Pháp, năm 1789, thì những kỹ thuật ấy dù có sang đến phương Đông cũng nhanh chóng bị lạc hậu, khi điều kiện cập nhật không có. Sau thời vua Gia Long, các vua Nguyễn nhạt dần với cố đạo và sĩ quan Pháp, tiến đến loại hẳn các vị đó ra khỏi triều đình. Mọi kỹ thuật quân sự của nhà Nguyễn tụt hậu trông thấy và khi thực dân Pháp chính thức xâm lược Việt Nam năm 1858, thì quân đội Nguyễn thua hẳn quân đội viễn chinh dù rất ít ỏi, kèm theo nỗi khiếp sợ tàu to súng lớn của bọn Tây dương bạch quỷ.

Ở bình diện xã hội, những gì người phương Tây vẽ lại và chụp ảnh lại sau khi máy ảnh ra đời, thì người nông dân Việt Nam vẫn giữ một đời sống vật chất có lẽ như 500 năm trước. Ở miền Bắc vẫn có những chiếc xe trâu hai bánh gỗ đặc, được xẻ nguyên từ một lát cắt cây gỗ, và chưa biết đóng bánh xe kiểu có vành và nan hoa. Loại xe cút kít có hai tay đẩy cũng thông dụng và cũng có một bánh gỗ đặc, loại xe này xuất hiện ở phương Đông thấy sớm nhất từ thế kỷ 11. Riêng công nghệ làm nhà gỗ của người Việt đạt đến đỉnh cao từ lâu trong các ngôi đình, ngôi chùa thế kỷ 16, 17, nhưng trong thế kỷ 19, rừng đã lui dần, nhà dân chủ yếu là gianh tre nứa lá và đắp tường đất. Ngay các phố cổ Hà Nội cũng hầu hết làm bằng tre nứa, một lý do khác là Hà Nội thời Nguyễn chỉ còn là Bắc thành không đóng vai trò kinh đô nữa, nên có hiện tượng thoái hóa đô thị. Sang đầu thế kỷ 20, qua những ảnh chụp quần áo của vua quan không còn quá lụng thụng như trước. Vua Khải Định và vua Bảo Đại đã mặc áo tay chẽn, tuy vẫn thêu đầy rồng phượng như trước. Lúc thường nhật vua quan đều mặc áo the khăn xếp đơn giản, design này là kết hợp lối quan phục và dân phục cho gọn gàng, sau trở nên lối ăn mặc có tính truyền thống của người Việt Nam dịp đại lễ thời thực dân phong kiến và hiện thì nhiều vùng nông thôn vẫn mặc vào hội làng.


Cô gái Sài Gòn, ăn mặc tân thời, dù chưa phải là áo dài năm 1930. Ảnh tư liệu do người Pháp chụp đầu thế kỷ 20, trong sưu tập của Pouja de Ladeveze. Tư liệu NXB Thế Giới

Nếu design kiến trúc được coi là ngành lớn hiện nay, thì công trình có tính chất kết hợp văn hóa Đông Tây đầu tiên ở Việt Nam là nhà thờ đá Phát Diệm, công trình tiêu biểu cuối cùng của thế kỷ 19. Nhà thờ được khởi công năm 1875 và hoàn thành vào năm 1898, tức là 40 năm sau khi Pháp khai hỏa cho cuộc xâm lược Việt Nam. Tuy nhiên, Thiên chúa giáo đã đến Việt Nam trước cuộc xâm lăng này có lẽ hơn hai trăm năm, và dần dà tìm cách thâm nhập xã hội Nho Lão Phật. Tất cả những nhà thờ trước đó, thoạt tiên nếu chưa xây cất đàng hoàng, các cha cố dùng ngay một nhà dân bình thường làm nhà thờ, sau đó xây một nhà thờ hoặc có một tháp chuông chính giữa, hoặc có hai tháp chuông theo lối nửa Roman, nửa Gotic, tất nhiên đều thấp hơn nhiều so với kiến trúc phương Tây và chủ yếu xây bằng bê tông và gạch. Dưới các vùng biển phía Bắc, nhiều nhà thờ như vậy đã được xây dựng, phần chính điện mặt bằng basilica, lại thường là một kiến trúc vì kèo dọc (như ngôi đình quay dọc ra), kết hợp với tháp chuông phía trên bằng gạch cao tầng. Nhà thờ Phát Diệm chính là sự nhân lớn kiểu thức này một cách triệt để hơn và với một quần thể được quy hoạch hoàn hảo. Một nhà thờ lớn ở trung tâm và năm nhà nguyện nhỏ ở xung quanh, hồ nước trước mặt, các tuyến đường đi và đường dẫn thiết kế cân xứng, khiến cho bản thân bố cục nhà thờ Phát Diệm là chưa từng có trong kiến trúc Việt Nam và rõ ràng mang tính quy hoạch ảnh hưởng từ phương Tây, mặc dầu lấy kết cấu cơ bản từ chữ Vương trong Hán tự. Có thể nói cấu kiện kiến trúc là phương Đông, quy hoạch mặt bằng là phương Tây đã tạo ra sự phối hợp độc đáo của một biểu hiện văn hóa lúc giao thời. Nếu nhìn rộng hơn người kiến tạo công trình - cha Sáu, cũng là một nhà Nho theo đạo Thiên chúa. Ông cũng giống như rất nhiều nhà Nho đương thời có cả Tây học lẫn Hán học và nhận thức rất rõ sự canh tân là điều không tránh khỏi. Ý thức văn hóa của tầng lớp trí thức này vừa muốn lưu giữ những giá trị văn hóa phương Đông xưa vừa muốn học hỏi cái hay của văn hóa phương Tây, và nhìn nó như một viễn cảnh văn hóa tương lai, ngay trong thời kỳ thực dân đô hộ.


Nhà thờ đá Phát Diệm, ảnh khai thác mạng

Sau khi xứ Kim Sơn, từ năm 1828, được Nguyễn Công Trứ tạo lập từ những đầm lầy ven biển, năm 1875, linh mục Phêrô Trần Lục (Cụ Sáu) cùng các giáo dân bắt đầu xây dựng nhà thờ Phát Diệm, đến năm 1898 công trình kiến trúc đồ sộ này cơ bản hoàn thành. Quần thể nhà thờ Phát Diệm tọa lạc trên 22 ha, được bố cục theo hình chữ Vương, nói đúng hơn là hình chữ Chủ, có nghĩa là Chúa (Thiên Chúa). Gồm một nhà thờ chính và năm nhà thờ nhỏ cùng nhiều công trình khác. Linh mục Trần Lục lĩnh chức ở giáo phận Phát Diệm từ năm 1865.

Nhà thờ nhỏ hoàn toàn bằng đá được khởi dựng năm 1883 và hoàn thành đầu tiên, có tên là nhà nguyện Trái tim vô nhiễm nguyên tội Đức Mẹ. Nhà thờ này bố trí ở phía đầu nhà thờ chính.

Bốn nhà thờ nhỏ bố trí hai bên nhà thờ trung tâm, có tên là nhà nguyện dâng kính trái tim Chúa, nhà nguyện kính thánh Phêrô, nhà nguyện kính thánh Giuse, và nhà nguyện kính thánh Rôcô (tên nguyên thủy: nhà nguyện kính thánh Gioan Tiền Hô). (tham khảo nguồn Di sản thế giới, di lịch Ninh Bình, Wikipedia).

Phan Cẩm Thượng
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm