“Ba thì” của nghệ thuật thân thể

10/05/2011 07:01 GMT+7 | Văn hoá

Body art - Nghệ thuật thân thể

Vài màn trình diễn vẽ lên cơ thể (body painting) xuất hiện trên một số sân khấu trình diễn. Hoặc một vài trình diễn nghệ thuật đương đại gần đây gây xôn xao dư luận, mà ở đó, nghệ sĩ lấy cơ thể mình ra làm “thí nghiệm”… Nghệ thuật thân thể (body art) bắt đầu được biết đến ở Việt Nam trong mấy năm gần đây một cách đơn sơ như thế. 


Trong lịch sử nghệ thuật, body art được chấp nhận như một hình thức nghệ thuật độc lập lần đầu tiên ở New York, khoảng đầu thập niên 1960. Tuy nhiên, nguồn gốc và cảm hứng của nghệ thuật thân thể khởi đầu từ cách đây khoảng 100 ngàn năm.


Tổ chức chuyên đề: VĂN BẢY


(TT&VH Cuối tuần) - Nghệ thuật cổ xưa nhất chính là việc trang trí lên thân thể chính mình. Từ khi có tổ tiên homo sapiens (người khôn ngoan) của chúng ta, cách đây khoảng 100 ngàn năm… thì body art cũng đã ra đời.

Cổ xưa

Con người phát hiện ra rằng mình có thể gây ấn tượng đối với người khác bằng những hành vi có dụng ý. Và cách ăn mặc, vẽ trên thân thể, xăm mình, xiên da... là cách dễ dàng, vì nó phù hợp với lối sống cổ sơ, nên tỏ ra có hiệu quả nhất.

Cho tới nay, dạng nghệ thuật này vẫn còn được thực hành, chẳng hạn các bộ tộc ở Borneo, thổ dân Úc, da đỏ, hoặc ở châu Phi (chẳng hạn như việc vẽ trên cơ thể như là “thời trang thiên nhiên” độc đáo của các bộ lạc sống ở thung lũng Omo, Ethiopia). Theo sách Hán thư, mãi tới mấy ngàn năm trước, nghi thức hóa thân thành chim hoặc tục xăm mình vẫn là một trong những đặc trưng của các bộ tộc Bách Việt. Ngày nay chỉ còn tộc Cao Sơn (thuộc nhóm Bách Việt) ở đảo Đài Loan còn giữ được lối trang phục lông chim và các điệu múa chim. Phụ nữ tộc Lê thuộc nhóm Lạc Việt ở đảo Hải Nam còn giữ phần nào tục xăm mình như một nhu cầu thẩm mỹ…

Hình tượng cổ xưa nhất về một shaman hay một thầy mo, cùng những hình tượng muông thú được khắc cách đây khoảng 13 ngàn năm trước Công nguyên trên trần một “ngôi đền” trong thạch động ở Trois Frere miền Nam nước Pháp. Vị shaman hóa trang và hiện thân một con hươu đực đang nhảy múa, làm phép thuật và môi giới giữa con người và những động vật được xem là tổ tiên. Shaman đóng rất nhiều vai trò: kẻ chữa trị, pháp sư, thủ lĩnh, tu sĩ và cũng là vũ sư, nhạc sĩ và họa sĩ.


Hiện đại

Nghệ thuật thân thể, có thể xem là tiền thân của nghệ thuật hành vi (performance art, Việt Nam quen gọi là nghệ thuật trình diễn) vốn bắt đầu vào những năm 1960 ở Hoa Kỳ, với một loạt những: happenings/ngẫu diễn, events/sự kiện… và những “hòa tấu” của các nghệ sĩ intermedia fluxus.

Chịu ảnh hưởng từ triết học hiện sinh (của các triết gia như Merleau-Ponty, Sartre), vì vậy trong nghệ thuật thân thể, thân thể chính là trung tâm, là bản ngã trung gian của người nghệ sĩ, là “chất liệu” cơ bản để biểu hiện.

Nghệ thuật hành vi vốn dùng để mô tả bất kỳ sự kiện nghệ thuật sống (live) nào, bao gồm cả các nhà thơ, nhạc sĩ, các nhà làm phim... để bổ sung vào nghệ thuật thị giác. Và điều quan trọng, nó cũng có nghĩa rằng nghệ thuật không thể mua bán hoặc kinh doanh dễ dàng như hàng hóa. Các nghệ sĩ hành vi, trong những năm 1960 và 1970 xuất hiện ở Nhật Bản và khắp Bắc Đại Tây Dương, xem trào lưu này như phương tiện để đem nghệ thuật của họ trực tiếp tới diễn đàn công cộng, trong những không gian mở (như các festival, các sự kiện công cộng...) và như vậy hoàn toàn thủ tiêu nhu cầu gallery, đại lý, môi giới, thuế má hay các phương diện khác của thị trường tư bản. Những ví dụ về nghệ thuật thân thể trên khắp thế giới kể từ thập niên 1960, có thể kể Vito Acconci, nhóm Hành động Vienna, nhóm Art Corporel ở Pháp, Ketty La Rocca ở Ý, Marina Abramovic ở Hà Lan...

Chính từ khái niệm xem thân thể là trọng tâm trong thân nghệ, nhiều nghệ sĩ nữ đã xem chất liệu này như là phương tiện hoàn hảo cho phong trào nữ quyền và là phương tiện để phá vỡ những cấu trúc do nam giới thống trị. Họ chứng tỏ sự tự tin và tự quyết đối với thân thể của mình. Các diễn xuất của họ gồm cả việc tự làm phương hại bản thân: họ tự trở thành đối tượng của việc hành xác và căng thẳng về tâm lý. Một số thế hệ phụ nữ tự giác sau này thì xây dựng thành tựu nữ quyền với phong cách đùa giỡn nhiều hơn trong những vấn đề giới tính và bản sắc.

Những nghệ sĩ nữ như Carolee Schneemann, Eleanor Antin, Yoko Ono… tập trung vào những vấn đề chính trị về thân thể giới tính và việc tự miêu tả về người nữ. Schneemann khẳng định rằng động lực của những diễn xuất về nữ quyền là hành vi “trả thân thể của chúng ta về lại với chính mình”. Điều kỳ lạ là những diễn xuất này thường mang tính bạo lực và gây cảm giác kinh tởm chứ không phải để tán dương. Schneemann diễn xuất trong khi bôi sơn, cho rắn trườn trên người, trông xấu xí và bướng bỉnh. Màn diễn Kinh cuộn nội thân (Interior Scroll) là một diễn thuyết rỗng tuếch, đọc trong lúc rút văn bản giấy cuộn ra từ âm hộ của người nghệ sĩ. Trong màn diễn Cắt mảnh (Cut Piece) của Yoko Ono vào năm 1965, Yoko ngồi yên lặng trong lúc các khán giả cắt rời từng mảnh y phục trên người bà. Cuộc diễn xuất này đã chất vấn sự biện biệt giữa chủ thể và khách thể, nạn nhân và kẻ xâm phạm.

Nghệ sĩ Spencer Tunick nổi tiếng với những tác phẩm dàn dựng quy mô
cảnh khỏa thân tập thể trong không gian công cộng trên khắp thế giới

Và đương đại

Kể từ cuối thập niên 1970, performance art đóng một vai trò quan trọng trong việc thực hành nghệ thuật ở Trung Quốc, nó liên hệ gần với thân nghệ của đầu những năm 1960, cả hai đều được coi là thuộc nghệ thuật hành vi. “Vi nghệ” này trải dài từ hành vi cá nhân, giữa đám công chúng nhỏ cho đến những nhóm nghệ sĩ trước một công chúng lớn.

Tuy cách biểu lộ của ngôn ngữ thân thể biến đổi tùy theo thời kỳ và theo những văn cảnh khác nhau, nhìn chung, sự phát triển của nghệ thuật hành vi Trung Quốc có thể xem như là tiến trình cấu trúc và tái cấu trúc cái căn cước của nghệ thuật tiên phong/avant-garde, để phản ứng với sự thay đổi nhanh chóng của thời/tính hiện đại. Tác phẩm của những nghệ sĩ Trung Quốc đặt chính bản thân họ vào trung tâm của sản phẩm trong khi sáng tạo ra một loạt những cấu trúc thị giác mới, với việc sử dụng thân thể một cách “tàn nhẫn” trong nghệ thuật. Tuy nhiên, các nghệ sĩ Trung Quốc không coi thân thể của họ là một “đối tượng thẩm mỹ”, mà thay vào đó là một “thân thể nghi thức hóa” hoặc một “thân thể xã hội hóa”. Những sự kiện này đánh dấu khởi đầu trào lưu performance art ở Trung Quốc - mở màn với nhóm Tinh Tinh năm 1979 - mà sau đó loại nghệ thuật này được định danh là nghệ thuật hành vi.

Khái niệm “hành vi” (bevavioral) và hành động (action) đều hàm nghĩa trong thuật ngữ “performance”, để làm nổi bật vai trò của thân thể/bản ngã như vừa là đối tượng vừa là chủ đề của việc diễn xuất.

Nghệ thuật hành vi của Trung Quốc trong những năm 1980 đã chuyên chở tính bạo lực (để chống lại bạo lực) và sự “thụ nạn” bằng một loại ngôn ngữ của thân thể được nghi thức hóa. Thân thể thụ nạn này, cùng với những địa điểm phế tích lịch sử là những nơi thường xuyên diễn ra loại nghệ thuật hành vi (như di tích Viên Minh viên, Vạn lý trường thành...) với những nghệ sĩ tự băng bó mình bằng vải trắng hoặc bằng nhật báo, hàm ý “người thụ thương”.

Khuynh hướng nghệ thuật hành vi này dường như kế tục hội họa vết sẹo, khi nó biểu hiện và tái hiện, đồng thời siêu vượt ý nghĩa của sự khổ nạn tập thể từ ký ức lịch sử vừa qua. Ở đây ý nghĩa việc khổ xác của người nghệ sĩ nhiều khi đóng vai hành vi hy sinh như sự “cứu chuộc”, để đồng cảm với thân phận của đồng bào mình.

Ở bước ngoặt thế kỷ 21, một số những diễn xuất nghệ thuật hành vi của Trung Quốc trở nên đặc thù và đẩy tới cực độ. Ví dụ, nghệ sĩ Chu Dục (Zhu Yu), vào năm 2000, đã từng gây sốc thế giới khi trực tuyến hành vi ăn thịt một bào thai được nấu nướng (không biết là hành vi thật hay giả!). Mục đích của những hành vi này là để thách thức và phê phán những tiêu chuẩn đạo đức, văn hóa truyền thống Trung Quốc, với phát biểu đại ý rằng anh đã tìm khắp trong bộ luật của đất nước này, không có điều luật nào cấm ăn thịt người; điều này làm ta nhớ tới sự phê phán kịch liệt của nhà văn Lỗ Tấn về loại “văn hóa ăn thịt người” của Trung Quốc.

Gần đây, nghệ thuật hành vi đã được các nhà sưu tập, các bảo tàng nhòm ngó, mua bán, nên body art đã thay đổi theo các hướng khác. Thân thể đã trở thành một chủ đề rộng lớn trong những tranh luận và những cách xử lý, vì vậy không thể giảm trừ nghệ thuật thân thể theo lối hiểu chung chung. Những sách lược quan trọng đang chất vấn về thân thể con người như: việc cấy mô, thân thể cộng sinh (symbiosis) với những kỹ thuật mới, thân thể ảo (virtual), sinh sản vô tính... hoặc cũng có thể bao gồm việc mổ xẻ và kỹ thuật bảo toàn thân thể con người mang tính nghệ thuật, thời trang. Trong vài trường hợp như Damien Hirst biến xác động vật thành tác phẩm nghệ thuật, hoặc tiến sĩ giải phẫu học Gunther von Hagen với công trình Thế giới thân thể (Body Worlds) vô tiền khoáng hậu, với hàng trăm thân thể con người, động vật với đủ tư thế và chi tiết nội tạng “sống động” đang chu du triển lãm, khiến cả thế giới phải sửng sốt.

Bài kết: Trò chơi hay nghệ thuật?

Triệu Nhan

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm