Bạch Quang Thái: Chưa bao giờ thôi đam mê thể thao

09/10/2012 06:45 GMT+7 | Thể thao

(TT&VH)- “Người khác làm được cái gì, tôi có thể làm được hết, tôi làm ở đây, vì ở đây, công việc áp lực, chẳng ai ưu ái gì cho tôi cả. Tôi làm việc bình thường, và “chơi” thoải mái như những người khác”, Bạch Quang Thái, VĐV khuyết tật từng không có đối thủ trên đường đua xe lăn ở Việt Nam, chia sẻ.

Chúng tôi hẹn anh vào lúc 7h tối sau một ngày làm việc của Bạch Quang Thái tại trường Quốc tế Liên Hiệp Quốc ở Hà Nội (United Nations International School-UNIS Hanoi). Chạy từ khi Ciputra qua một quán café ven hồ Tây vào đúng tầm giờ đường đông đúc, Bạch Thái nhiều khi chạy vượt lên cả phóng viên TT&VH. Một ngày Hà Nội vào thu hơi lạnh, thỉnh thoảng lất phất vài giọt mưa, phóng viên TT&VH và Bạch Quang Thái cứ thế ngồi đối diện với nhau.

Mặc cho những hạt mưa rơi xuống, anh nói, còn phóng viên TT&VH lắng nghe, những câu chuyện về những ngày anh bắt đầu luyện tập thể thao người khuyết tật đầy gian nan vất vả, những cuộc thi đấu đầu tiên cho đến lúc anh trở thành một VĐV không có đối thủ trên đường đua xe lăn, về cuộc sống, và về công việc hiện tại. Đầy tự tin và nhiệt huyết, Bạch Quang Thái trẻ hơn rất nhiều so với tuổi của anh, và đã làm được quá nhiều việc, cho mình, cho gia đình của mình và cho xã hội.

Câu chuyện mở đầu bằng việc nói đến cái cách anh chạy xe máy. Bạch Quang Thái bảo anh đi một chiếc xe số, chứ không mua một chiếc xe ga, dù xe ga thì tiện dụng hơn cho anh. Đi xe số, anh còn đi “phượt” được, bởi anh rất đam mê những chuyến đi khám phá mọi vùng miền Tổ quốc, đến với những em nhỏ nơi vùng cao Tây Bắc, với hành trang giờ có thêm một chiếc máy ảnh anh mới dành dụm tiền sắm được.



Bạch Quang Thái có thừa sự lạc quan trong cuộc sống

Một chân bên phải có thể đạp phanh, còn chân bên trái không gẩy số được, anh gẩy “số tay”, tức là dùng cánh tay mình nhấn vào bên chân đeo nẹp, “truyền lực” xuống cần số. Cái cách đi xe máy rất đặc biệt, nếu anh không nói thì cũng khó mà nhận ra, bởi đi gần anh cả quãng đường, phóng viên TT&VH vẫn cứ tưởng anh chạy xe một cách bình thường. “Người khác làm được cái gì, tôi có thể làm được hết, và tôi làm ở trường UNIS thứ nhất bởi công việc phù hợp với năng lực của tôi, thứ hai là vì công việc cũng khá áp lực và vất vả, bởi chẳng ai ưu ái gì tôi cả, mọi người coi tôi như một người bình thường và tôi có nhiều việc phải làm, phải hoàn thành, và tôi thích một công việc như vậy.”

Học về kinh doanh nhưng Bạch Quang Thái khá am hiểu về máy tính. Công việc đến với anh khá tình cờ, bắt đầu từ việc tham gia làm trợ giảng tại trường UNIS, rồi đến khi có việc về máy tính, anh có kiến thức tốt nên trợ giúp, và sau đó trở thành luôn một người phụ trách IT, bảo dưỡng hệ thống máy tính, hệ thống mạng ở đây. “Ở trường này, mỗi học sinh được trang bị một máy tính bảng loại to 13 inches, và cứ máy nào có vấn đề thì tôi phải cài đặt, xử lý, ngoài ra là hệ thống máy tính nội bộ nữa, đến cả nghìn máy ấy. Nhiều khi, một mình tôi vác trên vai cả những chiếc máy tính nặng, chẳng vấn đề gì hết. Tôi làm được và làm tốt công việc”, Bạch Quang Thái chia sẻ.

Anh nói về công việc rất ít, và kể về những sự thú vị “bên lề” là nhiều. Chẳng hạn như việc những em học sinh nhiều lứa tuổi, nhiều quốc tịch ở đây khá quí mến anh, dù tóm lại thì vẫn là “nhất quỉ nhì ma thứ ba học trò”.

Cô bé Anna Trương, con gái cặp nghệ sỹ Anh Quân-Mỹ Linh, mỗi lần thấy anh ở cổng trường vẫn nói to: “Chào chú nhé” rồi cười rất tươi. Hàng ngày được làm việc tiếp xúc toàn với những người trẻ, anh cũng như trẻ ra, vui hơn. Rồi điều anh thích nhất là ở trường có cả một hệ thống cơ sở vật chất thể thao rất tốt, anh cùng các đồng nghiệp ở đây khi hoàn thành xong công việc, rảnh rỗi có thể tập bơi, tập chạy, chính những điều này giúp anh không phải xa rời thể thao dù giờ anh đã ngừng thi đấu.

Rồi ở môi trường rất năng động thế này, anh cùng các bạn có cả một “đội chơi”, tham gia tích cực cùng học sinh vào các hoạt động xã hội, những hoạt động ngoại khóa, nhưng chuyến du lịch, ngay thời điểm này thì Bạch Quang Thái đang cùng bạn bè vi vu vào Hội An.

Vài năm trước, cái tên Bạch Quang Thái được nhắc đến rất nhiều, khi anh là một VĐV khuyết tật tiêu biểu của Việt Nam, một tấm gương sáng về nghị lực vươn lên. Ở các giải đấu trong nước, với bộ môn đua xe lăn, anh từng không có đối thủ, cứ tham gia thi giải toàn quốc là lập tức giành HCV.

Ngay lần đầu tiên tham dự Para Games 2001, Bạch Quang Thái giành tấm HCĐ. Anh là một trong những người người sáng lập và điều hành CLB sinh viên khuyết tật Hà Nội, hoạt động tích cực trong những tổ chức trợ giúp người khuyết tật, hướng nghiệp để người khuyết tật hòa nhập tốt với cộng đồng. Từ một cậu bé yếu ớt, rụt rè, tình cờ biết được CLB thể thao khuyết tật ở Khúc Hạo, anh đến xin tập thử.

Những ngày đầu, anh bảo “mình yếu đến nỗi chẳng lăn nổi cái xe”, trải qua những tháng ngày rèn luyện với một ý chí sắt đá hơn người, qua bao vất vả, đổ mồ hôi thậm chí có những lúc ngã xe đổ máu, đau đớn, Bạch Quang Thái đã trở thành một VĐV xe lăn không có đối thủ trên đường đua.

Anh nói: “Chính thể thao đã giúp cho tôi có được ngày hôm nay, có sức khỏe để hoàn thành tốt công việc, có sự tự tin, và cũng nhờ thế, tôi có thể giúp đỡ được cho nhiều người khác”. Bạch Quang Thái có một sức làm việc hơn người, khi thời gian trước, anh đảm nhận một lúc nhiều công việc. Thêm nữa là chăm sóc cho 2 thiên thần nhỏ gồm một trai, một gái của anh. Bạch Quang Thái vẫn còn đang sống trong một đại gia đình với nhiều thành viên quây quần ở một ngôi nhà nhỏ trên phố Nguyễn Khuyến. Anh “khoe” rằng chính anh đã thay đổi được gia đình mình, rằng anh đã nói với những đứa cháu mình rằng, chỉ có phấn đấu bằng con đường học vấn, vươn lên mạnh mẽ thì mới có một cuộc sống tốt đẹp hơn.



Bạch Quang Thái trong một hoạt động của UNIS Hà Nội

Mới đây, khi cùng cô con gái tham dự vào một hoạt động từ thiện vì cộng đồng, khi cô con gái anh hỏi: “Sao bố không chạy xe lăn mà lại đi bộ”, anh đã cười và giải thích rằng: “Nếu bố chạy xe lăn thì là một điều quá bình thường, bố có thể đi nhanh hơn rất nhiều những người khác, nhưng bố muốn đi bộ, đồng hành cùng con và mọi người.” Anh luôn dạy con mình phải có sự tự tin, phải có ý chí, và phải luôn nỗ lực trong cuộc sống, từ những điều nhỏ nhặt nhất.

Nói về thể thao, Bạch Thái bảo nhiều lúc anh vẫn cứ muốn quay trở lại. Thể thao người khuyết tật có một đặc điểm là khi đã đạt đến một trình độ nào đó, thì người VĐV vẫn có thể duy trì được, lấy lại được dù có nghỉ một thời gian. Bạch Quang Thái từng nhiều lần bỏ lỡ cơ hội thi đấu ở những giải đấu cao hơn, những cuộc đấu ở tầm châu Á hay Paralympic. Cho đến giờ, anh vẫn nhận được rất nhiều những lời mời. Tuy nhiên, vì cuộc sống, vì công việc, muốn đi tập trở lại cũng khó ở nhiều cái, nhưng khát khao và niềm đam mê với thể thao của anh thì chưa bao giờ vơi cạn.

Trong dòng tâm sự của Bạch Quang Thái, anh vẫn luôn mong muốn được đóng góp, cống hiến cho xã hội, và làm được nhiều điều hơn cho những người khuyết tật. Anh luôn mong chế độ, điều kiện tập luyện thể thao của VĐV khuyết tật được quan tâm hơn, nâng cao hơn, để những VĐV khuyết tật của Việt Nam có thể vươn cao hơn trong các giải thi đấu quốc tế. “Cái thiếu nhất của những người khuyết tật luôn là sự tự tin, hãy nghĩ rằng, mình có thể làm được những điều mà người khác có thể làm được, luôn cố gắng cho một cuộc sống tốt đẹp và nhiều những niềm vui, niềm hạnh phúc hơn”, đó là điều mà Bạch Quang Thái luôn tâm niệm và muốn gửi gắm.


Kết thúc cuộc thi ảnh "Thể thao Hòa nhập"

Cuối tháng 7 vừa qua, Đại sứ quán Anh tại Hà Nội và Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ (East Meets West – EMW) đã phát động cuộc thi ảnh "Thể thao Hòa nhập". Cuộc thi này được tổ chức để hưởng ứng Olympic Games 2012 và Paralympic Games 2012 diễn ra tại London mùa hè vừa qua. 

Tổ chức Đông Tây Hội Ngộ hiện đang thí điểm chương trình "Thể thao Hòa nhập" tại Quảng Trị, nhằm giúp người khuyết tật tham gia các hoạt động thể thao tăng cường sức khỏe, đồng thời giúp họ tự tin vươn lên và hòa nhập với cộng đồng. Họ cũng chính là đơn vị đề xuất ý tưởng tổ chức cuộc thi ảnh "Thể thao Hòa nhập".

Chủ đề của cuộc thi "Thể thao Hòa nhập" là những khoảnh khắc ấn tượng và xúc động nhất trong thể thao của người khuyết tật Việt Nam, các sự kiện thể thao của người khuyết tật có thể diễn ra tại Việt Nam hoặc quốc tế. Đối tượng dự thi là tất cả công dân Việt Nam và người nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam. Ảnh dự thi phải được chụp không quá 2 năm trước và chưa được giải tại những cuộc thi do Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức hoặc bảo trợ.

Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam là đơn vị bảo trợ nghệ thuật cho cuộc thi. Báo TT & VH chịu trách nhiệm bảo trợ thông tin. Báo đã dành cho cuộc thi một chuyên trang ảnh tại địa chỉ khoanhkhac.thethaovanhoa.vn cập nhật liên tục về tất cả các hoạt động từ cuộc thi và những bức ảnh tham dự mới nhất.

Cuộc thi kéo dài từ ngày 27/7/2012 đến hết 8/10/2012.

Cơ cấu giải thưởng

01 giải Nhất: 15 triệu đồng, kèm theo Bằng chứng nhận của Hội NSNAVN

02 giải Nhì: mỗi giải 10 triệu đồng, kèm theo Bằng chứng nhận của Hội NSNAVN

03 giải Ba: mỗi giải 05 triệu đồng, kèm theo Bằng chứng nhận của Hội NSNAVN

 05 giải khuyến khích: mỗi giải 02 triệu đồng

Các tác phẩm được chọn trưng bày triển lãm: 300.000/ảnh (nhuận ảnh)

 


Trần Uy Vũ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm